Home » Xã hội » Từ 1/8: Lái xe uống bia rượu bị phạt 18 triệu đồng

Theo quy định mới nếu bạn ra đường có mùi cồn thì sẽ bị phạt đến 18 triệu đồng (đối với xe ô tô), 4 triệu đồng (đối với xe máy), đồng thời bị tước giấy phép lái xe 3 đến 6 tháng.

Đo nồng độ cồn của lái xe. Ảnh internet

Đo nồng độ cồn của lái xe. Ảnh internet

Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2016.

Qua đó các mức phạt cao hơn gấp đôi so với trước. Ví dụ quên bật đèn chiếu sáng, xe ô tô sẽ bị phạt từ 600.000 đến 800.000 đồng; xe máy 80.000 – 100.000

Lỗi không chấp hành tín hiệu đường giao thông (như vượt đèn đỏ), xe ô tô bị phạt 1.200.000 – 2.000.000 đồng; xe gắn máy bị phạt 300.000 – 400.000 đồng. 

Đặc biệt nếu người điều khiển phương tiện giao thông có 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: Đối vối xe ô tô thì sẽ bị phạt ở mức 16-18 triệu đồng, hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 4 đến 6 tháng. Với xe máy thì bị phạt 3 đến 4 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 5 tháng.

Tọa đàm quy định xử phạt giao thông

Ngày 22/7 vừa qua đã diễn ra buổi tọa đàm Quy định mới trong xử phạt giao thông do báo Giao thông tổ chức. ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng dù đã có nhiều biện pháp, nhưng rượu bia vẫn là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông.

Tại buổi tọa đàm này, nhiều ý kiến cho rằng mức phạt 18 triệu đồng vẫn chưa đủ sức răn đe.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cho rằng mức phạt 18 triệu là chưa đủ, ông đề nghị nâng mức phạt cao hơn.

Thượng tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT – Bộ Công an, cho biết sẽ có các đợt cao điểm xử lý nồng độ cồn.

Có độc giả thắc mắc, nếu vượt đèn vàng có vi phạm luật giao thông hay không? Thượng tá Đỗ Thanh Bình,  Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an giải thích rằng, căn cứ Điều 38 Luật Giao thông đường bộ: Đèn đỏ không được đi, đèn vàng phải giảm tốc độ. Nếu đã đi vào khu vực ngã tư rồi thì được đi tiếp. Còn nếu chưa thì phải dừng lại

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng nói thêm: Trước đây, quy định tách thành 2 hành vi để phạt đó là phạt vượt đèn vàng và phạt vượt đèn đỏ. Nhưng với Nghị định 46 thì phạt hai hành vi như nhau.

Việc xử lý người uống rượu bia tham gia giao thông ở các nước trên thế giới 

Trên thế giới việc xử phạt người uống rượu bia nhưng vẫn tham gia giao thông là rất nghiêm, vì ảnh hưởng đến tính mạng của người khác. Có rất nhiều biện pháp xử phạt khác nhau:

Ở Thái Lan chỉ cho phép lái xe có độ cồn dưới 0,05 miligam một lít khí thở. Nếu lái xe không đồng ý cho kiểm tra nồng đồ cồn thì bị xem là say xỉn và bị bắt theo pháp luật, mức xử phạt rất cao thậm chí bỏ tù. Người uống bia rượu gây tai nạn chết người có thể bị tòa kết án tử hình.

Ở Singapore lái xe chỉ được phép có độ cồn ở mức  0,08 miligam một lít khí thở. Nếu vi phạm lần thứ nhất sẽ bị phạt 5.000 đô Singapore và 6 tháng tù, nếu tái phạm sẽ bị phạt 1 triệu đô Singapore và một năm tù. Nếu là nam giới dưới 50 tuổi còn bị thêm đòn roi (cao nhất 24 roi).

Ở Trung Quốc sẽ bị phạt tù từ 1 đến 6 tháng, cấm lái xe 3 năm. Trường hợp lái xe say xỉn gây tai nạn chết người sẽ bị tử hình.

Ở Malaysia lái xe say xỉn sẽ bị ngồi tù, nếu đã kết hôn thì người vợ cũng ngồi tù theo.

Ở Nhật Bản quy định nồng độ cồn không được quá 0,03 miligam một lít khí thở, nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nhiều tiền và bị cấm lái xe trong một thời gian dài. Nếu cố tình bỏ trốn sẽ bị phạt 10 năm tù, nếu gây tai nạn chết người còn bị cấm lái suốt đời. Các quán bar không được phép bán bia rượu cho lái xe (nếu biết), quán nào vi phạm sẽ bị cấm hoạt động.

Ngoài ra, người cung cấp xe cho người uống rượu, người ngồi cùng xe với người uống rượu và người cung cấp rượu cho người lái xe đều bị xử phạt cùng. Người ngồi cùng xe hay người cung cấp rượu cho một lái xe sẽ bị tuyên mức án tù cao nhất là 3 năm hoặc bị phạt 500.000 yên; còn bản thân tài xế sẽ bị phạt tù giam cao nhất 2 năm hoặc bị phạt 300.000 yên.

Ở Ấn Độ quy định nồng độ cồn không được phép quá 0,03 miligam một lít khí thở. Các đội kiểm tra nồng độ cồn được ngay trước cửa các quá bar, khách sạn hay nhà hàng. Tòa Án đất nước này cũng đã kiến nghị khi bán rượu cho khách thì yêu cầu khách phải có sẵn hay thuê người chở mình về.

Ở Đức quy định lái xe không được có nồng độ cồn quá 0,05 miligam một lít khí thở, nếu vi phạm lần đầu bị phạt 500 euro và cấm lái 1 – 3 tháng. Nếu tái phạm hình phạt sẽ tăng dần lên.

Ở Mỹ lái xe trong tình trạng say rượu bị coi là tội phạm nguy hiểm, các biển báo trên đường phố Mỹ đều có biển báo ghi số điện thoại để người dân phát hiện lái xe say xỉn gọi điện báo. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền, giữ bằng lái. Trường hợp vi phạm nặng sẽ bị phạt tù và tịch thu bằng lái vĩnh viễn.

Ở Anh hễ lái xe mà uống rượu là bị giữ bằng lái 1 năm, cảnh sát có thể kiểm tra bất cứ ai nghi ngờ, nếu lái xe nào không cho kiểm tra sẽ bị coi là có uống rượu.

Ngọn Hải Đăng

Theo daikynguyenvn.com

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc