Home » Xã hội » Đau đầu với kế hoạch tiêu hủy 7.000 tấn rác mỗi ngày ở TP Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những khu vực kinh tế trọng điểm, thu hút phần lớn cư dân các vùng lân cận đến an cư lạc nghiệp. Theo thống kê gần đây, thành phố Hồ Chí Minh có hơn 9 triệu người, bao gồm cả vãng lai và dân cư chính.

7.000 tấn rác mỗi ngày của TP HCM về đâu

Từ nơi được xác định là trọng điểm, khu xử lý rác Phước Hiệp bị đóng cửa, còn Đa Phước trở thành nơi xử lý đến 70% rác dù làm TP HCM tiêu tốn nhiều hơn đến 3 triệu USD mỗi năm.

TP HCM lúc đầu quy hoạch 2 khu liên hiệp xử lý rác thải là Đa Phước (huyện Bình Chánh) và Tây Bắc (khu Phước Hiệp, huyện Củ Chi). Thời điểm năm 2002, Thường trực Thành ủy và UBND TP HCM xác định Khu công nghiệp xử lý rác Tam Tân (nay là khu xử lý rác Phước Hiệp, huyện Củ Chi) là công trình trọng điểm, chiến lược của thành phố cần đầu tư nhanh, bảo đảm công suất tiếp nhận rác 3.000 tấn mỗi ngày để thay thế bãi rác Đông Thạnh.

Trong khi đó, Khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước (huyện Bình Chánh) -Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) làm chủ đầu tư – là khu dự trữ chiến lược và chỉ xử lý rác cho vùng phía Nam thành phố với công suất nhỏ, là địa điểm xử lý rác dự phòng. 

7000-tan-rac-moi-ngay-cua-tp-hcm-ve-dau

Bãi chôn lấp rác số 3 ở Phước Hiệp, Củ Chi sắp hoàn thành toàn bộ được UBND TP HCM yêu cầu ngưng tiếp nhận rác từ đầu năm 2015. Ảnh: HP

Chủ trương này cũng phù hợp với các quy hoạch của Chính phủ là ưu tiên phát triển khu Phước Hiệp. Nó được cải tạo nâng diện tích lên 690 ha với công suất 8.000 tấn mỗi ngày để xử lý chất thải liên tỉnh cho TP HCM, Tây Ninh và Bình Dương cùng xử lý chất thải sinh hoạt, xây dựng, công nghiệp thông thường cho TP HCM.

Dự án bãi chôn lấp số 3 (thuộc khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp) được làm theo chủ trương của thành phố với kinh phí hơn 976 tỷ đồng – do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM – làm chủ đầu tư và đơn vị thi công là liên danh nhà thầu KBEC (Hàn Quốc). Dự án có quy mô chôn lấp khoảng 2.000 tấn mỗi ngày, tiếp nhận và xử lý rác cho thành phố trong 9 năm.

Tuy nhiên, đầu năm 2015, chính quyền TP HCM quyết định đóng cửa bãi rác số 3 vì “gây ô nhiễm”, khi nó đã hoàn thành xây dựng 70% diện tích,và dùng nơi đây làm bãi dự phòng khi có tình huống cấp thiết. Lượng rác xử lý được chuyển hết về Đa Phước.

TP HCM có hơn 7.000 tấn rác một ngày. Động thái này của thành phố khiến bãi rác Đa Phước đang xử lý 3.000 tấn tăng lên 5.000 tấn mỗi ngàyvà trở thành nơi duy nhất chôn lấp rác của thành phố. Số còn lại được xử lý làm phân compose ở Phước Hiệp (do công ty Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa đảm nhận). Sau đó, Đa Phước cũng được điều chỉnh giấy phép nâng công suất lên 10.000 tấn mỗi ngày.

Việc thay đổi chủ trương về dự án cần ưu tiên đầu tư và phân chia lượng rác về các khu xử lý trong hơn 10 năm qua dẫn đến nhiều lo ngại lãng phí và ảnh hưởng đến “an ninh rác”. Bởi giá xử lý rác ở Đa Phước cao hơn 3 USD một tấn so với Phước Hiệp, khiến thành phố “mất” thêm 3 triệu USD mỗi năm.

Trước đó, VWS tiếp tục được chọn làm chủ đầu tư khu xử rác Long An – TP HCM (khu Tân Thành ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) với công suất 20.000 tấn mỗi ngày. Khu này rộng hơn 1.700 ha, tổng vốn đầu tư giai đoạn một là 500 triệu USD và thời gian hoạt động của dự án 75-100 năm. Dự án đi vào hoạt động từ năm 2020, được cho là đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải cho TP HCM trong tương lai và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

7000-tan-rac-moi-ngay-cua-tp-hcm-ve-dau-1

Đa Phước hiện là nơi chôn lấp rác duy nhất của TP HCM. Ảnh: Hữu Nguyên

Hồi đầu năm Thanh tra thành phố kiến nghị UBND cân nhắc chủ trương đóng cửa bãi chôn lấp rác số 3 nhằm tránh lãng phí ngân sách. Nếu vẫn quyết đóng cửa bãi rác, thành phố phải mất khoảng 1.000 tỷ đồng, gồm 600 tỷ đồng đã đầu tư xây dựng và 400 tỷ đồng dự kiến phải bồi thường cho nhà đầu tư Hàn Quốc – nhà thầu chính xây dựng bãi chôn lấp rác.

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế – xã hội cuối tháng 3, Chánh Văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan dành khá nhiều thời gian nói về việc đóng cửa bãi rác Phước Hiệp và cho “đây là phát biểu chính thức của UBND thành phố và nên khép lại vụ việc”.

Theo ông Hoan, Thủ tướng đã cho quy hoạch tại TP HCM 3 khu xử lý rác. Việc triển khai đều đúng quy hoạch, trình tự thủ tục đầu tư và tất cả các dự án đều có ý kiến của các bộ, ngành. Ngay cả việc nâng công suất Đa Phước từ 3.000 lên 5.000 tấn và đạt công suất tối đa 10.000 tấn cũng có ý kiến của các cơ quan và Chính phủ, chứ thành phố không thể tự đánh giá. Còn việc đóng bãi rác Phước Hiệp do người dân phản ánh gây ô nhiễm môi trường. Thành phố cũng có chỉ đạo để khắc phục nhưng không triệt để. 

Đại diện UBND thành phố nói thêm rằng, việc tạm ngưng tiếp nhận rác tại bãi Phước Hiệp để đưa về Đa Phước không thể gây thiệt hại lớn như quan ngại trước đó của Thanh tra TP HCM. Đây là công trình vừa làm vừa tiếp nhận rác, chưa tính đến yếu tố khấu hao nên không thể nói lãng phí cả nghìn tỷ đồng. Chưa kể thành phố vẫn tiếp tục đầu tư hoàn thiện bãi này thành bãi rác dự phòng. Còn nhà thầu Hàn Quốc chỉ là đơn vị thi công bãi rác số 3 (Phước Hiệp) chứ không phải là đơn vị góp vốn, không có chuyện phải bồi thường chi phí đầu tư.

Bãi rác Đa Phước là một trong 3 “nghi can” được Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM chỉ ra là nguyên nhân gây mùi hôi thối khiến cả khu Nam Sài Gòn bị ảnh hưởng trong thời gian gần đây. Vụ việc cũng đượcThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND TP HCM làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí và có phương án giải quyết.

Ngoài việc có khả năng gây ô nhiễm nghiêm trọng, giá xử lý rác quá cao của Đa Phước hồi tháng 8 bị Thường vụ Thành ủy và UBND TP HCM yêu cầu các đơn vị liên quan xem xét lại.

Hữu Nguyên – Theo Vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc