Home » Xã hội » Lần đầu tiên Việt Nam có đại diện ở Ủy ban Luật pháp quốc tế của LHQ

Ngày 3.11, tại khóa họp 71 của Đại hội đồng LHQ, ứng viên của Việt Nam, Đại sứ, tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao đã trúng cử thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc (ILC) nhiệm kỳ 2017 – 2021.

Việt Nam có thể nêu đề xuất xây dựng luật tại Uỷ ban luật pháp quốc tế

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, người Việt Nam đầu tiên trúng cử vào Uỷ ban luật pháp quốc tế (ILC), không đại diện cho chính phủ nhưng Việt Nam có thể trao đổi với ông về các mối quan tâm của quốc gia.

viet-nam-co-the-neu-de-xuat-xay-dung-luat-tai-uy-ban-luat-phap-quoc-te

Việt Nam có thể trao đổi với Đại sứ Nguyễn Hồng Thao về các mối quan tâm của quốc gia. Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam

“Chính phủ Việt Nam, cũng như tất cả các quốc gia khác, có thể trao đổi với người mình đề cử vào ILC về những mối quan tâm của quốc gia. Từ đó người được trúng cử sẽ xem xét những vấn đề này khi hoạt động tại Uỷ ban”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, trao đổi với một số phóng viên chiều nay.

Thứ trưởng Trung nhắc đến Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, người được Việt Nam đề cử vào ILC của Liên Hợp Quốc và đã trúng cử. 

Theo ông Lê Hoài Trung, Đại sứ Thao là một người làm việc lâu năm trong chính phủ Việt Nam nên chắc chắn hiểu các mối quan tâm của quốc gia. Đáng chú ý, mối quan tâm và lợi ích của Việt Nam khi nêu ra cần phải phù hợp với lợi ích chung của khu vực và quốc tế, thì mới nhận được sự ủng hộ của các nước và thể hiện sự đóng góp tích cực của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một nước đang phát triển và nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nên Đại sứ Thao cũng có thể đưa các đề xuất liên quan đến lợi ích của các nước này.

Theo Thứ trưởng Trung, việc Việt Nam đề cử người vào ILC thể hiện lập trường nguyên tắc giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế, thúc đẩy pháp quyền ở cấp độ quốc tế, cũng như ủng hộ các tiến trình ngoại giao pháp lý, đề cao quá trình pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế tại Uỷ ban này.

Ông Nguyễn Hồng Thao sáng nay trở thành một trong 7 thành viên mới của ILC đến từ các nước châu Á – Thái Bình Dương trong nhiệm kỳ 2017-2021. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có ứng cử viên chạy đua vào Ủy ban này.

ILC là một cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc với 34 thành viên, được bầu 5 năm một lần. Các chuyên gia tham gia ủy ban hoạt động độc lập với quốc gia giới thiệu họ. Cơ quan này được thành lập năm 1947 với nhiệm vụ thúc đẩy pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế. Đây là một diễn đàn pháp lý có uy tín, cơ quan chuyên soạn thảo những công ước quốc tế quan trọng. Ủy ban còn nghiên cứu về những vấn đề lớn của luật pháp quốc tế, luật về quan hệ giữa các quốc gia.

Thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế đa phần là các giáo sư, nhà ngoại giao, luật gia nổi tiếng, có kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy và thực hành luật pháp quốc tế.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao hoàn thành học vị Tiến sĩ Luật tại Đại học Pantheon-Sorbone (Pháp) năm 1996, với gần 40 năm kinh nghiệm công tác pháp lý và ngoại giao. Ông từng giữ vị trí phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, tham gia nhiều đoàn đàm phán về biên giới lãnh thổ, đã xuất bản nhiều đầu sách, báo về luật pháp quốc tế. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao là chuyên gia về công pháp quốc tế, luật môi trường, luật biển, phân định biên giới. Ông hiện là Đại sứ Việt Nam tại Kuwait.

Việt Anh – Theo Vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc