Home » Cổ truyền, Văn hóa » Nét đẹp trong văn hóa trầu cau của người Việt

Dựa theo truyền thuyết cùng các thư tịch cổ, thì tục ăn trầu của người đã có từ thời Vua Hùng gắn liền với “sự tích trầu cau”. Trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử dân tộc, nhưng đến nay tục ăn trầu và mời trầu vẫn là một trong những phong tục độc đáo của người Việt, và còn được lưu truyền đến nay nơi thôn quê.

trầu cau

(Ảnh qua phuongnamplus.vn)

Ăn trầu cũng khá phổ biến ở các vùng thuộc châu Á. Tuy nhiên văn hóa của mỗi dân tộc có nét khác nhau. Với người Việt, trong “sự tích trầu cau” là câu chuyện vợ chồng chung thủy, anh em gắn bó vượt non, lội suối tìm nhau, cuối cùng hóa thành cây cau, dây trầu, tảng đá quấn quit bên nhau. Trong văn hóa người Việt trầu cau thể hiện quan hệ tình cảm trong gia đình, việc mời trầu thể hiện ứng xử trong giao tiếp, là phương tức để biểu hiện tình cảm với nhau “miếng trầu là đầu câu chuyện”, miếng trầu đi đôi với lời chào, lời thăm hỏi hay làm quen:

“Tiện đây ăn một miếng trầu

Hỏi rằng quê quán ở đâu chăng là

Có trầu mà chẳng có cau

Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm”.

trầu cau

(Ảnh qua Ngaynay.vn)

Qua miếng trầu và cách mời trầu, người xưa đã gửi gắm các cung bậc tình cảm: Yêu hay ghét, xã giao hay chân tình….một cách tế nhị:

Yêu nhau cau sáu bổ ba

Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười

Chỉ là miếng trầu thôi nhưng khiến cho người lạ mà thành quen

” Gặp nhau ăn một miếng trầu
Gọi là nghĩa cũ về sau mà chào”

Miếng trầu cũng là ngôn ngữ biểu đạt nghệ thuật nhận lời hay chối từ trong tình cảm nam nữ:

Đi đâu cho đổ mồ hôi

Chiếu trải không ngồi, trầu để không ăn

Thưa rằng bác mẹ em răn

Làm thân con gái chớ ăn trầu người.

Miếng trầu cũng góp phần quyết định trong hôn nhân gia đình, một khi nhà gái đã đồng ý nhận trầu cau của nhà trai thì cũng có nghĩa là đồng ý lời cầu hôn của nhà trai, hai nhà đã có giao ước với nhau “Miếng trầu nên dâu nhà người”.

Từ ngày ăn phải miếng trầu

Miệng ăn môi đỏ, dạ sầu đăm chiêu

Biết rằng thuốc dấu bùa yêu

Làm cho ăn phải nhiều điều xót xa

Làm cho quên mẹ, quên cha

Làm cho quên cửa, quên nhà

Làm cho quên cả đường ra, lối vào

Làm cho quên cá dưới ao

Quên sông tắm mát, quên sao trên trời

trầu cau

(Ảnh qua phununet.com)

Theo tục lệ, nhà ai có con gái gả chồng, sau khi ăn hỏi xong cũng đem trầu cau biếu hàng xóm và bà con nội ngoại. Vì miếng trầu là tục lệ, là tình cảm nên ăn được hay không cũng không ai từ chối. Trong lễ tơ hồng, cúng ông Tơ bà Nguyệt khi náo cũng phải có buồng cau và lá trầu

Trầu têm cánh phượng cau vừa chạm xong

Miếng trầu có bốn chữ tòng

Xin chàng cầm lấy vào trong thăm nhà.

Nào là chào mẹ chào cha

Cậu, cô, chú, bác mời ra xơi trầu.

Ngày xưa, những ai sành trầu, chỉ cần nhìn và ăn trầu cũng có thể đoán biết được tính cách của người têm trầu

Miếng trầu têm để trên cươi

Nắp vàng đậy lại đợi người tri âm.

Miếng trầu kèm bức thư cầm

Chờ cho khách thấy, khách tri âm sẽ chào

Miếng trầu têm để trên cao

Chờ cho thấy khách má đào mới cam.

Miếng trầu têm ở bên Nam

Mang sang bên Bắc mời chàng hôm nay

Miếng trầu xanh rõ như mây

Hạt cau đỏ ối như rau tơ hồng.

Miếng trầu như trúc như thông

Như hoa mới nở như rồng mới thêu.

Miếng trầu gồm bốn loại nguyên liệu: Cau (vị ngọt), lá trầu không (vị cay), rễ (vị đắng), vôi (vị nóng). Cây cau vươn cao biểu tượng của trời (dương). Vôi chất đá biểu tượng của đất (âm). Dây trầu mọc từ đất, quấn quýt thân cây cau, biểu tượng cho sự trung gia.

Thông thường miếng trầu bao gồm lá trầu xanh được têm sẵn có quệt chút vôi trắng cùng với miếng cau vàng. Sự kết hợp này mang lại vị ngọt của cau; vị cay, thơm của tinh dầu từ lá trầu; vị chat của vỏ và hạt. Sự hòa quện này khi ăn làm cơ thể ấm lên bởi sinh khí từ vôi và cảm giác hơi chếnh choáng men say được tạo ra từ chất arécoline trong hạt cau.

trầu cau

(Ảnh qua sggp.org.vn)

Các nghiên cứu khoa học cho thấy chất, Chất polyphenol trong lá trầu có tác dụng kháng khuẩn, chất arécoline trong hạt cau bị chất vôi trung hòa, làm cho miếng trầu có sắc đỏ tươi giúp người ăn thắm môi, hồng má; kích thích hệ tuần hoàn và hệ thần kinh, giúp tăng sinh lực, vì thế mà khi ăn trầu xong câu chuyện cũng được cời mở hơn.

Ăn trầu mang lại cảm giác hơi say say, từ đó mà câu chuyện cũng cởi mở hơn. Ngày nay thay vì dùng trầu thì bia rượu được dùng để mở đầu câu chuyện, không chỉ lãng phí tiền của mà còn mang lại rất nhiều tệ nạn xã hội, cũng không thể này thay thế được nét độc đáo của phong tục ăn trầu  vùng thôn quê.

Trần Hưng

Theo trithucvn.net

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc