Tổ chức Phóng viên Không biên giới có trụ sở tại Pháp hôm 26/4 công bố bản báo cáo hàng năm về tình hình tự do thông tin trên toàn thế giới. Báo cáo năm nay cho thấy một bức tranh ảm đạm của tự do thông tin ở nhiều nước trên thế giới bao gồm cả ở những nước phát triển, và đặc biệt đáng ngại ở những nước vốn luôn bị xếp vào những nước cuối bảng hàng năm của tổ chức này, trong đó có Việt Nam.
Tình trạng trì trệ
Trong số 180 nước được điều tra trong báo cáo thường niên về tình hình tự do thông tin toàn cầu của tổ chức Phóng viên Không biên giới năm 2017, Việt Nam đứng thứ 175 với điểm số là 73.96, tức là không có thay đổi về thứ hạng so với năm ngoái và chỉ có một thay đổi rất nhỏ về điểm số là 0.31 so với năm ngoái. Nếu nhìn vào bản đồ tự do thông tin do tổ chức Phóng viên Không biên giới cung cấp, Việt Nam nằm trong số các nước bị bôi đen, tức là hoàn toàn không có tự do thông tin.
Bản báo cáo năm 2017 dựa vào những số liệu và thông tin của toàn bộ năm 2016 ở từng nước.
Nhận xét về tình hình của Việt Nam trong năm 2016, ông Benjamin Ismail, phụ trách khu vực châu Á của tổ chức Phóng viên Không biên giới, cho đài Á châu Tự do biết:
Thực tế chúng ta đang đối với một tình trạng trì trệ. Nhìn chung cũng giống như năm trước. Một cải thiện rất nhỏ thể hiện qua điểm số so với năm ngoái. Báo cáo này dựa vào các số liệu và thông tin mà chúng tôi thu thập được từ các blogger, nhà báo trong nước để đánh giá tình hình Việt Nam.
Chúng tôi tổng hợp tình hình vi phạm tự do báo chí trong suốt cả năm. Những tấn công, đàn áp, sách nhiễu nhắm vào những người cung cấp thông tin đều được tính vào điểm số. Điểm số năm nay có thể tốt hơn một chút xíu so với giai đoạn năm 2015 là năm mà nhiều nhà báo, blogger bị tấn công bởi công an thường phục và đồng phục. Nhưng nhìn chung thì tình hình không thay đổi. Đảng Cộng sản vẫn tiếp tục đối xử tàn tệ đối với các blogger và những người lên tiếng về nhân quyền. Họ không chấp nhận bất cứ những chỉ trích nào.
Phóng viên Không biên giới nhìn nhận vai trò đưa tin của các blogger, người dân, mạng xã hội trong suốt năm 2016, điển hình là sau thảm họa môi trường do Formosa gây ra. Nhưng những hoạt động này đã bị chính quyền đàn áp thẳng tay. Ông Benjamin Ismail nói tiếp
Những hoạt động này đã không được chính phủ chấp nhận. Những nhà báo đã bị tạm giữ, một số bị hành hung vì họ tìm cách đưa tin.
Theo Phóng viên Không Biên Giới, tính đến cuối năm 2016, vẫn có ít nhất khoảng 17 blogger bị cầm tù ở Việt Nam, giảm hơn so với con số 35 người được tổ chức này đưa ra vào năm 2013. Người đại diện của Phóng viên Không Biên Giới cho rằng điểm số cải thiện không đáng kể trong năm 2016 của Việt Nam có thể là do số blogger được trả tự do từ sau năm 2013 đến năm 2016, nhưng theo ông con số này còn quá nhỏ để cho thấy một sự cải thiện rõ ràng.
Phóng viên Không Biên Giới cho rằng những blogger được trả tự do trong thời gian vừa qua là vì hoặc đã thụ hết án tù, hoặc được thả trong các trao đổi ngoại giao và phải ra nước ngoài. Tuy nhiên Phóng viên Không Biên giới cảnh báo vẫn còn những blogger đang bị giam giữ chưa bị xét xử nên số blogger bị cầm tù sẽ có thể tăng lên trong thời gian tới. Nói về sức ép của quốc tế lên Việt Nam, ông Benjamin Ismail cho biết:
Một số blogger được thả đặc biệt trong năm 2014 sau khi Việt Nam phải qua phiên kiểm điểm định kỳ ở Liên Hiệp Quốc là do sức ép của quốc tế nhưng từ năm 2015, đảng Cộng sản lại tiếp tục đàn áp các bloggers và nhiều người trong số họ, các nhà hoạt động nhân quyền sau đó bị bắt và ra tòa vì các hoạt động nhân quyền của mình. Dường như chính quyền không có ý muốn thay đổi chính sách của mình.
Tự do thông tin và dân chủ trên toàn cầu đang suy giảm
Trong báo cáo đọc tại hội thảo về tự do thông tin ở tòa báo Washington Post tại Washington DC vào cùng ngày, bà Delphin Halgand, giám đốc khu vực Bắc Mỹ của Phóng viên Không Biên Giới nhận định tình hình tự do thông tin trên toàn cầu trong năm qua đang suy giảm khi 2/3 số nước trong bản báo cáo đều cho thấy những dấu hiệu đi xuống về tự do thông tin
Trong năm ngoái 2/3 số nước được điều tra trong báo cáo cho thấy sự xuống dốc. Ngay cả những nước hàng đầu như Phần Lan là nước 6 năm liền dẫn đầu bảng xếp hạng cũng đầu hàng.
Bà Delphin Halgand cho biết sự tấn công nhắm vào báo chí đang gia tăng ngay cả ở các nước phát triển như Mỹ và Anh. Nhưng điều đáng ngại hơn là nền dân chủ ở các nước Mỹ và châu Âu đang ở điểm bùng phát (tipping point).
Báo cáo năm nay cho thấy một thế giới mà những tấn công vào truyền thông đã trở nên phổ biến và những kẻ mạnh (strong men) đang mạnh lên. Báo cáo năm nay nhấn mạnh điểm bùng phát trong tình hình tự do truyền thông, đặc biệt là ở những nước dân chủ hàng đầu.
Cả hai nước Mỹ và Anh trong báo cáo năm nay đều bị tụt hai hạng so với năm ngoái.
Theo bà Delphine Halgand, tình trạng xuống dốc của tự do truyền thông và dân chủ thể hiện trong báo cáo năm nay không có gì mới. Xu hướng này đã được ghi nhận từ năm ngoái. Tuy nhiên mức độ và tình trạng vi phạm tự do báo chí là điều đáng ngại ở nhiều nước.
Nhưng điều đáng ngại hơn theo tổ chức Phóng viên Không Biên Giới chính là số nước bị tô đen toàn bộ trong báo cáo năm nay, tức hoàn toàn không có tự do thông tin.
Tình hình đáng ngại đang trở nên tồi tệ, bản đồ tự do báo chí toàn cầu tối đen hơn. Tổng số 21 nước đã bị bôi màu đen trên bản đồ năm 2017 vì tình hình ở đó được xác định là hết sức tồi tệ.
Ba nước là Bắc Hàn, Eritrea và Turkmenistan tiếp tục duy trì vị trí cuối bảng trong 12 năm liên tiếp.
Việt Hà
Theo rfa
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!