Home » Cổ truyền, Tiêu biểu sideshow, Văn hóa » Mối tình đẹp nhất của đức Vua trong sử Việt: Vua quyết thi tài trị quốc cùng Nguyên Phi

Một mối tình của Vua được dân gian xem là đẹp nhất trong lịch sử, một cuộc đua tài trị quốc của Vua cùng Nguyên Phi tô điểm một thời kỳ vàng son trong lịch sử Việt Nam.

Lý Thánh Tông

Tượng Lý Thánh Tông tại Văn miếu-Quốc tử giám. (Ảnh từ wikipedia.org)

Mối tình đẹp nhất của đức Vua trong sử Việt

Vua Lý Thánh Tống đã đến tuổi 40 mà vẫn chưa có con trai nối dõi, nên thường đi lễ chùa cầu tự, nhưng vẫn chưa thấy có hiệu nghiệm.

Một lần có vị thái giám nói chùa Dâu vùng Kinh Bắc đang mùa hội, nên đến để cầu tự, Vua bèn xuất giá đến ngôi chùa này, đó là vào năm 1063.

Khi đến vùng Thổ Lỗi (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), người dân nô nức đến đón xa giá, duy chỉ có một người con gái dựa vào cây Lan ngoài bãi dâu đứng nhìn, Vua nhìn thấy người con gái rất đẹp bèn đến hỏi vì sao không đến đón xa giá, người con gái e lệ đáp rằng “…phận hèn mọn, côi cút, biết mình không thể sánh cùng chúng bạn nên chẳng dám đến gần”.

Vua nghe thì cảm động nên mời về cung cùng mình và phong làm phu nhân, vì Vua nhìn thấy người con gái này lần đầu lúc đang dựa cây lan, nên gọi là Ỷ Lan (tức dựa cây Lan), vua đặt tên này để nhớ lại lần đầu gặp gỡ của hai người.

Trong Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép rằng: “Tục truyền rằng vua cúng khấn cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm, mới đi chơi khắp chùa quán. Xa giá đi đến đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy có một người con gái hái dâu cứ đứng tựa trong bụi cỏ lan. Vua trông thấy, gọi đưa vào cung, được vua yêu phong làm Ỷ Lan phu nhân”.

Trong dân gian xem đây là mối tình đẹp nhất của một vị Vua, bởi các Vua khác khi lấy vợ đều là dòng dõi quyền quý, kèm theo những tính toán về quyền lực hầu như được hứa gả từ trước.

Trong khi đó Ỷ Lan lại vốn mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải sống với người mẹ kế nơi thôn quê dân dã, nhưng nhà Vua vẫn thương mà đưa về cung làm phu nhân. Một mối tình giữa Vua và thường dân nảy nở tự nhiên, không hề có tính toán, mai mối, được xem là mối tình đẹp nhất của vị Vua trong sử Việt.

Ỷ Lan

Tượng Ỷ Lan tại Đền thờ bà ở Gia Lâm. Ảnh vov.vn

Không chăm lo nhan sắc, được lòng Vua bởi trí tuệ

Mùa xuân, tháng giêng năm 1066, Ỷ Lan phu nhân sinh được hoàng tử Lý Càn Đức trong niêm vui vô bờ của nhà Vua và triều đình, đến ngày hôm sau hòng tử  được lập làm Thái Tử, Ỷ Lan phu nhân được phong làm Thần phi.

Đến năm 1068 Ỷ Lan lại sinh được Minh Nhân Vương, và được phong làm Nguyên Phi, đứng đầu các phi tần trong cung, chỉ sau Hoàng Hậu.

Ở trong cung Ỷ Lan nổi tiếng là người tài năng và hiểu biết. Từ khi mới vào cung, Ỷ Lan không chăm lo nhan sắc để lấy lòng Vua như những người khác, mà khổ công học hỏi, nghiền ngẫm thi thư, giúp vua chăm lo việc nước.

Một lần trời mới sang thu mát mẻ, Vua mời Ỷ Lan đến cùng uống rượu ngắm hoa, nhưng bà từ chối không đi vì đang đọc dở thi thơ, Vua không trách mà còn khen ngợi.

Đến cuối ngày Ỷ Lan mới đền và xin lỗi Vua, thấy bà suốt ngày khổ công học tập, Vua hỏi thử bà về kế trị quốc an dân, Ỷ Lan đáp rằng: “Thiếp thân nữ nhi, tầm nhìn hạn hẹp nhưng hoàng thượng đã hỏi thì cũng xin có đôi lời. Muốn nước giàu dân mạnh, điều quan trọng là phải biết nghe lời can gián của đấng trung thần. Lời nói ngay nghe chướng tai nhưng có lợi cho việc trị nước giống như thuốc đắng uống vào khó chịu nhưng chữa được bệnh. Điều hệ trọng thứ hai là phải xem quyền hành là thứ đáng sợ. Quyền lực và danh vọng thường làm thay đổi con người”.

“Phàm xoay cái thế thiên hạ ở nhân chứ không phải ở bạo. Hội đủ những điều ấy, nước Đại Việt sẽ hùng cường”

Lời đáp của Ỷ Lan khiến Vua phải nghiền ngẫm và nể phục.

Vua cũng hổ thẹn, quyết lập công trị quốc cùng Nguyên Phi

Lúc này nhà Tống ở phương bắc thắt chặt quan hệ với Chiêm Thành ở phương nam. Chiêm Thành dù cống nạp cho Đại Việt những vẫn xây dựng quân đội, thao luyện binh sỹ.

Năm 1065 vua Chiêm là Chế Củ ngừng việc cống nạp cho Đại Việt, năm 1068 quân Chiêm được sự hậu thuẫn của nhà Tống liên tiếp quấy nhiễu vùng biên giới với Đại Việt, lăm le cùng nhà Tống tiến đánh Đại Việt.

Lúc này Đại Việt gặp nguy khốn bởi gọng kìm liên minh Tống – Chiêm, phía bắc bị Tống uy hiếp, phía nam thì Chiêm Thành lăm le xâm phạm. Để phá thế liên minh Tống – Chiêm, vua Lý Thánh Tông quyết định đem binh tiến đánh Chiêm Thành trước.

Tháng 2 (âm lịch) năm 1069 vua Lý Thánh Tông trao quyền nhiếp chính cho Nguyên phi Ỷ Lan, để bà quyết mọi việc trong nước, còn mình thân chinh dẫn 5 vạn quân theo đường thủy tiến đán Chiêm Thành, Lý Thường Kiệt được cử làm tiên phong.

Vua Lý Thánh Tông đến Nhật Lệ thỉ bị thủy binh Chiêm Thành đánh chặn, một cuộc chiến diễn ra, quân Đại Việt đánh bại quân Chiêm, nhưng không đổ bổ vào Nhật Lệ mà tiếp tục tiến vùng biển kinh thành Phật Thệ (tức Bình Định ngày nay).

Quân Chiêm dàn trận trên sông Tu Mao chặn quân Đại Việt vào kinh thành, thế nhưng tướng tiên phong là Lý Thường Kiệt với tài cầm quân của mình đã đánh bại quân Chiêm, tướng Chiêm là Bố Bì Dà La cùng 3 vạn quân bị tiêu diệt hoàn toàn.

Lý Thường Kiệt

Tượng Lý Thường Kiệt trong Đại Nam Quốc Tự. (Ảnh từ wikipedia.org)

Thừa thắng quân Đại Việt tiến thẳng vào kinh thành, dân trong thành Phật Thệ đều quy thuận xin hàng. Đang đêm vua Chiêm là Chế Củ nhận được tin dữ thì bỏ cả kinh thành chạy xuống phía nam, Lý Thường Kiệt dẫn quân đuổi theo vua Chiêm.

Vua Lý Thánh Tông muốn bắt kỳ được vua Chiêm nhằm thu phục phương nam, như thế mới có thể yên tâm đối phó với nhà Tống ở phương bắc, tuy nhiên vua Chiêm trốn kỹ khiến mấy tháng rồi vẫn chưa truy tìm ra được.

Chán nản vua Lý Thánh Tông trở về để Lý Thường Kiệt ở lại tiếp tục truy tìm. Về đến Cư Liên (Tiên Lữ, Hưng Yên ngày nay) thì nghe dân chúng ai ai cũng ca ngợi công đức của Nguyên phi Ỷ Lan, ai cũng khâm phục và ngưỡng mộ; Nguyên phi tuyên dương Phật Pháp để giáo hóa muôn dân, khiến đạo đức người dân thăng hoa, ai cũng ca ngợi xem bà như vị “Quan Âm”.

Người dân lan truyền cho nhau câu chuyện: Năm ấy bị hạn hán, mất mùa, quan lại tìm cách ăn chặn gạo phát chẩn của triều đình, Nguyên Phi Ỷ Lan giả làm thường dân đi vi hành bắt quả tang các quan lại dùng gạo phát chẩn của triều đình bán với giá cắt cổ.

Nhờ đó gạo được phát đến tay từng hộ dân, giúp dân chúng có đầy đủ lương thực, người dân ai cũng biết ơn và ca ngợi công đức của bà.

Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi chép rằng: “Trận này vua đánh Chiêm Thành mãi không được, đem quân về đến châu Cư Liên, nghe tin Nguyên phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hoá hoà hợp. Trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi là bà Quan Âm, vua nói: “Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao?”. Bèn quay lại đánh nữa

Trước việc trị quốc tài giỏi của Nguyên phi Ỷ Lan, vua Lý Thánh Tông cảm thấy hổ thẹn, không muốn trở về tay không, liền quyết thi lập công trị quốc cùng Nguyên Phi, Vua hạ lệnh quay trở lại quyết bắt sống vua Chiêm mới trở về.

Bị quân Đại Việt truy tìm khắp nơi, vua Chiêm buộc phải rời khỏi nơi ẩn nấp, chạy hết nới này đến nơi khác. Vua Chiêm bỏ chạy đến biên giới với Chân Lạp thì không dám vượt sang vì có hiềm thù với nước này, cùng đường đành phải đầu hàng.

Quân Đại Việt thắng lớn, giải vua Chiêm về kinh thành Thăng Long, triều đình đón Vua trở về rất long trọng, Vua cầm tay Ỷ Lan, thành thật nói: “Nếu không có Nguyên phi, ta đã không làm được gì”.

Ánh Sáng

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc