Home » Cổ truyền, Tiêu Điểm, Văn hóa » “Ra ngõ gặp gái” đậu ngay Trạng nguyên, tài giỏi đến mức vua Minh giết đi để trừ hậu họa

Người Việt vốn hay có quan niệm rằng “ra ngõ gặp gái là xui” bởi cho rằng gặp tướng âm thì công việc sẽ lụi bại, không trôi chảy thành công được.

Thế nhưng câu chuyện sau đây lại khác hẳn, ngày đi thi dù “ra ngõ gặp gái” nhưng lại đậu ngay Trạng nguyên. Không chỉ thế còn tài giỏi xoay chuyển tình thế khiến nhà Minh phải giết đi để trừ hậu họa.

“Ra ngõ gặp gái” mã đáo thành công

Đào Sư Tích sinh năm 1348 dưới thời nhà Trần, con trai của tiến sĩ Đào Toàn Bân. Ngay từ nhỏ Đào Sư Tích đã có sức học vượt đồng môn, lại có tài ứng đáp và thơ phú. Năm lên 7 tuổi đã nổi tiếng thần đồng, xa gần đều biết tiếng

Đào Sư Tích

Tranh vẽ trạng nguyên Đào Sư Tích. (Tranh qua thuvienlichsu.com)

Khoa thi năm 1374 thời vua Trần Duệ Tông, Đào Sư Tích thi Hương, thi Hội và thi Đình đều đỗ đầu. Vì thế mà ông được đặt danh hiệu là Tam Nguyên.

Dân gian lưu truyền câu chuyện Đào Sư Tích khi dự kỳ thi cuối cùng như sau: Buổi sáng, khi ông chuẩn bị sẵn cơm nắm, quyển lai kinh, vác lều chõng lên đường. Nhưng vừa ra đầu ngõ thì “trời ơi đất hỡi” ông gặp ngay một cô gái đi ngang qua, nhớ câu “ra ngõ gặp gái” ông liền buột miệng:

– Ta đi thi mà lại gặp gái thế này!

Cô gái liền đáp rằng:

– Gặp tôi có can gì đến việc đi thi của ông? Gặp con gái là tốt vì chữ “nữ” 女 ghép với chử “tử” 子 (tử mang nghĩa là nam tức người con trai, cũng là chữ “tử” trong sĩ tử) là chữ “hảo” 好, ông đi chuyến này ắt đỗ Tiến sĩ.

Đào Sư Tích đáp rằng:

– Tiến sĩ đâu vừa ý ta

Cô gái lại nói:

– Thế thì ắt đỗ Trạng nguyên.

Ông vừa lòng, trả lời:

– Chính hợp ý ta

Khoa thi ấy Đào Sư Tích làm bài xuất sắc đỗ cao nhất tức Trạng nguyên. Khoa thi năm ấy học trò của ông Đào Toàn Bân (tức cha của Đào Sư Tích) có 3 người đỗ rất cao. Đỗ cao nhất là Trạng nguyên Đào Sư Tích, đỗ cao thứ hai tức Bảng nhãn là Lê Hiến Phủ, người còn lại là Lê Hiến Tứ đỗ Tiến sĩ.

Có câu “ra ngõ gặp gái là xui”, nhưng với trường hợp này của Đào Sư Tích thì có lẽ phải đổi lại là “ra ngõ gặp gái / Mã đáo thành công” thì mới đúng.

Khu đền thơ Trạng Nguyên. (Ảnh qua wikipedia.org)

Khu đền thơ Trạng Nguyên. (Ảnh qua wikipedia.org)

Cáo quan về quê, nhưng khi Giang Sơn nguy biến lại sẵn lòng gánh vác

Sau khi đỗ Trạng nguyên, Đào Sư Tích được bổ nhiệm làm Lễ bộ Thượng thư; sau được thăng làm Nhập nội hành khiển kiêm Hữu ty lang trung, tức chỉ đứng sau Tể tướng.

Thế nhưng sau này hiểu được bụng của Hồ Qúy Ly, ông cáo quan về quê bốc thuốc dạy học.

Vào thời điểm nhà Trần gặp khó khăn cấp bách, nhà Minh bên Trung Quốc yêu cầu nhà Trần phải cung cấp nhiều lương thực , cũng như nhân tài , sản vật quý hiếm, nhằm khiến nhà Trần không đáp ứng được để có cớ đem quân tiến đánh. 

Lúc này rất cần một nhân tài đi sứ để hòa hoãn với nhà Minh, tuy nhiên không một ai có thể gánh nổi trọng trách này ngoài Đào Sư Tích. Dù đã cáo quan, nhưng vì vận mệnh Giang Sơn Xã Tắc, Đào Sư Tích đã lĩnh ấn đi sứ và hoàn thành tốt trọng trách của mình.

Tuy nhiên trong lần đi sứ này, ông đã thể hiện là người tài năng hiếm có, đến nỗi vua Minh đã tìm cách giết ông để trừ hậu họa.

Xem bài: Vị trạng nguyên Đại Việt giỏi đến mức vua nhà Minh phải diệt đi để trừ hậu họa)

Cuộc đời của Đào Sư Tích đã đi vào tâm thức dân gian, ca dao cũng như lời hát ru con của người dân nơi quê ông:

Trăm năm bia đá thì mòn,
Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ.
Kim ngôn có tự bao giờ
Trạng nguyên Sư Tích bấy giờ Duệ Tông
Bảy tuổi đắc phong thần đồng,
Hữu tài thành chủ hàm công rõ rành.
Thi Hương, thi Hội, thi Đình,
Đứng đầu Đại Việt, anh minh sáng ngời.
Bảo Hoà dư bút vua tôi,
Viết lên sử sách như lời núi sông.
Nhập nội Hành khiển Tướng công
Thượng thư Lễ bộ một lòng sắt son.
Nhà Minh bỏ lệ tăng nhân,
Y tông tất đọc muôn năm tôn thờ.
Lý Hải chí lớn bấy giờ
Viết lên kế sách cơ đồ nước non.
Một đời trung hiếu sắt son
Làm lành để phúc cháu con cậy nhờ.
Ơn người viết mấy vần thơ
Muôn đời con cháu phụng thờ Trạng nguyên.
Cầu mong đất tổ Nam Chân
Cháu con lớp lớp muôn phần nở hoa…

Tràn Hưng

Theo trithucvn.net

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc