Home » Khoa học, Tiêu biểu sideshow » Một kế hoạch năng lượng đầy tham vọng
Chính phủ Nhật đang lập một kế hoạch năng lượng đầy tham vọng, trị giá 21 tỉ USD: xây dựng trạm điện mặt trời trên quỹ đạo vào năm 2030 và chuyển điện về Trái đất bằng tia laser hoặc vi sóng.

Phác thảo hệ thống điện mặt trời không gian của JAXA

Đó không phải là một kịch bản khoa học viễn tưởng kiểu Hollywood. Trên thực tế, Chính phủ Nhật đã chỉ định một nhóm công ty và một đội ngũ các nhà khoa học để biến giấc mơ năng lượng sạch vô hạn thành hiện thực.

Theo kế hoạch ban đầu, Tokyo sẽ xây dựng hệ thống điện mặt trời không gian (SSPS), bao gồm một hệ thống tấm quang điện rộng vài kilômet vuông, bay trên quỹ đạo ngoài bầu khí quyển của Trái đất. Do không bị bầu khí quyển cản trở, năng lượng mặt trời trên vũ trụ mạnh gấp năm lần trên mặt đất. SSPS sẽ thu năng lượng mặt trời và “bắn” xuống Trái đất bằng các chùm laser hoặc vi sóng.

Ông Tadashige Takiya, người phát ngôn của Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật (JAXA), tiết lộ hệ thống thu năng lượng trên mặt đất sẽ là những dàn ăngten parabol khổng lồ, có thể được đặt ở các khu vực giới hạn ngoài biển.

Các nhà nghiên cứu đang xem xét kế hoạch xây dựng một hệ thống có công suất khoảng 1 gigawatt, tương đương công suất của một nhà máy điện hạt nhân quy mô trung bình. JAXA muốn đảm bảo SSPS có thể sản xuất điện với mức giá 8 yen/kWh, rẻ hơn sáu lần so với giá điện hiện nay ở Nhật, để cạnh tranh với các nguồn năng lượng thay thế khác.

Tokyo đã theo đuổi ý tưởng có vẻ không tưởng này từ  năm 1998 khi chỉ định 130 nhà khoa học lao vào nghiên cứu. Mới đây, Bộ Kinh tế và thương mại Nhật lại khẳng định quyết tâm biến SSPS thành thực tế khi thành lập nhóm thực hiện với sự  tham gia của các đại gia công nghệ như  Mitsubishi, NEC, Fujitsu hay Sharp.

Ông Tatsuhito Fujita, một trong những chuyên gia của JAXA, cho biết năm 2015 Tokyo sẽ thiết kế một vệ tinh có gắn các tấm quang điện, đưa lên quỹ đạo bằng tên lửa Nhật, để thử nghiệm việc truyền tải điện bằng vi sóng.

Đến năm 2020, Nhật sẽ thử nghiệm một hệ thống điện quang có công suất 10 megawatt, sau đó là một hệ thống khác 250 megawatt, trước khi đưa hệ thống 1 gigawatt lên quỹ đạo và hoàn tất dự án vào năm 2030.

Các nhà khoa học cho biết thách thức lớn nhất đối với dự  án khổng lồ này là việc đưa các thiết bị lên quỹ đạo, cách mặt đất 36.000 km. Ngoài ra, JAXA sẽ phải trấn an công chúng rằng công nghệ này là an toàn. Đã có nhiều người lo sợ các tia laser “bắn” từ  vũ trụ xuống đất có thể nướng chín chim đang bay hay xẻ đôi máy bay trên không trung. Theo khảo sát gần đây của JAXA, những từ “laser” và “vi sóng” đã gây mối quan ngại đặc biệt đối với 1.100 người được hỏi.

“Điện mặt trời là nguồn năng lượng sạch và vô hạn, do đó chúng tôi tin rằng hệ thống này sẽ giúp giải quyết các vấn đề nghiêm trọng như  thiếu hụt năng lượng và ban đổi khí hậu”.

Các nhà nghiên cứu của Tập đoàn Mitsubishi, một trong những đối tác tham gia dự  án, kết luận.

Theo maivoo

Chuyên đề: , , , , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc