Home » Kinh doanh » Trung Quốc bị kiện nhiều nhất tại WTO

Trong năm 2010, Trung Quốc là nước bị kiện nhiều nhất tại Tổ chức Thương mại Thế giới. Tính từ tháng giêng đến nay, cơ quan giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới, WTO, nhận được 12 đơn kiện, trong số này có 4 đơn nhắm vào Trung Quốc.

Các đối tác tố cáo Bắc Kinh tiến hành chính sách cạnh tranh thương mại không lành mạnh, trợ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu và đánh thuế bảo hộ thị trường nội địa. Hai đơn kiện gần đây nhất đến từ Hoa Kỳ.

Ngày 15/09 vừa qua, Washington tố cáo Bắc Kinh áp đặt thuế hải quan đối với dây thép điện và phân biệt đối xử đối với các công ty phát hành thẻ ngân hàng của Mỹ. Trước đó, vào tháng năm, Bruxelles kiện hệ thống thuế chống bán giá không công bằng của Trung Quốc đánh vào mặt hàng đinh vít của châu Âu.

Theo chuyên gia Joost Pauwelin, thuộc Viện Graduate ở Genève, được AFP trích dẫn, thì kể từ khi Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, năm 2001 đến nay, số đơn kiện Trung Quốc có xu hướng tăng, bởi vì các nước liên quan, cho đến nay, vẫn muốn áp dụng các phương pháp nhẹ nhàng thay vì đưa ra những biện pháp trả đũa nhắm vào các sản phẩm của Trung Quốc.

Triển lãm quốc tế Thượng Hải 2010

Thế nhưng, trước những thành công kinh tế của Trung Quốc, giới công nghiệp các nước phương Tây, vốn đã bất bình trước chính sách cạnh tranh không lành mạnh của Bắc Kinh, sẽ gia tăng áp lực, đòi chính quyền phải hành động, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.

Cho dù chưa có chiến tranh thương mại chính thức giữa Trung Quốc và các đối tác, nhưng vào tháng sáu năm nay, các thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới đã nhắc nhở Bắc Kinh hãy minh bạch hóa chính sách thương mại, xem xét lại một số hạn chế đối với hàng nhập khẩu của các nước vào thị trường Trung Quốc.

Hôm thứ sáu, 24/09, Ủy ban Tài chính và Thuế của Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật cho phép đánh thuế các sản phảm Trung Quốc để trừng phạt Bắc Kinh kìm giữ giá trị đồng nhân dân tệ ở mức thấp.

Theo giới chuyên gia, thì chính mô hình kinh tế tư bản Nhà nước của Trung Quốc là nguyên nhân của tình trạng “chơi không đẹp”, không sòng phẳng, trong quan hệ thương mại với các đối tác. Không chỉ ngăn cản nhập khẩu, đồng thời duy trì tỷ giá đồng tiền quốc gia thấp, Bắc Kinh còn hào phóng tài trợ cho các doanh nghiệp Nhà nước, do có nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ, được ước tính lên tới 2450 tỷ đô la vào cuối tháng sáu năm nay. Cũng nhờ mô hình chủ nghĩa tư bản Nhà nước này mà Trung Quốc thoát ra khỏi khủng hoảng toàn cầu vừa qua một cách tương đối êm thấm và trở thành nền kinh tế thứ nhì trên thế giới.

Theo chuyên gia Pauwelin, một số nước thèm muốn mô hình Trung Quốc mà họ gọi là mô hình “đồng thuận Bắc Kinh”. Thế nhưng, không phải nước nào cũng có được các phương tiện tài chính như Trung Quốc và điều này lại càng làm cho các đối tác thương mại như Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu hoặc Ấn Độ, Brazil khó chịu, lo ngại. Do vậy, trong bài phát biểu tại Liên Hiệp Quốc hôm thứ năm (23/09), thủ tướng Ôn Gia Bảo đã cố gắng trấn an rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa kinh tế ra bên ngoài.

(theo bee)

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc