Home » Văn hóa, Xã hội » Du khách quốc tế “cảm” về Hà Nội
Tôi thực sự xúc động. Tôi không thể hình dung được người ta làm thế nào có thể vẽ được một bức tranh đặc biệt như vậy”, Sue Wong, đến từ Singapore, nói sau khi xem và đọc giới thiệu về bức tranh “Bác Hồ với thiếu nhi ba miền” do họa sĩ Diệp Minh Châu vẽ bằng máu, trưng bày tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Sue Wong thích thú khi được mời dán cờ Việt Nam (miễn phí) trên má

Nữ doanh nhân 37 tuổi này đến Hà Nội để thảo luận về việc hợp tác kinh doanh, cho biết chị không nén nổi sự tò mò khi đứng chiêm ngưỡng những nét kiến trúc của Nhà hát Lớn, và được một người đạp xích lô khuyên nên đến tham quan Bảo tàng Cách mạng.

“Bức tranh ấy tự bản thân nó đã chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn. Khi đặt những mũi tên, lẫy nỏ, trống đồng, bức ảnh, tờ báo… hiện thân của lịch sử này trong một chuỗi những dấu mốc cạnh nhau, người ta hình dung được quá trình thay đổi của Việt Nam. Điều đó có ý nghĩa rất quý giá, bởi người ta luôn nhìn vào bề dày lịch sử của một đất nước để đánh giá về mức độ văn minh của dân tộc ấy”, Sue nói, sau khi tham quan Triển lãm về các anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa Việt Nam.

So sánh với Singapore, nổi tiếng về khả năng thu hút khách du lịch quốc tế, Sue Wong, Giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu đồ mỹ nghệ từ Việt Nam, cho rằng Việt Nam nên lấy thế mạnh lịch sử làm yếu tố cơ bản để thu hút khách du lịch, qua đó giúp mọi người hiểu thêm về đất nước Việt Nam phát triển nhưng vẫn chứa đựng nhiều nét hấp dẫn ban sơ.

Thomas Castil cho rằng người Pháp đã để lại nhiều dấu ấn ở Hà Nội qua kiến trúc các ngôi nhà, qua cách sắp xếp đường phố... - Ảnh: Ngọc Thắng

“Điều mà một du khách quan tâm khi ngắm nhìn, nghe xem hay nếm thử một thứ gì đó là câu chuyện liên quan đến nó. Người ta muốn biết nhiều hơn những gì đang diễn ra trước mắt. Đó phải là một dữ kiện, một câu chuyện, một nét văn hóa… khiến người ta phải ngạc nhiên khi nhận ra điều đó đằng sau cái vỏ bên ngoài này. Đây là điều mà các bạn vẫn chưa khai thác hết, dù Hà Nội đang sở hữu hàng ngàn câu chuyện như thế”, Sue Wong nhận xét.

Chia sẻ suy nghĩ này, ông Thomas Castil, 64 tuổi, đến từ California, Mỹ, cho rằng yếu tố lịch sử, những giá trị văn hóa dân tộc chính là điều hấp dẫn du khách khi đến Việt Nam.

Đây không phải lần đầu Castil, một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, đến Hà Nội.

Trở lại Việt Nam lần thứ 4, Castil cho biết thông qua mạng internet, ông chọn thời điểm đến Hà Nội đúng vào dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội để ghi nhận những nét lịch sử, văn hóa và những câu chuyện sẽ được giới thiệu về mảnh đất danh tiếng này.

Đứng ngắm từng bức tranh, ảnh, các hiện vật lịch sử liên quan đến những trận đánh nổi tiếng tại Việt Nam ở Bảo tàng Lịch sử Quân đội, Castil khẳng định chính vì người Mỹ chưa hiểu được lịch sử dân tộc Việt Nam nên mới sa đà vào cuộc chiến tại đây, để rồi cuối cùng phải ra đi thảm hại như người Pháp.

“Tôi cho rằng người Pháp hơn chúng tôi vì họ để lại cho người Việt Nam những dấu ấn riêng rất Pháp, qua kiến trúc các ngôi nhà, qua cách sắp xếp đường phố…”, Thomas Castil nói.

“Điều đó phần nào xuất phát từ bề dày lịch sử và mức độ phát triển văn hóa của mỗi nước, mỗi dân tộc. Cái mà tôi gọi là nét Pháp đó trộn vào với nếp sinh hoạt tập hợp từ nhiều nét riêng biệt của các vùng miền tụ về đây từ bao đời, tạo nên một nét riêng khó miêu tả mà người ta gọi là nét Hà Nội.

Đây cũng chính là điểm hấp dẫn người nước ngoài, như tôi. Họ muốn thấy cái gì đó khác biệt, đặc trưng. Hà Nội không hấp dẫn vì giày dép, túi da hay ví tiền, mà là vì những cái mặt nạ, nón lá… Tại sao hồ nước ở đây lại xanh? Tại sao lại là hồ Gươm? Kể cho họ những câu chuyện như vậy, các bạn sẽ làm người ta phải nghe và trải nghiệm câu chuyện ấy trong thực tế cuộc sống”, Thomas Castil cho biết.

Christina Verderosa (thứ 2 từ trái sang) và nhóm du khách Tây Ban Nha chụp ảnh cùng các nữ sinh Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng

Christina Verderosa, 22 tuổi, du khách Tây Ban Nha, quyết tâm dạo bộ khắp các phố cổ Hà Nội lại thể hiện sự ấn tượng của mình về Hà Nội qua cảm nhận về những… món ăn rất Hà Nội.

“Tôi đã đi nhiều con phố, ăn nhiều món ngon Hà Nội. Thật ngạc nhiên, cùng một con phố nhưng tại mỗi thời điểm lại đem đến cho tôi một cảm nhận khác nhau, cứ như thể người ta chụp một hình ảnh ở nhiều góc độ khác nhau. Cùng một món ăn, mà mỗi người làm lại tạo ra một hương vị riêng, như thể mỗi người phụ nữ Việt Nam đều có công thức làm món ăn riêng”.

Verderosa cho rằng Hà Nội sẽ cuốn hút du khách quốc tế hơn nếu người ta có thể “kể những câu chuyện về thành phố này bằng tiếng Pháp, Tây Ban Nha, bên cạnh tiếng Anh; nếu các cống thoát nước đừng chảy thẳng xuống hồ nước”…

Một chi tiết mà nữ du khách trẻ tuổi này không khỏi đỏ mặt khi nói về Hà Nội là “thành phố này đông người mà ít nhà vệ sinh”.

“Tôi không biết nếu họ đồng loạt có nhu cầu thì sẽ giải quyết thế nào?”, Verderosa khúc khích cười khi nêu ra câu hỏi.

Theo thanhnienonline

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc