Home » Sức khỏe » Phòng ngừa sai lầm y khoa
Sai lầm y khoa rất dễ gặp trong khi khám bệnh cũng như khi điều trị, thậm chí cả khi đã xuất viện, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong nhưng hoàn toàn có thể hạn chế được.

Sai lầm y khoa thì rất đa dạng, có thể đó là việc thầy thuốc chẩn đoán sai bệnh, cho bệnh nhân uống sai thuốc hoặc bệnh nhân hiểu sai hướng dẫn của thầy thuốc… Thực ra, những sai lầm ấy đều có thể hạn chế được nếu chúng ta tham gia cùng nhân viên y tế vào các quyết định về chăm sóc cũng như điều trị cho mình.

Cụ thể: Kể với bác sĩ mọi thứ bạn đang dùng (thuốc theo toa và không kê toa, thực phẩm chức năng, thảo dược… mà bạn đang sử dụng); cho bác sĩ biết nếu từng dị ứng hoặc bị phản ứng phụ của thuốc; hãy bảo đảm cho nhân viên y tế đang chữa trị, chăm sóc cho bạn biết rõ những vấn đề quan trọng về sức khỏe của bạn vì không phải mọi người đều biết hết những thứ mà họ cần biết.

Khi bác sĩ kê toa

Đừng ngại ngần hỏi bác sĩ khi đến khám

Hãy hỏi thông tin về thuốc khi bác sĩ kê toa và khi bạn nhận toa thuốc. Một số câu nên hỏi là: Thuốc này để làm gì? Uống như thế nào, uống trong bao lâu? Tác dụng phụ thường gặp? Làm gì nếu bị tác dụng phụ? Thuốc này có an toàn không khi dùng với các thuốc khác, dùng với thuốc bổ hoặc thực phẩm chức năng? Ăn, uống hoặc là các hoạt động cần tránh trong thời gian dùng thuốc?

Bằng những câu hỏi này, bạn có thể biết và kể lại ngay lập tức những rắc rối (nếu gặp) và sẽ nhận được sự hỗ trợ trước khi nó tồi tệ hơn. Với toa thuốc do bác sĩ ghi tay, bạn phải chắc chắn đọc được bởi nếu bạn không đọc được thì nhân viên nhà thuốc cũng chưa chắc đọc được.

Khi nhận thuốc, hãy hỏi kỹ nhân viên bán thuốc có đúng là thuốc mà bác sĩ kê toa không? Nên hỏi nếu có thắc mắc về những chỉ dẫn khó hiểu trên nhãn thuốc (ví dụ: “4 lần một ngày” là thế nào? “uống mỗi 6 giờ” là chia đều 24 giờ hay chỉ những giờ mình thức?). Nếu là thuốc nước, hãy hỏi dụng cụ để lường.

Khi nằm viện

Nên chọn bệnh viện có nhiều bệnh nhân đến điều trị loại bệnh giống bạn. Đừng ngại khi nhân viên y tế không cười hoặc là quá bận rộn. Hãy nói ra những gì bạn muốn hỏi hoặc quan tâm, lo lắng để nhân viên y tế giải thích cho bạn an tâm.

Hãy yêu cầu ai đó thân thích ở lại cùng trong bệnh viện và sẽ là người đại diện cho bạn khi cần, giúp bạn làm hoặc nói thay nếu bạn không thể. Việc giúp đỡ có thể không cần ngay lập tức nhưng sẽ vào lúc khác.

Khi xuất viện hãy hỏi kỹ việc tiếp tục uống thuốc ra sao, ăn uống, tập luyện và cả khi nào bạn có thể trở lại hoạt động bình thường?

Theo dantri

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc