Home » Kinh doanh » TP.HCM: Khoảng 1.300 container tồn đọng tại các cảng
Phải có các biện pháp chế tài đối với nhà vận chuyển, người gửi hàng theo kiểu “vô thừa nhận”, tránh tình trạng hiện nay DN cảng phải chịu trách nhiệm mọi chi phí.

Một thực tế đang tồn tại ở các cảng biển trên địa bàn TPHCM trong thời gian qua là hàng nhập khẩu về cảng hàng tháng trời, thậm chí hàng năm, nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn không đến nhận mặc cho nhà chức trách cảng nhiều lần gửi thông báo.

Bỏ mặc gần chục năm

Chiều 15-10, ông Đỗ Văn Tiến, Trưởng khu bãi hàng cảng Tân Cảng, đưa chúng tôi tận mắt chứng kiến lô hàng gồm 7 container loại 20 feet muối ăn do một DN ở TPHCM nhập về từ đầu năm 2002 nhưng không đến nhận. Những vỏ container bị nắng gió thời gian và muối ăn mòn, mục ruỗng nham nhở, rỉ nước đọng thành từng vũng. Ông Tiến cho biết: Số hàng này chỉ còn cách thiêu hủy, mà chi phí đốt hết số muối này lên đến cả tỉ đồng. Gánh nặng chi phí này Tổng Công ty Tân Cảng phải chịu.

Lô muối nhập khẩu từ năm 2002 đến nay vẫn còn nằm tại cảng Tân Cảng TPHCM

Ông Võ Đắc Thiệu, Trưởng Phòng Kế hoạch – Khai thác Tổng Công ty Tân Cảng, cho biết: Chỉ tính riêng cảng Tân Cảng và cảng Cát Lái đã có 1.049 container tồn đọng. Trong đó, số tồn đọng trên một năm ở cảng Tân Cảng lên đến 159 container và ở Cát Lái là 18 container.

Tình trạng trên cũng xảy ra ở các cảng ICD Phước Long và cảng Vict. Tại đây, hàng hóa DN nhập khẩu bỏ mặc tại cảng lâu ngày chưa đến nhận hoặc từ chối nhận khá đa dạng. Từ hàng bách hóa đến nông sản, nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, bột xô đa, sắn lát, than bùn, chai nhựa, giấy vụn…

Nguyên nhân?

Ông Ngô Trọng Phàn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng, cho biết: Có nhiều lô hàng nhập khẩu do chính sách quản lý chặt chẽ, như việc kiểm soát thịt động vật đông lạnh hay việc kiểm tra chất lượng chặt chẽ bột thịt xương cho thức ăn gia súc… đã làm kéo dài thời gian thông quan khiến phí lưu kho, bãi, tiền điện, vận chuyển đã cao hơn giá nhập khẩu. Đó là chưa kể những lô hàng xuất khẩu không bảo đảm chất lượng bị trả về hay hàng nhập về không đủ chất lượng buộc phải thiêu hủy hoặc tái xuất, DN sợ tốn kém thêm nên đã từ chối nhận, bỏ mặc ở cảng theo kiểu “ai muốn làm gì thì làm”. Ngoài ra, còn những lô hàng vi phạm quản lý Nhà nước về hải quan, hàng cấm nhập khẩu, thuộc diện bị tịch thu.

Hiện nay, việc xử lý hàng tồn đọng chủ yếu dựa theo Thông tư 05 năm 2003 và Nghị định 46 năm 2006, tuy nhiên một số quy định trong các văn bản hướng dẫn này đã không còn phù hợp. Chẳng hạn, quy định hàng hóa sau 60 ngày thông báo 3 lần mà không có người nhận, kèm theo từ chối nhận hàng của hãng tàu, khách hàng thì mới được xem “hàng thuộc diện thanh lý”. Song trên thực tế, việc thông báo từ chối này đến cảng rất chậm, có khi kéo dài cả năm.

Nhiều kiến nghị cho rằng cần sửa đổi một số điều trong quy định trên, theo đó, sau khi gửi thông báo 3 lần mà DN không đến làm thủ tục nhận hàng thì hội đồng có thể tiến hành kiểm kê, thanh lý, không nhất thiết phải chờ từ chối nhận hàng của hãng tàu hoặc khách hàng. Bên cạnh đó, cần khắc phục tình trạng thời gian xử lý kéo dài làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa cũng như hoạt động khai thác của cảng. Đồng thời, nên nới rộng quy định chỉ định bán đấu giá lên 100 triệu đồng thay vì 10 triệu đồng như hiện nay, tạo điều kiện linh hoạt trong việc bán hàng thanh lý, giảm thiểu thiệt hại cho DN cảng cũng như Nhà nước…

Phải có các biện pháp chế tài đối với nhà vận chuyển, người gửi hàng theo kiểu “vô thừa nhận”, tránh tình trạng hiện nay DN cảng phải chịu trách nhiệm mọi chi phí.

Theo NguoiLaoDong


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc