Home » Xã hội » ‘Có thể đóng cửa xí nghiệp gây vỡ đập bùn ở Cao Bằng’
“Sau khi xem xét đầy đủ hậu quả, nguyên nhân gây hậu quả kể các các vi phạm kéo dài, nếu cần thiết sẽ tính đến phương án đóng cửa Xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng”, ông Lê Kế Sơn, Phó tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nói.
Ông Lê Kế Sơn. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Ông Lê Kế Sơn. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Trao đổi với báo chí chiều 11/11, ông Lê Kế Sơn cho biết, sau khi xảy ra sự cố ở Cao Bằng, Tổng cục Môi trường đã trao đổi với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh và thường xuyên cập nhật thông tin. Ông khẳng định, việc khai thác ở mỏ sắt Nà Lũng là vi phạm pháp luật về môi trường.

“Xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng không thực hiện báo cáo đánh giác tác động môi trường (ĐTM) theo yêu cầu, không có thiết kế kỹ thuật của công trình đập, không có giấy phép xả thải”, ông Sơn nói.

Với các vi phạm này, Chi cục bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng) đã kiểm tra nhiều lần, xử phạt hành chính 2 lần. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng xếp xí nghiệp này vào nhóm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Người dân Duyệt Trung (thị xã Cao Bằng) tranh thủ nạo vét bùn ra khỏi đồng ruộng. Ảnh: Bằng Giang.

Người dân Duyệt Trung (thị xã Cao Bằng) tranh thủ nạo vét bùn ra khỏi đồng ruộng. Ảnh: Bằng Giang.

“Chúng tôi đã trao đổi với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng, sau khi xem xét đầy đủ nguyên nhân, hậu quả kể các các vi phạm kéo dài, nếu cần thiết sẽ tính đến phương án đóng cửa xí nghiệp”, Phó tổng cục trưởng Sơn nói.

Theo ông, đây là phương án nặng nhất. Để làm điều đó cần có trao đổi nhiều chiều với cơ quan địa phương, với công ty mẹ, Tập đoàn Than và Khoáng sản (TKV). Ngoài ra, các đơn vị này phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hậu quả và tiến hành các biện pháp khắc phục cần thiết.

Trao đổi về băn khoăn đối với tính độc hại của bùn thải từ sự cố vỡ đập, ông Lê Kế Sơn cho hay, mẫu bùn thải từ sự cố cố vỡ đập chắn nước thải của Xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng (thuộc Công ty khoáng sản luyện kim Cao Bằng) đã được lấy mẫu mang đi kiểm định và sẽ sớm có thông báo. Từ mẫu phân tích khoa học mới có thể đánh giá đầy đủ về tính chất, hậu quả do sự cố gây ra. Vì thế, việc khẳng định bùn thải ở đây “độc hay không” vào thời điểm này là vội vàng.

Theo ông, bằng quan sát trực quan, xí nghiệp này dùng phương pháp cơ học là xịt nước để tách, tuyển quặng làm sạch khoáng sản, phần bùn đất thải ra ngoài nên bản chất của bùn thải cơ bản giống với bùn lũ thông thường, song, nồng độ cao hơn.

“Trong quá trình tuyển quặng, xí nghiệp không dùng hóa chất, nên không độc hại như bùn đỏ bô xít”, ông Sơn nói.

Máy xúc đang khẩn trương nạo vét bùn, công việc dự tính không thể hoàn tất sớm do khối lượng bùn thải quá lớn. Ảnh: Bằng Giang.

Máy xúc đang khẩn trương nạo vét bùn, công việc dự tính không thể hoàn tất sớm do khối lượng bùn thải quá lớn. Ảnh: Bằng Giang.


Tuy nhiên, vị Phó tổng cục trưởng lưu ý, dù các thành phần trong bùn thải có thể không vượt quá các ngưỡng cho phép về môi trường, thậm chí không độc nhưng với nồng độ đậm đặc, khi tràn xuống hạ lưu sông suối như thế thì sẽ ảnh hưởng lớn tới sinh thái cũng như đời sống người dân. Bùn phủ dày đặc thì cây cối ở ruộng vườn không còn ôxy để sống; gây đục nguồn nước, tác động tới nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu.

“Nếu nói không phải là chất độc mà không ảnh hưởng tới môi trường là không đúng. Có những cái không độc như tiếng ồn vẫn tác động tới môi trường”, ông Sơn giải thích.

Về phương án tái sử dụng chất thải này, Phó tổng cục trưởng Môi trường cho biết, khác với bùn ao (là bùn trầm tích, bùn có nhiều chất hữu cơ, vi sinh vật ) bùn thải từ quặng, thì là chất thô, hàm lượng vi sinh vật, hữu cơ không cao nên việc tái sử dụng khó khăn.

Từ trường hợp Nà Lũng, ông Sơn cho rằng, đây là bài học đối với các công ty khai khoáng. Trong hội nghị toàn quốc về môi trường tuần sau, Tổng cục sẽ đề nghị trong trường hợp các đơn vị không thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường đặc biệt là môi trường trong khai thác khoáng sản hoặc quản lý chất thải thì kiên quyết xử phạt.

Nguyễn Hưng

Theo VnExpress

Chuyên đề: , , , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc