Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Sự cố bùn đỏ Hungary là cảnh báo với bô xít Tây Nguyên
Địa hình hai nước khác nhau, nhưng Phó tổng giám đốc Tập đoàn than – khoáng sản Việt Nam (TKV) Dương Văn Hòa nhìn nhận không nên chủ quan về sự cố vỡ đập hồ chứa bùn đỏ tại mỏ khai thác bô xít.

Thảm họa môi trường sau sự cố tràn hồ chứa thải bùn đỏ ở Hungary đe dọa cả châu Âu đang là mối quan tâm của dư luận Việt Nam, đặc biệt những người từng e ngại về tác động môi trường của các dự án bô xít Tây Nguyên. Hôm 12/10, ông Hòa, với tư cách đại diện chủ đầu tư dự án, đã trao đổi với Báo chí.

– Một số chuyên gia trong và ngoài nước đang cảnh báo về nguy cơ tương tự với sự cố vỡ đập hồ bùn đỏ ở Hungary. Tập đoàn đánh giá nguy cơ này như thế nào?

– Hungary là một nước có lịch sử hàng trăm năm khai thác bô xít nên họ có kinh nghiệm hơn mình nhiều. Vậy mà sự cố vẫn xảy ra và đây là một lời cảnh báo cho Việt Nam.

Hiện tại Tập đoàn cũng đang theo dõi sự việc ở Hunggary và tổng hợp, phân tích nguyên nhân. Ban chỉ đạo thực hiện dự án bô xít cũng đang rà soát lại toàn bộ quy trình thiết kế, thi công các hồ bùn đỏ tại Tây Nguyên. Các nhà thi công không được chủ quan trong vấn đề này.

Tuy nhiên, các hồ dự kiến chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên đều nằm trong thung lũng và được bao bọc bằng các ngọn đồi, chỉ có một lối thoát nước. Trong khi hồ bùn đỏ ở Hungary nằm trên một cánh đồng bằng phẳng, đê đắp nhỏ, địa hình hoàn toàn khác với Tây Nguyên Việt Nam.

Việt Nam phải rà soát lại thiết kế hồ bùn đỏ đối với các dự án bôxit.

– Theo kế hoạch cuối năm nay sẽ có ít nhất một dự án trong tổ hợp bô xít Tây Nguyên sẽ phải hoàn thành. TKV đang triển khai kế hoạch này như thế nào?

-Vinacomin đang tập trung vào hai dự án lớn đó là tổ hợp bô xít – nhôm Tân Rai (Lâm Đồng) và dự án Nhân Cơ (Đăk Nông). Trong đó, dự án Tân Rai có công suất thiết kế 650.000 tấn alumin một năm, khai thác quặng 440.000 tấn. Dự án Tân Rai bắt đầu xây dựng từ 11/2008, đang gấp rút hoàn thành các hạng mục, dự kiến cuối năm 2010 sẽ chạy thử từng phần. Đến quý 1/2011 dự án sẽ chính thức đi vào hoạt động nếu không có gì đột biến.

Hiện nay hồ tích nước ngăn đập từ hai dòng suối Đăk Lốt và Đăk La thuộc huyện Bảo Lộc dành cho dự án đã hoàn thành xong. Tổng mức nước của hồ là 18 triệu m3, trong đó sử dụng vào dự án 16 triệu m3, số còn lại để phục vụ nước sinh hoạt, tưới tiêu cho ngươi dân. Ngoài ra hồ bùn đỏ đang trong quá trình thi công, nạo vét xong toàn bộ phần lòng hồ, đắp đập và ngăn ô.

Tương tự, dự án Nhân Cơ cũng có cùng công suất, cách thức tiến hành đều giống như bên Lâm Đồng, chỉ khác là sức chứa tích nước của hồ nước lớn hơn. Cụ thể tổng mức nước ở đây là 24 triệu m3, dung lượng sử dụng cho dự án 22 triệu m3, còn lại phục vụ nhu cầu nước cho các hộ dân.

Ngày 18/10 tới đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự lễ phát lệnh chính thức thi công dự án. Trước đó, các công đoạn phụ đã được nhà thầu thực hiện. Dự kiến công trình này sẽ hoàn thành vào năm 2012.

– Trong quá trình thực hiện dự án, phía tập đoàn đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?

– Quá trình triển khai thi công vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khâu giải phóng mặt bằng. Nếu tính theo hệ số cơ học thì tiến độ thực hiện đã đạt 90% nhưng thực tế còn nhiều trở ngại. Một số hộ dân do chưa hiểu về dự án đã không chịu di dời, cản trợ đến thời gian thi công.

Đặc biệt, mức giá đền bù đã được điều chỉnh tăng lên hơn gấp ba lần so với cách đây vài tháng. Ngoài đền bù các tài sản trên đất, mức giá đền bù cho mỗi héc ta đất hoa màu đã tăng từ 300 triệu đồng lên đến 1,2 tỷ đồng.

Thuế cũng là một khó khăn với các dự án bô xít. Theo tôi, một số thuế suất áp dụng cho lĩnh vực này còn cao, ví như thuế xuất khẩu alumin ở mức 20%, trên thế giới chưa có nước nào áp dụng mức này. Tập đoàn đang xem xét đề xuất với Chính phủ để giảm thuế suất này hợp lý hơn, đảm bảo dự án hoạt động chắc chắn. Theo đó, giảm thuế xuất khẩu alumin xuống còn 0 đến 5% trong 5 năm.

Hiện tại Bộ Tài chính, Công Thương đã nhận được các văn bản đề nghị thay đổi một số cơ chế chính sách thuế của tập đoàn đối với dự án bô xít và sẽ sớm trình Thủ tướng quyết định.

Vừa qua, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị thi công dự án bô xít. Theo đó, chủ đầu tư, các nhà thầu và đơn vị liên quan cần nỗ lực tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Tân Rai trong quý 4/2010, đảm bảo đúng tiến độ (dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2010 và đưa vào vận hành trong quý 1/2011). Đồng thời phối hợp chặt chẽ đồng bộ giữa các bên liên quan để xử lý kịp thời mọi phát sinh, vướng mắc trong quá trình thi công.

Đối với dự án Nhân Cơ, Đăk Nông, Bộ Công Thương yêu cầu các chủ đầu tư, Vinacomin cần tăng cường phối hợp với các địa phương để giải quyết các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng cũng như các vướng mắc liên quan.

Giai đoạn 2008 – 2010: dự kiến triển khai 3 dự án alumin, gồm Tân Rai (Lâm Đồng), Nhân Cơ (Đăk Nông 1) và Kon Hà Nừng (Gia Lai); 1 dự án hydroxit nhôm tại Bảo Lộc (Lâm Đồng). Các dự án này đều do Việt Nam tự đầu tư.

Giai đoạn 2011-2015: Quy hoạch dự kiến triển khai đầu tư tiếp 3 dự án là Đăk Nông 2, Đăk Nông 3 và Đăk Nông 4. Cả 3 dự án này đều đã có đối tác nước ngoài mong muốn hợp tác đầu tư, bao gồm Chalco (Trung Quốc), Alcoa (Mỹ) và BHPM (Anh) với tổng công suất dự kiến 4,5-6 triệu tấn alumin một năm.

Giai đoạn 2016-2025: dự kiến duy trì và mở rộng 6 dự án alumin của giai đoạn 2008-2015; tùy theo khả năng thị trường, dự kiến mở rộng nâng công suất các dự án này lên gấp đôi. Đầu tư thêm một dự án alumin Bình Phước với công suất 1-1,5 triệu tấn một năm. Dự kiến tổng công suất của giai đoạn này đạt khoảng 13-18 triệu tấn alumin một năm.

Theo tintuc

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc