Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Bộ Công Thương sẵn sàng đối thoại về bô xít Tây Nguyên
Trao đổi với VnExpress, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết, sẵn sàng lắng nghe và đối thoại về mọi vấn đề liên quan dự án bô xít Tây Nguyên, nhưng bộ không kiến nghị dừng, mà đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ.

– Thứ trưởng nghĩ sao về đơn kiến nghị tha thiết xin dừng triển khai dự án bô xít Tây Nguyên của các chuyên gia kinh tế, nguyên lãnh đạo cao cấp vừa qua?

– Rất tiếc là đơn kiến nghị này chỉ được gửi cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ mà không gửi tới Bộ Công Thương, TKV – đơn vị trực tiếp liên quan đến dự án. Khi có văn bản chính thức gửi đến bộ, chúng tôi sẽ thẳng thắn trả lời. Bộ Công Thương sẵn sàng đối thoại với bất kỳ ai muốn tìm hiểu về dự án.

Dự án này không giống như các dự án đầu tư thông thường khác bởi phải báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ rất nhiều lần. Dự án có hiệu quả và phù hợp với sự phát triển của ngành nên mới được phê duyệt. Bộ Công Thương không có kiến nghị dừng, ngược lại, chúng tôi chỉ đạo phải đẩy nhanh tiến độ nhà máy Tân Rai. Bởi khi dự án đưa vào sử dụng càng sớm thì càng phát huy được hiệu quả của đồng vốn bỏ ra. Nếu sớm đưa vào sử dụng chúng ta có sản phẩm xuất khẩu, thu hẹp được nhập siêu, phát triển đời sống của đồng bào.

– Xin thứ trưởng cho biết, Bộ Công Thương đã có động thái gì sau sự cố vỡ bùn đỏ ở Hungary ngày 4/10?

– Bộ Công Thương đã họp gấp với TKV và làm việc với đơn vị tư vấn cùng các cơ quan nghiên cứu để xem xét, trao đổi lại về vấn đề hồ bùn đỏ. Chúng tôi cũng yêu cầu TKV làm một loạt việc như xem xét lại dự án Tân Rai đang thi công để bảo đảm an toàn. Bộ yêu cầu TKV thuê đơn vị tư vấn độc lập về phương án thiết kế hồ bùn đỏ, đồng thời điều tra, xem xét lại các vấn đề về động đất ở Tây Nguyên. Chúng tôi cũng đang cử đoàn sang Hungary để tìm hiểu nguyên nhân về sự cố vỡ hồ bùn đỏ tại đây. Sắp tới, chúng tôi cũng dự kiến sang Brazil và một số nước có địa hình tương tự như Tây Nguyên để học hỏi phương pháp xử lý bùn đỏ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị TKV Lê Dương Quang: "Nhiều quốc gia muốn mua bô xít của Việt Nam". Ảnh: BCT.

Thứ trưởng Bộ Công Thương kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị TKV Lê Dương Quang: "Nhiều quốc gia muốn mua bô xít của Việt Nam". Ảnh: BCT.

– Sự cố ở Hungary khiến nhiều người lo ngại về độ an toàn của các hồ bùn đỏ. Nhiều ý kiến cho rằng việc chia hồ thành các ngăn không giảm thiểu rủi ro vì khi có động đất mức tàn phá tại các ngăn là như nhau. Thứ trưởng nghĩ sao về điều này?

– Hồ chứa bùn đỏ được chia thành 8 khoang ngăn cách để đảm bảo an toàn. Trong trường hợp vỡ đập, bùn sẽ bị tràn vào các ô bên cạnh. Cách làm này để tránh trường hợp vỡ đồng loạt cùng một lúc. Đây sẽ là phương pháp hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra. Chúng ta có thể hình dung thế này cho dễ hiểu, khi có một chiếc bát to chứa nhiều ngăn, vỡ các ngăn nhỏ thì còn có ngăn to.

Đúng là dù dự án được tính toán chịu được động đất cấp 8, cấp 9 và không ai nói trước được rủi ro. Nhưng các số liệu về địa chất, thông số kỹ thuật đã được tính toán kỹ để đảm bảo an toàn. Nếu ai nói rằng vẫn có thể nguy hiểm thì hãy gửi các con số kỹ thuật để chứng minh, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe.

– Có ý kiến cho rằng tính hiệu quả kinh tế của dự án không cao vì bô xít chỉ bán được cho Trung Quốc. Thứ trưởng nghĩ sao về điều này?

– Nói như vậy là không chính xác. Hiện nay, nhiều nước Ả Rập, Nhật Bản, Trung Quốc đều đề nghị mua bô xít từ khi dự án mới được triển khai. Chúng tôi đã tính đến phương án phải đấu giá vì nhu cầu quá lớn.

– Các chuyên gia lo ngại, Trung Quốc thiếu kinh nghiệm trong việc thiết kế hai nhà máy xử lý bô xít cho Việt Nam vì thực tế quặng bô xít của Trung Quốc và Việt Nam hoàn toàn khác nhau. Ông có chia sẻ gì về mối quan ngại này?

– Tập đoàn của Trung Quốc- đơn vị thiết kế hai nhà máy cho Việt Nam có thương hiệu nổi tiếng tầm quốc tế. Năm 2009, TKV đã mời phái đoàn gồm các quan chức chính phủ, nhiều bộ ban ngành đến để tìm hiểu các nhà máy của Trung Quốc và thấy rằng họ có nhiều kinh nghiệm.

Tôi có nghe nói đến mối quan ngại, quặng bô xít của Trung Quốc không giống như của Việt Nam. Nhưng theo tôi, vấn đề này không quá đáng lo ngại bởi khi triển khai dự án, chúng ta không giao khoán cho Trung Quốc mà kế thừa kết quả nghiên cứu của nhiều quốc gia. Tiêu biểu trong đó là Nga, Hungary, Nhật Bản, Hàn Quốc…

– Các nhà khoa học cho rằng, phương pháp thải ướt để xử lý bùn đỏ chưa phải là phương pháp tiên tiến và quá cổ điển, ông nghĩ sao?

– Hiện nay, có 66% nhà máy trên thế giới sử dụng phương pháp thải ướt để xử lý bùn đỏ, 34% sử dụng phương pháp thải khô. Khô hay ướt đều có ưu và nhược điểm riêng. Vấn đề là phương pháp nào phù hợp với địa hình, công nghệ và kinh tế nhất. Địa hình thung lũng phù hợp áp dụng phương pháp thải ướt vì thực tế nếu thải bùn khô khi gặp mưa cũng sẽ thành bùn ướt. Nếu nói đây là phương pháp cổ điển thì ngay cả phương pháp luyện thép cũng đã có từ thế kỷ 18 nhưng vẫn được sử dụng.

Ông Dương Văn Hòa, Phó tổng giám đốc TKV:

Vấn đề dừng hay làm tiếp các dự án bô xít thì phải nghiên cứu cụ thể. Nếu chỉ dựa vào thảm họa ở Hungary để bảo ngừng dự án thì không có cơ sở. TKV đang tiếp tục rà soát kỹ thuật và thông số an toàn thiết kế hồ bùn đỏ để bổ sung trong quá trình xây dựng. Đến thời điểm này, các đối tác đang tiến hành nạo vét hồ với sự giám sát chặt chẽ của TKV để đảm bảo đúng tiêu chuẩn.

Thiết kế hồ bùn đỏ ở Việt Nam dựa trên những nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về hệ số an toàn của Brazil và Australia chứ không phải của Hungary.

Ông Nguyễn Khắc Vinh, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam:

Việt Nam cần dừng khai thác bô xít để nghiên cứu kỹ về những tác động của nó đến môi trường và dân sinh. Phải có sự tham gia của các nhà khoa học trong vấn đề nghiên cứu, đánh giá độc lập các số liệu và mức độ an toàn mà TKV công bố để báo cáo Quốc hội cụ thể, toàn diện chứ không nên dựa vào khảo sát một phía từ TKV.

Xét về kinh tế, bô xít hiện nay chưa phải là lĩnh vực khoáng sản “nóng” của thế giới khiến Việt Nam phải gấp gáp làm cho bằng được dự án này. Chính phủ, Quốc hội phải cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định. Đừng vì lợi ích kinh tế trước mắt mà khiến hàng triệu người dân bị ảnh hưởng bởi bởi các chất độc hại từ các mỏ bô xít nếu xảy ra sự cố.

Hoàng Lan- Trà Phương

Theo VnEpress

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc