Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Lễ Nobel được duy trì dù Lưu Hiểu Ba vắng mặt
Hôm qua, chủ tịch Viện Nobel cho biết lễ vinh danh giải thưởng Nobel Hòa bình 2010 vẫn được tổ chức vào ngày 10/12 tới tại Oslo, bất chấp việc nhà ly khai Trung Quốc Lưu Hiểu Ba, vẫn bị cầm tù và một số nước, trong đó có Trung Quốc, quyết định tẩy chay. Trước đó, một số báo đài loan tin rằng lễ trao giải đã bị hủy bỏ.

Chủ tịch Ủy ban Nobel Thorbjoern Jagland (REUTERS)

Trả lời phỏng vấn AFP, chủ tịch Viện Nobel, kiêm thư ký của Ủy ban Nobel, Geir Lundestad, đã tuyên bố : nghi thức tuyên bố giải Nobel sẽ vẫn được tổ chức một cách long trọng và chắc chắn sẽ đông khách. Tuy nhiên, ông cho biết, vì người thân trong gia đình của ông Lưu Hiểu Ba chắn chắn không có mặt, nghi thức trao tặng huy chương sẽ không được thực hiện. Ngược lại, thời khắc đặc biệt quan trọng của buổi lễ, vốn dành để người nhận giải đọc diễn văn, nói về các hoạt động và những suy nghĩ của mình, lần này sẽ được một người khác đảm nhiệm thay. Nữ nghệ sĩ Na Uy Ilv Ullman sẽ đọc một tác phẩm của ông Lưu Hiểu Ba. Đây không phải là một tác phẩm mới, nhưng là một tác phẩm rất hay, được chọn trong số khoảng 700 bài viết của tác giả.

Nếu như giải Nobel Hòa bình ông Lưu Hiểu Ba hay những người thân không thể đến để nhận giải, thì đây là giải Nobel đầu tiên mà giải thưởng không được trao tặng trực tiếp. Tuy nhiên, Chủ tịch Viện Nobel cũng khẳng định : trong số 109 năm tồn tại của giải thưởng này, có những giải đặc biệt quan trọng mà người được trao tặng không có mặt. Đó là giải được trao cho nhà ly khai Nga Andrei Sakharov, năm 1975, khi ông bị cầm tù tại Liên Xô. Giải trao cho nhà đối lập Ba Lan Lech Walesa, năm 1983, vì ông sợ không thể trở lại nước Ba Lan cộng sản. Và cuối cùng là vào năm 1991, khi hai người con của bà Aung Sann Suu Kyi đến nhận thay cho mẹ, lúc đó đang bị tập đoàn quân sự giam giữ.

Giải thích cho việc phần thưởng bằng tiền của giải thưởng, tương đương khoảng 1 triệu euro không được trao cho ai nhận giúp, chủ tịch Ủy ban cho biết, Ủy ban không muốn mạo hiểm để làm chuyện này. Trên thực tế, đã có lần vào năm 1935, khoản tiền thưởng Nobel dành cho nhà hoạt động hòa bình người Đức, Carl von Ossietzky, đã được một người khác nhận thay, vì người được giải đang bị cầm tù tại Đức. Sau đó, người nhận thay đã biển thủ số tiền này.

Xin nhắc lại là, cho đến nay, có 36 đại sứ quán đã nhận lời mời, 6 nước từ chối tham dự lễ Nobel Hòa Bình là : Trung Quốc, Nga, Cuba, Iran, Marốc và Kazachstan. Tuy nhiên, theo Ủy ban Nobel, việc không nhận lời mời không phải lúc nào cũng là một quyết định chính trị. Coi ông Lưu Hiểu Ba là một “tội phạm”, chính quyền Bắc Kinh đã ngăn cản các nước cử đại diện đến tham dự buổi lễ. Đại sứ Trung Quốc tại Oslo đã gửi một lá thứ đến đại diện ngoại giao các nước để yêu cầu không đến tham dự. 16 nước hiện vẫn chưa trả lời chính thức. Thời hạn trả lời là ngày 15/11 đã quá, một số nước đề nghị có thêm thời gian để quyết định.

Theo tin rfi


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc