Home » Bí ẩn thế giới, Khoa học » “Luyện công trị bệnh” và “Chuyện những người tái sinh” ở Hà Nội”
Sự khổ luyện đã không chỉ cho họ một nội công thâm hậu mà còn đẩy lùi được tứ chứng nan y, kiểu như những cuộc “tái sinh” ngoạn mục trong tiểu thuyết của Kim Dung. Đó là các võ sư có vóc dáng nhỏ bé và nội lực phi thường ấy vẫn đang sống giữa phố phường Hà Nội.

Ngày 14/9/2003, hàng ngàn môn sinh trong lễ ra mắt CLB Vĩnh Xuân, Hà Nội đều kinh ngạc trước câu chuyện thật mà như huyền thoại của võ sĩ quyền Anh Phạm Xuân Nhàn. Năm 1957, ông Phạm Xuân Nhàn vừa đoạt ngôi vô địch hạng 57kg giải “Vô địch quyền Anh mùa xuân”, nghe tiếng võ sư Trần Thúc Tiển đã lâu, muốn đến thử sức xem “ông già còi” với tiền sử bệnh lao giai đoạn 3 này có thực sự như những lời đồn đại hay không. Khi đó, võ sư Trần Thúc Tiển đang mở lớp hướng dẫn dưỡng sinh tại số nhà 38, phố Gia Ngư (Hà Nội) và ông chấp nhận đề nghị được thử quyền cước của ông Nhàn. Khi võ sư Trần Thúc Tiển vừa giơ chân đứng thế “tĩnh vững”, võ sĩ Phạm Xuân Nhàn đã lao vào ra đòn tới tấp, nhưng không hề suy suyển. Tiếp theo, lần thứ hai, được phép lùi 3 bước, nhưng tấm thân mảnh dẻ kia vẫn đứng bất động. Và lần thứ ba, ông Nhàn đã chạy ra rất xa để lấy đà, lao cả thân mình với tất cả sức mạnh tuổi trẻ mà vẫn không làm lung lay được thế đứng của võ sư. Võ sĩ vô địch quyền Anh đã phải chịu khuất phục bởi nội công thâm hậu của một ông già nhỏ thó, khi ấy chỉ nặng 38kg.

Ít ai biết rằng, võ sư Trần Thúc Tiển đến với việc luyện nội công ban đầu như đến với một phương pháp chữa bệnh. Theo lời của võ sư Nguyễn Thị Vân, môn sinh chân truyền và là con nuôi của cố võ sư Trần Thúc Tiển thì trước dây, gia đình ông thuộc diện trung lưu, có xưởng chế rượu và kinh doanh rượu mùi. Ông Tiển là một nghệ nhân pha chế rượu bậc nhất Hà Nội ngày ấy với món rượu trứng nổi tiếng. Hiện bà Vân và con út của võ sư Tiển là anh Trần Lê Hoài Ngọc vẫn đang lưu giữ bí quyết pha chế rượu trứng và chỉ đãi khách quý trong những ngày lễ trọng. Trước khi đến với Vĩnh Xuân, ông Tiển cũng đã luyện khá nhiều môn võ khác. Nhưng sau một thời gian tập luyện, vốn sức ông không được khoẻ, nên đã mắc chứng lao. Theo các bác sĩ ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TW, bệnh của ông đã vào giai đoạn 3, ho ra máu, dịch tràn màng phổi. Khi đó, võ sư Tế Công mở một tiệm thuốc bắc trên phố Hàng Buồm, nhưng chủ yếu ông vẫn dạy võ cho những người Hoa thân cận. Ông nghiện thuốc phiện khá nặng, mỗi tháng hút hết 3 hộp thuốc, nếu không có thuốc, huyệt chẩm trên gáy sẽ xẹp xuống, rất bứt rứt. Ông Tiển đã biết tiếng võ sư Tề Công khá lâu, nay thấy cụ đang trong buổi khó khăn, túng thiếu, nên thường qua lại và chăm sóc từ điếu thuốc tới bữa ăn. Thấy ông Tiển bị bệnh nặng mà lại nặng tình với mình, cụ Tề Công mới bảo: “Ta sẽ chữa khỏi bệnh cho tiên sinh”. Từ đó, thày Tề Công tận tâm truyền dạy, trò Thúc Tiển luyện tập chuyên cần, nên hiệu quả mỗi ngày một rõ. Nhờ được truyền thụ phương pháp luyện khí, nội công thượng thừa, kết hợp với điều trị thuốc, ông Tiển dần khỏi được bệnh và võ nghệ ngày càng cao thâm. Phương pháp luyện tập tưởng như tầm thường ấy đã làm nên một cuộc “tái sinh” với võ sư Trần Thúc Tiển. Không chỉ chữa được bệnh, ông còn là môn sinh đầu tiên được cụ Tề Công “chân truyền” tuyệt kỹ nội công.

Cụ Trần Thúc Tiển và võ sư Nguyễn Thị Vân

Cái nghĩa cử cưu mang của võ sư Tề Công đã được võ sư Trần Thúc Tiển thực hiện lại với bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Khi ấy, bác sĩ Viện đang làm việc tại NXB Thế Giới, ông cũng mới vừa từ Pháp về sau một thời gian dài trị bệnh vẫn chưa lành. Nghe tiếng võ sư Trần Thúc Tiển, ông mới đi tìm. Thấy bệnh của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện có thể chữa được bằng phương pháp luyện tập dưỡng sinh, võ sư Trần Thúc Tiển đã ra bài tập cụ thể, luyện khí công, tác động vào nội tạng để các bộ phận trong cơ thể điều hoà âm dương, hoạt động nhịp nhàng. Với bác sĩ Nguyễn Khắc VIện đã có một cuộc “tái sinh’ ngoạn mục. Năm 1943, bị lao phổi nặng phải vào Bệnh viện Saint Hillaire du Touvet lên bàn mổ 7 lần, cắt bỏ 8 xương sườn, cắt toàn bộ phổi phải và 1/3 phổi trái nhưng nhờ luyện tập cao trong việc luyện tập khí công, và sau này tập võ, ông đã thọ 83 tuổi. Sau đó, ông đi sâu nghiên cứu về phương pháp luyện công chữa bệnh, phổ biến đến nhiều người qua một loạt kinh nghiệm đã được xuất bản thành sách.

Vợ chồng BS. Nguyễn Khắc Viện

Năm 1977, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện quyết định làm một bộ phim khoa học về phương pháp luyện công chữa bệnh tuyệt vời này. Ông đề nghị võ sư Trần Thúc Tiển cử học trò ra chịu đòn để quay phim. Khi đó, mọi người đều phải bất ngờ trước sức mạnh phi thường của một “người tái sinh” nữa, đó là bà Nguyễn Thị Vân. Trước đó mấy năm, khi sinh xong đứa con thứ tư, bà bị suy nhược, da bọc xương, chỉ còn 34kg, đã thế, bà còn bị thêm các chứng bệnh kinh niên như viêm đại tràng mãn tính, suy thần kinh. Nghe tiếng võ sư Trần Thúc Tiển đã lâu, lại được chồng động viên (chồng bà cũng là một học trò của võ sư Trần Thúc Tiển), bà đã đến để thọ giáo. Với sự cố gắng hết mình, bà đã tiến bộ nhanh chóng trong tập quyền cước và khí công, thể lực của bà cũng tăng lên và bệnh cũ cứ lùi dần. Với các môn sinh thông thường chỉ tập 2 tiếng mỗi ngày, riêng bà đã tăng thời gian luyện tập gấp đôi. Sau gần 1 năm vừa truyền thụ vừa thử thách, võ sư Tiển mới chính thức cho bà nhập môn.

Bà Vân nhớ mãi buổi quay phim của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Dù bà đã có ý tránh không muốn xuất hiện trên phim, nhưng thày Tiển vẫn nhất định chờ bà đi miền Nam thăm chồng ra mới tiến hành cho quay. Hôm đó, người lo nhất có lẽ là đạo diễn Lương Đức. Vì ông không nghĩ rằng, người phụ nữ mảnh mai ấy lại có thể “trụ” được trước sức ra đòn của một chiến sĩ đặc công. Thế nhưng, lúc ấy, cả võ sư Trần Thúc Tiển và bà Vân không hề biết người đàn ông trung niên cao lớn đó là ai và võ nghệ thế nào. Anh ta đến đứng trước mặt bà và hỏi: “Cô chỉ đứng bình thường mà không đứng tấn sao?”. Võ sư Tiển trả lời quả quyết: “Anh cứ đấm đi, nếu cô ấy lùi nửa bước tôi chịu trách nhiệm”. Anh ta lùi lại góc phòng và lấy đà rồi lao vào, dùng toàn lực ra liên tiếp 28 đòn đánh vào những huyệt hiểm trên người bà. Nhưng bà đã hoá giải được tất cả. Bước vào tuổi 65, bà Vân vẫn sống khoẻ, như một nhà văn thích một cuộc đời ẩn dật giữa cây cối và niềm đam mê thiền định. Bà không tham gia các hoạt động trong các câu lạc bộ võ thuật mà chỉ chuyên tâm vào việc nghiên cứu quyền cước và nội công. Tuy nhiên, vào những lúc ngặt nghèo có người tìm đến, bà vẫn hướng dẫn cho họ cách chữa bệnh và dưỡng sinh tăng thể lực. Bà Vân cũng đã theo bước sư phụ mình, “tái tạo” cuộc đời cho một người phụ nữ. Chị tên là Nguyễn Thị Nhâm, nhà ở phố Giảng Võ (Hà Nội). Sau 7 năm liền điều trị ở bệnh viện về bệnh bướu cổ mà không khỏi, bệnh đã biến vào tim, phải điều trị phóng xạ 3 lần nhưng tình hình cũng không mấy khả quan. Lúc đó, người nhà nghe tiếng bà Vân nên đã đưa chị đến. Bà bắt đầu tập luyện khí công, điều hoà các cơ quan nội tạng từ năm 1992. Từ thấp đến cao, từ động tác dễ đến khó, đến nay, chị Nhâm đã khoẻ mạnh hơn trước, bệnh cũng lui rất nhiều.

Về những nội công được chân truyền, nhiều môn sinh Vĩnh Xuân vẫn truyền đi câu chuyện rằng, sau hàng chục năm nghiên cứu thế “tĩnh vững” của con hạc ngủ trên một chân và sức mạnh của con rắn khi vặn mồi, Ngũ Mai sư bà – người sáng lập ra môn phái này đã hoàn thiện được tuyệt đỉnh Vĩnh Xuân. Thập niên 70 của thế kỷ trước, khi ngôi sao điện ảnh võ thuật Hồng Kông Lý Tiểu Long tung hoành phim trường Hollywood với những tuyệt chiêu của một cao thủ Vĩnh Xuân thì phương Tây mới đổ xô đi tìm hiểu và luyện tập theo môn võ lạ đến từ phương Đông này. Nhưng không phải ai cũng biết rằng, Lý Tiểu Long chỉ là người “phát tiết” những tinh hoa của tiền nhân. Nhiều cao nhân trong phái Vĩnh Xuân có nội công thâm hậu nhưng sống khá khép mình, thậm chí là ẩn dật như những cư sĩ.

Võ sư Phan Dương Bình

Các võ sư chi phái “Nội gia quyền” hiện nay cũng đang sống khá khép mình tại Hà Nội. Võ sư Phan Dương Bình, một trong những học trò đầu tiên của võ sư Trần Thúc Tiển đã gắn bó cả cuộc đời với võ thuật. Ít xuất hiện tại các kỳ cuộc, ông già 75 tuổi, dáng người thấp nhỏ và giọng nói âm vang này hiện sống lặng lẽ trên căn gác nhỏ phố Hàng Bạc. Năm 1995, Sở Thể dục Thể thao Hà Nội có mời võ sư Phan Dương Bình qua Schwerin (Đức) để giới thiệu và hướng dẫn cho các huấn luyện viên võ thuật theo đề nghị của phía bạn. Trong gần một tháng, ông đã đưa các học trò đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Từ 14 giờ đến 18 giờ mỗi ngày, các học trò có thể đấm thoải mái vào người thày mà đến tối thày vẫn khoẻ như thường. Nhưng chỉ cần xoay nắm tay một cái là học trò đã lấm lưng. Thấy người viết bài này có vẻ hồ nghi, ông liền đề nghị: “Anh có thể đánh tôi thoải mái, tôi sẽ không cần đỡ”. Và trong gần 15 phút, cuộc “chiến đấu” giữa anh thanh niên 25 tuổi và ông già 75 tuổi đã kết thúc với nụ cười điềm nhiên trên môi võ sư. Mỗi cú đấm gần kiệt lực của tôi chỉ phát ra những tiếng “binh, binh” từ ngực ông, hệt người ta đấm vào bị bông. Hiện tại, ông vẫn đang âm thầm tìm kiếm môn sinh trong số các học viên ông đang hướng dẫn tại CLB võ thuật Hàng Buồm để truyền dạy nội công. Tôi hỏi ông, để tập như thế có lâu không? Ông cười nói rằng, cũng còn tuỳ cơ duyên, tuỳ cách truyền dạy của thày và tuỳ thuộc vào niềm say mê của người tập. Ông có được sự dẻo dai như thế cũng nhờ cách dạy của võ sư Trần Thúc Tiển. Trong nhiều năm liền, võ sư Trần Thúc Tiến đã dạy học trò theo cách của thày mình, để học trò đánh thẳng vào người thày, rèn phản xạ và rèn nội công.

Gặp PGS-TS Nguyễn Mạnh Nhâm khi ông đang khám bệnh tại bệnh viện Tràng An, ít ai nghĩ rằng ông già vui tính với mái đầu bóng láng này lại đang mang trong mình những sức mạnh tiềm tàng của nội công Vĩnh Xuân. Cũng giống võ sư Phan Dương Bình, ông chỉ cho tôi cách đánh trực tiếp vào “chí ngọ tuyển” trong các bài quyền và cách phản đòn đối phương gần nhất, hiệu quả nhất. Tôi hỏi ông về cách luyện công chữa bệnh, ông nói rằng, các bệnh như hen, viêm xoang, dạ dày… là có thể hoàn toàn khỏi bằng phương pháp này. Mới đây, ông vừa đến Phật Sơn (Quảng Châu, Trung Quốc) nơi được coi là cái nôi của Vĩnh Xuân và tham quan một số võ đường mới phát hiện ra rằng, các nhánh khác của Vĩnh Xuân không luyện tập nội công như Vĩnh Xuân Việt Nam. Ông kết luận, có thể khi sang Việt Nam, võ sư Tề Công mới truyền dạy cho học trò của mình cách luyện công bằng việc đấm trực tiếp vào người thày, nên sức chịu đựng được dẻo dai hơn, nội công, vì thế mà cũng thâm sâu, chữa được nhiều bệnh tật…

Tôi biết đến võ sư Trần Thúc Tiển khi tìm hiểu về võ thuật Công an. Ông Phạm Long, nguyên cán bộ Phòng Thể thao của Bộ Công an, là người đã từng theo học và mời võ sư Trần Thúc Tiển về hướng dẫn luyện tập nội công cho các tiểu giáo viên của ngành những năm 70 của thế kỷ trước. Một trong những người đã lĩnh hội trọn vẹn và luyện tập nội công đạt hiệu quả cao trong số những chiến sĩ công an ngày đó chính là thiếu tá Vũ Văn Sích, với biệt danh “Sích vồ” vì mỗi ngày ông tự đập 500 nhát vồ vào ngực mình để luyện công. Ông tâm sự rằng, nhờ luyện tập thường xuyên mà ông vẫn duy trì sức khoẻ tốt dù tuổi đã ngoài 60…

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Nhâm

Theo các võ sư giàu kinh nghiệm, rất ít môn sinh trụ lại được với việc tập nội công vì đòi hỏi tính kiên trì và sự cần mẫn. Với những người quá trẻ, việc luyện tập thành công là không dễ dàng, dù rằng nếu luyện tập thường xuyên sẽ giảm được tính sốc nổi và bốc đồng. Võ sư Nguyễn Thị Vân đang ấp ủ sẽ viết một cuốn sách về các thế luyện tập nội công. Việc luyện công chữa bệnh, theo PGS-TS Nguyễn Mạnh Nhâm là không có gì thần bí. Bất cứ ai cũng có thể luyện tập để nâng cao thể lực, nhưng phải tập đúng phương pháp và phải được sự hướng dẫn cụ thể của các võ sư.

Theo tin an ninh- the gioi

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc