Home » Nhịp sống trẻ » Những người đứng lên từ gian khó

Một nông dân với những nỗ lực sáng chế làm giàu khiến những nhà khoa học thực thụ cũng phải nể phục; Một người khuyết tật giàu nghị lực để đứng lên bằng nửa thân mình; Một phụ nữ vượt qua hoàn cảnh khó khăn để làm giàu chính đáng cho bản thân và xã hội.

Tham gia buổi tọa đàm, giao lưu giữa các điển hình tiên tiến tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, diễn ra chiều 27/12, bất cứ ai cũng cảm thấy khâm phục, yêu mến những bông hoa tươi thắm trong rừng hoa đẹp của dân tộc.

Tàn tật nhưng không vô ích

Đó là tâm niệm của anh Trần Quang Dũng, Chủ tịch Hội người Khuyết tật tỉnh Hà Nam. Dù được sinh ra trong gia đình có 8 đời làm lương y, nhưng anh Dũng sớm thiệt thòi so với chúng bạn khi bị bại liệt năm lên 2 tuổi. Nhưng anh quan niệm: phải có kiến thức để đàng hoàng sống và ngẩng cao đầu. Từ đó, anh đăng ký đi học đông y. Suốt mấy năm ròng rã, người bác ruột thường xuyên cõng anh đi học. Rồi anh cũng có đủ khả năng để mở phòng khám tại nhà.

Nhưng điều anh trăn trở nhất là những người cùng hoàn cảnh. Nếu chỉ trông chờ chính sách hỗ trợ của nhà nước thì bản thân người khuyết tật khó vươn lên. Đau đáu với ý nghĩ đó, đầu năm 2006, anh tập hợp được 11 người cùng hoàn cảnh, lấy tên là “Nhóm tự lực”. Tháng 8/2006, Hội người khuyết tật tỉnh Hà Nam ra đời, trở thành 1 trong 4 tỉnh có Hội người Khuyết tật trên cả nước. Bản thân anh được bầu làm Chủ tịch Hội người khuyết tật của tỉnh. Xác định trọng tâm của công tác Hội là xóa đói giảm nghèo anh thường xuyên vận động hội viên đi học các lớp nâng cao kiến thức, xóa đói giảm nghèo, liên hệ với doanh nghiệp để tìm việc làm cho hội viên. Đồng cảm với tâm huyết của anh, một số ngân hàng đã tạo điều kiện cho người khuyết tật vay vốn. Từ đó, nhiều thành viên của Hội đã chủ động mở các cơ sở sản xuất, thoát khỏi đói nghèo bằng chính sức lực của mình…

Anh nông dân và trang web khoai lang

Một nông dân với trình độ lớp 7, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, quyết tâm chinh phục kiến thức khoa học công nghệ, tới nay đã trở thành chủ trang trại 52 ha, một năm cho 2 vụ khoai lang xuất khẩu với sản lượng lên tới 2.500 tấn/năm. Tên anh là Đỗ Quý Hạo tới từ huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.

Gần 1/3 cuộc đời, Ba Hạo mới tích lũy được ít vốn mua ruộng trồng khoai lang. Cũng như bao nông dân khác, chân lấm tay bùn, cần cù, tiết kiệm, một nắng hai sương trên đồng ruộng, mà vẫn thiếu trước, hụt sau. Sau nhiều đêm trăn trở, cuối cùng Hạo cũng tìm ra lý do: bởi mình thiếu kiến thức. “Làm gì cũng phải học!”, tự nhủ vậy, anh đã tìm sách các môn Toán, Hóa, Sinh từ lớp 8 đến lớp 12 về tự học. Vượt qua mặc cảm, trong suốt 15 năm, anh đã vừa làm, vừa xin vào học dự thính tại 3 trường đại học. Trở về từ những kiến thức thu được, anh thành lập xưởng cơ khí để chế tạo các thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất. Ban đầu là chiếc máy lên luống tự động bón phân BH1 (Ba Hạo 1) công xuất 7ha/ngày, tương đương 200 người làm thủ công, ròi máy thu hoạch BH2 (một ngày giảm khoảng 40 người nhân công và giảm hao hụt nông sản), máy phun thuốc bảo vệ thực vật BH3, máy làm cỏ kết hợp bón phân, máy đào mương… lần lượt ra đời.

Ba Hạo tâm sự: “Từ lâu tôi vẫn nghĩ có người nào làm được trang web để thế giới biết về khoai lang Việt Nam thì chắc hàng hóa mình dễ tiêu thụ hơn nhưng chờ mãi không thấy”. Và rồi người nông dân ấy lại một lần nữa tìm tới Khoa Kinh tế – Đại học An Giang dự thính một số môn học để làm web và nhờ giảng viên tại đây tư vấn. Website: www.khoailangbahao.com.vn được chính thức kích hoạt, giúp khoai lang Ba Hạo được nhiều khách hàng trong nước và nhiều nơi trên thế giới tìm mua.

“Thương gia trứng”


Ngay từ khi 17 tuổi, bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, TP HCM, đã được bà con nông dân miền Tây Nam Bộ trìu mến đặt cho biệt hiệu “thương gia trứng”. Bà Huân kể: bước vào tuổi 16, bà bắt đầu khởi nghiệp trứng gia cầm. Từ buôn bán nhỏ lẻ đến khi lập doanh nghiệp, bà luôn ý thức sâu sắc từng quả trứng đều được chắt chiu bằng mồ hôi, công sức của nông dân. Trong quá trình lăn lộn, bươn chải với bà con vùng Tây Nam Bộ, bà thật sự trăn trở khi chứng kiến những trại gà, trại vịt hàng trăm, hàng ngàn con, những xe trứng gom đầy chuẩn bị lăn bánh, sau một đêm bỗng thành con số không, trắng tay, phá sản vì dịch cúm. Gom góp một ít tiền, bà Huân quyết định đi nước ngoài để xem ở các nước xử lý trứng gia cầm như thế nào. Rồi thật may, bà tìm được hãng sản xuất thiết bị xử lý trứng gia cầm của Hà Lan. “Ngày những mẻ trứng đầu tiên chạy trên máy được tự động hóa 100% tôi lặng người không thể thốt lên lời. Với quy trình này, người Việt Nam đã có thể sánh cùng các nước trong việc xử lý trứng gia cầm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng chuẩn quốc tế”, bà Huân cho biết.

Theo datviet


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc