Home » Khám Phá, Khoa học, Tiêu biểu sideshow, Tiêu Điểm » ‘Truyền hình trực tiếp’ mưa sao băng
Kể từ đêm nay, khu vực Tây Nguyên là nơi thuận lợi để ngắm sao băng Geminids rực rỡ nhất năm, trong khi miền Bắc vì có mưa bầu trời u ám nên rất khó để chiêm ngưỡng.

Mưa sao băng Geminids sẽ lên cao điểm vào tối 14/12, tuy nhiên những người yêu thiên văn có thể bắt đầu quan sát hiện tượng này từ đêm nay. Theo dự báo của Tổ chức thiên văn thế giới, cực điểm của Geminids năm nay sẽ rơi vào khoảng 11h 18h ngày 14/12/2010 giờ Việt Nam khi tâm điểm sao băng là chòm Gemini (Song Tử) bắt đầu xuất hiện và dần lên cao trên bầu trời.

Các thành viên câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TPHCM (HAAC) sẽ thực hiện một buổi “trực tiếp truyền hình” trận mưa sao băng Geminids tại thị xã Bảo Lộc, thông tin trên trang web của câu lạc bộ cho hay.

Kỹ sư Đặng Tuấn Duy, chủ nhiệm HAAC, cho biết câu lạc bộ đã lập ra nhóm gồm 10 thành viên có mặt tại Bảo Lộc để tổ chức ghi hình Geminids với quy mô nhỏ tại khu vực nông trường Kohinda, rồi truyền hình ảnh và âm thanh cho các thành viên ở khắp nơi qua Internet.

“Nếu thời tiết thuận lợi tại khu vực TPHCM vào đêm 14/12, có khả năng chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức một buổi quan sát tập trung dành cho mọi người để có cơ hội chiêm ngưỡng sao băng Geminids”, HAAC cho biết.

Mưa sao băng. Ảnh: Nasa

Giống như hầu hết cơn mưa sao băng khác, Geminids thường đẹp nhất sau nửa đêm, khi trái đất hướng trực tiếp vào đường bay của thiên thạch. Nhưng một số màn bắn sao khác lại nhìn rõ hơn vào trước nửa đêm, bởi bức xạ của sao băng gần như vòng về phía cực, nên chúng sẽ nằm trong tầm nhìn ở phía chân trời cả đêm.

Hầu hết mưa sao băng được tạo ra từ các mảnh vỡ của những sao chổi già cỗi, nằm rải rác dọc theo quỹ đạo của sao chổi. Khi trái đất đi qua quỹ đạo của sao chổi, nó sẽ quét qua những mảnh vỡ này, và làm chúng nổi rõ lên khi ánh sáng xuyên qua bầu khí quyển.

Mưa sao băng Geminid độc đáo ở chỗ nó không liên quan tới một sao chổi mà là một hành tinh nhỏ có tên 3200 Phaethon.

Các chuyên gia tại Hội thiên văn Việt Nam khuyên người quan sát nên chọn địa điểm có góc nhìn rộng, không bị ánh đèn chiếu thẳng vào mắt; nên quan sát sau 12h đêm, lý tưởng nhất là từ 2 đến 4 giờ sáng ở tư thế nằm ngửa vì đó là tư thế tốt nhất để bạn luôn hướng ánh mắt lên bầu trời.

Người xem cần kiên trì, không nên nản lòng, bởi tần số xuất hiện sao băng có thể khoảng dưới 1 phút có 1 sao băng, có khi kéo dài đến hơn 15 phút nhưng có lúc vài sao băng thi nhau xuất hiện cùng lúc.

Hương Thu

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc