Home » Thế giới » Ai Cập chặn Internet, bạo lực gia tăng
Hai mạng xã hội phổ biến nhất tại Ai Cập bị chặn và chính phủ triển khai lực lượng đặc nhiệm trên đường phố để đối phó với cuộc biểu tình và bạo loạn đang lan rộng.

Lực lượng chống khủng bố – hiếm khi xuất hiện trên đường phố – xuất hiện tại các vị trí mang tính chiến lược ở thành phố Cairo sáng sớm nay, bao gồm quảng trường Tahrir, AP cho hay.

Một cảnh sát chống bạo động Ai Cập bắn về phía người biểu tình tại thành phố Suez hôm 27/1. Ảnh: AP

Việc thànch lập lực lượng đặc biệt cho thấy chính quyền của Tổng thống Hosni Mubarak sẽ mạnh tay hơn với làn sóng biểu tình lớn nhất trong thời kỳ cầm quyền gần 30 năm của ông.

Facebook và Twitter giúp những thủ lĩnh của cuộc biểu tình kêu gọi người ủng hộ tham gia và thông báo thời gian tuần hành. Nhưng vào tối qua người ta không thể truy cập vào hai mạng xã hội này, cũng như không thể sử dụng dịch vụ tin nhắn trên điện thoại di động.

Trên các diễn đàn chưa bị chặn, cư dân mạng dự đoán những cuộc biểu tình lớn nhất sẽ diễn ra hôm nay, bởi thứ sáu là ngày cầu nguyện quan trọng nhất trong tuần của các tín đồ Hồi giáo. Vài triệu người tập trung tại các thánh đường trong thành phố Cairo trong các thứ sáu. Vì thế các thủ lĩnh của cuộc biểu tình sẽ có thể huy động thêm hàng triệu người trong cuộc biểu tình hôm nay.

Bạo lực gia tăng hôm qua tại nhiều nơi bên ngoài thủ đô Cairo. Tại thành phố Suez, người biểu tình đốt một đồn cứu hỏa và lấy vũ khí để chống lại cảnh sát. Tại vùng Sheik Zuweid, hàng trăm người biểu tình đọ súng với cảnh sát khiến một thanh niên 17 tuổi thiệt mạng. Khoảng 300 người bao vây một đồn cảnh sát và bắn đạn vào đó.

Tổng thống Mubarak, 82 tuổi, chưa xuất hiện trước công chúng kể từ khi làn sóng biểu tình bắt đầu từ hôm 25/1.

Trong một diễn biến liên quan, thủ lĩnh phe đối lập Ai Cập là Mohamed ElBaradei, cựu giám đốc cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, đã về thủ đô Cairo. Ông kêu gọi tiến hành sự thay đổi và cam kết sẽ tham gia các cuộc biểu tình.

Biểu tình nổ ra từ ngày 25/1, là cuộc biểu tình lớn nhất ở Ai Cập kể từ năm 1977, bốn năm sau khi ông Mubarak lên nắm quyền từ đó đến nay. Người biểu tình phản đối tổng thống và đòi bộ trưởng nội vụ từ chức bởi cho rằng lực lượng an ninh quá mạnh tay; đòi chấm dứt lệnh tình trạng khẩn cấp vốn kéo dài hàng thập kỷ; đòi tăng lương tối thiểu và chấm dứt trình trạng giá thực phẩm tăng vọt như tên lửa.

Làn sóng biểu tình và bạo động ở Ai Cập được đánh giá là được tiếp sức từ “cách mạng hoa nhài” ở Tunisia, nơi lần đầu tiên một tổng thống Ả rập bị lật đổ bởi sức mạnh của nhân dân. Đất nước Bắc Phi này chìm trong bạo loạn sau các cuộc biểu tình dẫn đến cuộc tháo chạy của tổng thống Ben Ali. Biểu tình đã lan rộng khắp quốc gia Bắc Phi này để phản đối tình trạng thất nghiệp, giá cả lương thực leo thang và nạn tham nhũng.

Minh Long

Theo vnexpress

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc