Home » Thế giới, Tiêu Điểm » Đêm kịch tính lịch sử tại Ai Cập
Chính trường Ai Cập trải qua một đêm với những cảm xúc trái ngược. Người biểu tình chuẩn bị ăn mừng vì cho rằng Tổng thống Mubarak chắc chắn từ chức, nhưng ông vẫn “thách thức” họ khiến cả Mỹ cũng hết kiên nhẫn.

Biển người tại Quảng trường Tahrir ở Cairo đêm qua đã hào hứng trước niềm tin gần như chắc chắn rằng Tổng thống Mubarak sẽ từ chức ngay trong đêm trước sức ép của họ. Kịch bản ăn mừng được chuẩn bị sẵn và nhiều nhà quan sát nước ngoài cũng dự đoán rằng Mubarak sẽ “nhổ neo” sau 30 năm cầm quyền.

Nhưng bầu không khí phấn khích sớm bị dập tắt hoàn toàn khi ông Mubarak xuất hiện trên truyền hình. Ông khiến tất cả “ngã ngửa” khi tuyên bố sẽ vẫn tại vị và không rời đất nước bất chấp sức ép. Ông chỉ thừa nhận yêu sách của người biểu tình là hợp pháp và cam kết chuyển giao một số quyền hành cho phó tổng thống Omar Suleiman.

Đám đông biểu tình ở Cairo và khắp Ai Cập như bị dội một gáo nước lạnh và sự phấn khích chờ đợi chiến thắng của họ lập tức chuyển thành sự phẫn nộ. Họ cảnh báo đất nước sẽ bùng nổ bạo lực và tìm mọi cách kêu gọi quân đội đứng hẳn về phe mình để “giải quyết nhanh” số phận chính trị của Tổng thống Mubarak.

Người biểu tình tức giận vì tổng thống Mubarak không từ chức đêm qua. Ảnh: AFP
Người biểu tình tại quảng trường Tahrir tức giận vì tổng thống Mubarak không từ chức đêm qua. Ảnh: AFP

Rạn nứt quyết định

Trong khi đó, át chủ bài giúp ông Mubarak tại vị là lực lượng quân đội cũng bắt đầu có những diễn biến nhanh chóng. Mất sự ủng hộ của quân đội đồng nghĩa với việc sự nghiệp chính trị kéo dài 3 thập kỷ qua của ông sẽ chấm dứt. Nhưng đêm qua mối quan hệ sống còn này của Mubarak đã có rạn nứt và đây có thể là bước ngoặt của tình hình hiện nay.

Vài giờ trước bài phát biểu của ông Mubarak, Hội đồng Tối cao quân đội Ai Cập gồm các tướng lĩnh cấp cao do Bộ trưởng Quốc phòng Hussein Tantawi đứng đầu tuyên bố họ đã thực sự “dấn thân” để đảm bảo an ninh cho đất nước. Thông điệp này có tên gọi “Thông cáo số một” nên được hiểu như chỉ dấu về một cuộc đảo chính và đô đốc Tantawi cùng các tướng lĩnh đang nắm quyền kiểm soát đất nước.

Tuyên bố của ông Tantawi được phát trên truyền hình quốc gia với hình ảnh ông ngồi ghế chủ toạ một hội đồng gồm hàng chục tướng lĩnh cao cấp nhất. Tổng thống Mubarak và Phó tổng thống Suleiman, một cựu tướng lĩnh và giám đốc cơ quan tình báo quốc gia, không có mặt trong sự kiện này, càng cho thấy sự rạn nứt giữa quân đội với chính quyền.

Các tướng lĩnh Ai Cập còn phát đi thông điệp với đám đông hàng trăm nghìn người đang nêm chặt quảng trưởng Tahrir Cairo rằng tất cả yêu sách của họ sẽ sớm được đáp ứng. Tín hiệu này khiến người biểu tình vui sướng với ý nghĩ đã đến lúc chuẩn bị ăn mừng chiến thắng vì ông Mubarak sẽ từ chức ngay trong đêm.

Nhưng những gì diễn ra sau đó lại hoàn toàn trái với tuyên bố của quân đội. Người biểu tình chỉ biết ôm đầu và phẫn nộ khi ông Mubarak lên truyền hình tuyên bố không từ chức. Sự rạn nứt và khác biệt giữa quân đội và Tổng thống Hosni Mubarak đã thực sự lộ rõ. Điều này dẫn đến nhận định ông có thể sẽ mất sự ủng hộ của lực lượng mang tính quyết định này.

Phe đối lập cũng không bỏ lỡ cơ hội để khoét sâu vào sự khác biệt đang xuất hiện giữa quân đội và tổng thống. Chính trị gia từng đoạt giải Nobel Hoà bình Mohamed ElBaradei thuộc phe đối lập kêu gọi quân đội “phải bảo vệ đất nước ngay từ bây giờ” vì Ai Cập sẽ nổ tung do sự thách thức người dân của ông Mubarak.

Cho đến sáng nay, quân đội Ai Cập vẫn chưa có phản ứng nào sau tuyên bố tại vị của Tổng thống Mubarak, bất chấp ý kiến rõ ràng của họ. Trong khi đó, người biểu tình thể hiện sự tức giận bằng cách tuyên bố sẽ tập hợp một cuộc biểu tình còn rầm rộ hơn trong ngày thứ sáu. Do vậy, đêm qua chắc chắn vẫn chưa phải là thời điểm kịch tính nhất trong tình hình Ai Cập hiện nay.

Mỹ hết kiên nhẫn

Ngay sau thông điệp tại vị của ông Mubarak, Tổng thống Mỹ Barack Obama lập tức ra tuyên bố thể hiện thái độ gay gắt nhất kể từ đầu cuộc biểu tình tại Ai Cập. Ông chủ Nhà Trắng không nêu đích danh Mubarak nhưng chỉ trích chính phủ Ai Cập đã không “thúc đẩy con đường tiến tới dân chủ một cách rõ ràng và đáng tin cậy”, đồng thời có thái độ lập lờ với người dân.

Giới phân tích cho rằng tuyên bố của Obama thể hiện sự hết kiên nhẫn và thất vọng của Washington đối với Mubarak. “Có quá nhiều người Ai Cập vẫn không tin rằng chính phủ thực sự muốn chuyển tiếp lên dân chủ. Người dân Ai Cập được nói rằng sẽ có một cuộc chuyển đổi trong chính quyền, nhưng vẫn chưa có gì rõ ràng rằng việc này sẽ diễn ra ngay lập tức”, BBC dẫn lời tổng thống Mỹ.

Thái độ của Washington đối với chính phủ Mubarak đang bị người dân phản đối tại Ai Cập cũng cho thấy mối quan hệ đồng minh đã hết thời. Giai đoạn Mubarak được Nhà Trắng coi như một trụ cột trong chiến lược của Mỹ tại Trung Đông cũng như thế giới Ảrập đã thực sự trở thành quá khứ qua cái cách mà Washington đang thể hiện trước diễn biến tại Ai Cập.

Mỹ cũng không còn úp mở về ý muốn chế độ Mubarak sớm ra đi bằng sự can thiệp ngày càng sâu vào tình hình Ai Cập, với lời kêu gọi chính phủ nước này đẩy nhanh tốc độ và mức độ chuyển đổi chính trị mà Washington nhấn mạnh là “con đường tiến tới nền dân chủ”.

Sức mạnh tại Ai Cập hiện nghiêng về phe biểu tình của người dân nên việc Mỹ tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của họ cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, lợi ích của Mỹ tại Ai Cập sẽ bị đe doạ nếu chế độ Mubarak bị lật đổ theo kiểu cưỡng chế và lực lượng Hồi giáo cực đoan trỗi dậy sau nhiều năm bị kiểm soát. Do đó kịch bản mà Washington mong đợi nhất chính là việc chính phủ Ai Cập tự thay đổi bằng cách ông Mubarak tự nguyện ra đi.

Đình Nguyễn

Theo vnexpress

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc