Home » Kinh doanh » Lao động nước ngoài chật vật bám trụ tại Nhật
Maria Fransiska là một y tá trẻ, cần mẫn đến từ Indonesia. Những người như cô chính là đối tượng mà Nhật Bản muốn bổ sung vào lực lượng lao động đang già hóa của mình.

Vậy mà cô vẫn phải gắng sức bám trụ. Để được gia hạn làm việc tại một bệnh viện ở ngoại ô Tokyo, cô phải vượt qua kỳ sát hạch về điều dưỡng của Nhật Bản. Bài thi khó đến mức trong số 600 y tá đến từ Indonesia và Philippine từ năm 2007, chỉ 3 người vượt qua.

Do vậy, Fransiska dành đến 8 giờ một ngày để học tiếng Nhật. Cô rất quyết tâm vì với mức lương khởi điểm 2.400 USD một tháng đã gấp 10 lần thu nhập tại quê nhà. Nếu trượt, cô sẽ không bao giờ có thể được làm việc trong lĩnh vực này ở Nhật nữa. “Tôi nghĩ mình có lý do để làm việc ở đây. Nếu có thể, tôi sẽ định cư lâu dài ở Nhật Bản, nhưng mọi việc đâu dễ dàng như vậy”, Fransiska vừa chăm sóc cho một bệnh nhân cao tuổi vừa nói.

“Nhật Bản đang cần đến lao động ngoại quốc trong lĩnh vực y tế, thế nhưng vẫn có những rào cản. Mục đích của kỳ sát hạch là để loại ra lực lượng lao động này”, Yukiyoshi Shitani, Giám đốc công ty dịch vụ y tế Aoikai Group, cho biết.

Y tế
Y tế là một trong những lĩnh vực Nhật Bản cần đến lao động ngoại quốc, nhưng họ vẫn tạo ra rào cản đối với nguồn lao động này. Ảnh: New York Times

Tuy phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động vì dân số già, Nhật Bản vẫn khá e dè với với người nhập cư. Trên thực tế, chính phủ chủ động khuyến khích cả lao động nước ngoài và du học sinh trở về nước. Với trường hợp của Fransiska, hiệp hội điều dưỡng địa phương lo ngại số y tá nước ngoài tăng sẽ làm giảm lương bổng trong ngành này.

Năm 2009, lần đầu tiên, lượng người nước ngoài đăng ký tại Nhật Bản đã giảm 1,4% xuống còn 2,19 triệu người so với năm trước đó, chiếm khoảng 1,71% trong số dân 127,5 triệu người của Nhật.

Theo các chuyên gia, việc tăng lượng người nhập cư là biện pháp hữu hiệu thúc đẩy nền kinh tế vốn trì trệ trong suốt hai thập kỷ. Tuy nhiên, thay vì tiếp nhận nguồn lao động trẻ thì dường như Tokyo lại chấp nhận một cuộc khủng hoảng về nhân khẩu học. Cuộc khủng hoảng này có thể kìm nén sự phát triển kinh tế, cản trở những nỗ lực làm giảm thâm hụt ngân sách và phá sản trong hệ thống an sinh xã hội.

Tan Soon Keong là một sinh viên người Malaysia. Cậu có thể nói được 5 thứ tiếng gồm Anh, Nhật, Trung, Quảng Đông và Phúc Kiến. Cậu có bằng kỹ sư và 3 năm kinh nghiệm làm việc trong nước. Nhưng như vậy vẫn chưa thấm vào đâu đối với các công ty Nhật Bản.

Sắp tới, cậu sẽ tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật tại một trường đại học ở ngoại ô Tokyo. Song, cậu nói rằng mình vẫn không tự tin để tìm việc ở đây vì nhiều công ty đặt ra giới hạn tuổi tối đa đối với người mới ra trường. Nhiều nơi cho là cậu quá già để nhận vào làm, nơi khác lại nói không tuyển người ngoại quốc trong năm nay.

“Tôi đang nghĩ tới khả năng phải quay về Malaysia. Nơi làm việc lý tưởng với tôi là những công ty như Toyota, nhưng xem ra điều đó thật khó khăn”, Tan chia sẻ.

Theo hãng tuyển dụng Mainichi Communications, năm 2008, trong số 130.000 du học sinh tại Nhật thì chỉ 11.000 người tìm được việc ở nước này. Một số doanh nghiệp Nhật trên lý thuyết thì nói sẽ tuyển người nước ngoài để đa dạng hóa lực lượng lao động, nhưng thưc tế lại rất ít.

Nhật Bản đang mất dần lao động có chuyên môn trên nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, các ngân hàng đầu tư đang dần thuyên chuyển nhân viên tới những trung tâm như Hong Kong hay Singapore. Đây là những nơi có chính sách về thuế và nhập cư thân thiện hơn với người nước ngoài, chi phí sinh hoạt rẻ và người dân cũng thạo tiếng Anh hơn.

Lượng người nước ngoài xin thường trú đã giảm từ 49% năm 2009 so với năm trước đó xuống còn 8.905 người. Vì muốn thường trú tại Nhật, người lao động phải có chuyên môn cao nên điều này thể hiện họ có khả năng vững vàng.

Tại Nhật Bản, những điều luật nhập cư khắt khe ngăn các nông trang cũng như nhà máy tiếp cận với lao động nước ngoài. Điều đó khiến một số nơi phải lạm dụng lao động thực tập từ những nước đang phát triển hay thuê mướn người nhập cư bất hợp pháp. Yêu cầu về trình độ chuyên môn ngặt nghèo lại ngăn cản những chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm. Trong khi đó, cả một hệ thống những quy định và thủ tục phức tạp cũng làm nản lòng những doanh nghiệp muốn đầu tư vào đây. Với triển vọng nghề nghiệp mờ mịt, các trường đại học ở Nhật cũng khó thu hút sinh viên ngoại quốc.

Theo dự báo của chính phủ, trong vòng 50 năm tới, dân số của Nhật Bản sẽ giảm khoảng một phần ba xuống còn 90 triệu người. Đến năm 2055, cứ ba người Nhật thì lại có hơn một người trên 65 tuổi. Khi đó, số người trong độ tuổi lao động cũng giảm hơn một phần ba xuống còn 52 triệu người.

“Dân số sụt giảm là vấn đề lớn nhất. Nhật Bản đang đấu tranh cho sự sinh tồn của mình. Nước Mỹ bất chấp khó khăn vẫn tỏ ra đầy sức sống vì họ thu hút nhân lực từ khắp nơi trên thế giới. Còn Nhật Bản thì lại hài lòng với tất cả, chỉ trừ người nhập cư”, Hidenori Sakanaka, Giám đốc Viện Chính sách Nhập cư Nhật Bản, cho biết.

Năm 2008, khi Đảng Dân chủ Tự do đề ra kế hoạch kêu gọi Nhật Bản chấp nhận ít nhất 10 triệu người dân nhập cư thì các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy đa số người Nhật đều phản đối. Mới đầu năm nay, theo một khảo sát trên 2.400 cử tri của nhật báo Asahi Shimbun, 65% số người được hỏi không đồng tình với một chính sách thoáng hơn với người nhập cư.

Hiện tại, cùng với chính sách và thái độ không mấy mặn mà với lực lượng này, những khó khăn của nền kinh tế Nhật lại càng khiến cho số người ngoại quốc ít ỏi đã định cư ở đây có lý do để bỏ đi.

Akira Saito, 37 tuổi, là một người Brazil gốc Nhật tới từ Sao Paolo. Anh đã tới làm việc cho Toyota được 20 năm và giờ đây đang có ý định ra đi. Hãng bảo dưỡng ô tô nhỏ của anh đang phải làm ăn chật vật. Còn cửa hàng quần áo nơi người vợ Brazil của anh làm việc cũng sẽ sớm phải đóng cửa. Ba đứa con nhỏ của họ chỉ là số ít còn lại trong ngôi trường của người Brazil tại đó. “Tôi tới Nhật Bản để tìm kiếm cơ hội. Nhưng sau, tôi nhận ra ở quê nhà còn có nhiều cơ hội hơn”, anh chia sẻ.

Nhật Bản nhận được sự ngưỡng mộ nhờ công nghệ tiên tiến hàng đầu, nền văn hóa giàu bản sắc, thị trường tiêu dùng phát triển, và cả cơ hội kinh doanh tưởng như vô tận. Thế nhưng, đất nước này lại đang đánh mất sức hút của riêng mình.

An Lâm (theo New York Times)

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc