Home » Kinh doanh » ‘Còn độc quyền thì chưa thể có giá thị trường’
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, việc thả nổi giá theo thị trường của các tập đoàn nhà nước là không đơn giản vì vẫn còn tình trạng độc quyền.

Ông nhận định thế nào về tác động của việc điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước vừa qua?

ảnh: HL
Ông Nguyễn Đức Thành Ảnh: Hoàng Lan.

– Tôi cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá có thể kết nối hai thị trường tự do và chính thức lại đồng thời làm cho việc lưu thông ngoại tệ tốt hơn, nhưng có điều không ổn là giá cả lại bị đẩy lên cao. Ngoài ra, sau khi điều chỉnh thì thì giá xăng dầu sẽ bị tác động mạnh do phụ thuộc vào giá thế giới. Cộng thêm sự biến động tình hình chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi thì giá dầu và giá vàng sẽ còn thay đổi.

Việc điều chỉnh tỷ giá đến 9,3% như vậy sẽ ảnh hưởng thế nào đến lạm phát thưa ông?

Tôi cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá mạnh như vậy có phần hơi bị động. Trong lịch sử, chúng ta chưa điều chỉnh tỷ giá cao đến thế. Điều này sẽ tăng áp lực lên lạm phát và ảnh hưởng đến tâm lý người dân. Năm nay là năm điều chỉnh các thị trường cơ bản là điện, than và xăng nên lạm phát sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt sang tháng 5, Chính phủ sẽ điều chỉnh tiền lương. Tôi cho rằng, sang tháng 6, mặt bằng giá mới sẽ thiết lập.

Với sự điều chỉnh tỷ giá và giá nhiều mặt hàng tăng cao như hiện nay thì dự báo kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ ra sao thưa ông?

– Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2011 khoảng 7- 7,5% và kiềm chế lạm phát khoảng 7%. Tôi cho rằng mục tiêu đề ra là khó đạt được. Bởi nếu muốn đạt được các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như hiện nay thì sẽ phải dùng những chính sách rất mạnh. Trong một nền kinh tế chịu quá nhiều áp lực về chính sách như Việt Nam thì dư địa chính sách của chúng ta không còn nhiều.

Năm 2009, chúng ta sử dụng dư địa của chính sách tài khóa, 2010 chúng ta sử dụng nốt dư địa của chính sách tiền tệ. Năm 2011 này, tôi cho rằng kiềm chế lạm phát ở mức 7% là khó thực hiện. Theo tôi, mức tăng trưởng năm nay sẽ thấp, khoảng dưới 5%.

Việc các tổng công ty và tập đoàn lớn thi nhau đòi tăng giá các mặt hàng thiết yếu được coi là nguyên nhân gây lạm phát tăng cao. Ông có nhận xét gì về việc này?

– Trong năm 2010, chúng ta nhận thức rõ vấn đề về lạm phát. Đầu năm chúng ta định ra chỉ tiêu lạm phát dưới một con số nhưng đến cuối năm nó thành ra hai con số. Các doanh nghiệp Nhà nước nói nếu không được bơm tín dụng thì họ sẽ chết và chúng ta đã không ngừng đưa tín dụng vào cho họ. Tôi cho rằng đây chính là nguyên nhân cơ bản thúc đẩy lạm phát tăng cao.

Hiện nay các tập đoàn nhà nước đang đòi thả nổi giá theo thị trường. Nghe có vẻ hay nhưng tôi cho rằng để làm được điều này không đơn giản. Bởi khó nhất vẫn là tạo được thị trường cho chính các mặt hàng mà tập đoàn Nhà nước đang giữ thế độc quyền.

Thực tế, khi có sự độc quyền thì không thể có giá thị trường được và chỉ có người tiêu dùng bị thiệt. Khái niệm thị trường lúc này chỉ mang tính chất danh nghĩa mà thôi. Tôi cho rằng việc thả theo giá thị trường không phải là vấn đề thời cuộc hiện nay mà nó là cả quá trình lâu dài. Điều quan trọng là phải tạo thị trường tức là tăng tính cạnh tranh cho mặt hàng đó.

Hoàng Lan

Theo vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc