Home » Kinh doanh » Giá hàng hóa rục rịch tăng

Tỉ giá tăng hơn 2% đã nhanh chóng tác động đến giá cả nhiều mặt hàng. Rau, củ, quả… thì tăng giá “ăn theo”

Giá hàng điện máy nhập khẩu bắt đầu tăng do tỉ giá USD tăng. Ảnh: XUÂN THẢO

Sau khi Ngân hàng (NH) Nhà nước công bố quyết định điều chỉnh tỉ giá liên NH tăng hơn 2% (từ 18.544 đồng/USD lên 18.932 đồng/USD, áp dụng từ ngày 18- 8) và giữ nguyên biên độ ±3%, thị trường hàng hóa đã có phản ứng bất lợi. Một số mặt hàng như sắt, thép, gas… đã tăng giá và theo nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh tại TPHCM, không ít mặt hàng sẽ tăng giá trong nay mai.

Hàng nhập bị tác động mạnh

Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty TNHH và TM Thép Việt, cho biết: Trước đó, ngày 9-8, giá xăng dầu tăng từ 350 đồng – 450 đồng/lít đã làm chi phí sản xuất tăng lên. Nay tỉ giá USD tăng thêm hơn 2%, trong lúc giá phôi thép tiếp tục tăng buộc các doanh nghiệp (DN) phải điều chỉnh tăng giá thép ngay 300.000 đồng/tấn.

Cũng theo ông Thái, với giá bán hiện nay, DN sản xuất thép vẫn bị lỗ khoảng 700.000 đồng/tấn. Còn theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, sở dĩ DN chưa dám tăng giá mạnh là do hiện sức tiêu thụ thép đang rất yếu. “Tuy nhiên, với tình hình như hiện nay, giá thép sẽ còn tiếp tục tăng là khó tránh khỏi”- ông Nghi khẳng định.

Cũng ngay sau khi tỉ giá mới liên NH được công bố, dù chưa hết tháng, nhưng các công ty kinh doanh gas đã lập tức điều chỉnh giá gas tăng 4.000 đồng – 6.000 đồng/bình 12 kg (lâu nay nếu không có gì đặc biệt, các công ty gas thường thông báo giá mới vào đầu mỗi tháng).

Theo các hãng gas, việc tăng giá gas bán lẻ lần này chủ yếu là do tỉ giá USD tăng bởi lâu nay họ mua gas, dù là gas nhập khẩu hay gas trong nước sản xuất, đều tính bằng USD. Ông Lê Phúc Đại, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Việt, cho hay dù là mua gas trong nước sản xuất nhưng các hãng gas không được ký hợp đồng giá ổn định mà bị tính theo kiểu “bơm gas ngày nào tính theo tỉ giá ngày đó” nên khi tỉ giá tăng sẽ ảnh hưởng ngay đến chi phí đầu vào của các hãng gas…

Nhóm mặt hàng điện máy cũng đã bị tác động nhanh chóng. Ông Lê Vĩ Đông, Phó Giám đốc Công ty Tin học Viễn thông An Phát (TPHCM), bức xúc: Lâu nay DN thường mua USD với giá khoảng 19.200 đồng/USD, nay phải mua với mức giá trên dưới 19.600 đồng/USD, tức chênh lệch đến 400 đồng/USD, buộc DN phải điều chỉnh tăng giá bán ít nhất là 2%.

Theo thông tin từ các trung tâm điện máy tại TPHCM, giá nhiều mặt hàng điện gia dụng đã tăng 2%, điện lạnh tăng 3%; riêng mặt hàng máy tính xách tay tăng 5% đến 7%. Mặt hàng tivi LCD tăng giá từ một đến vài triệu đồng/cái…

Hàng trong nước đua theo

Nhiều siêu thị trên địa bàn TPHCM cho hay từ đầu tháng 8 đến nay, đã có nhiều mặt hàng tăng giá như nhựa gia dụng tăng khoảng 4%, hàng may mặc tăng trên 10%, các mặt hàng thực phẩm, đồ hộp, bánh kẹo cũng đã tăng từ 5%-10%… Ông Huỳnh Hữu Tuấn, quản lý siêu thị Citimart, tiết lộ một số nhà phân phối lại vừa có thông báo là sẽ tăng giá trong nay mai do giá nguyên liệu tăng, chi phí sản xuất cũng tăng cao…

Ông Võ Văn Đức Bảy, Phó Giám đốc Công ty Nhựa Chợ Lớn, giải thích sức tiêu thụ mặt hàng nhựa hiện đang rơi vào mùa thấp điểm nhưng do tỉ giá USD, giá xăng dầu tăng nên chi phí sản xuất, vận chuyển bị đẩy lên khiến giá bán các mặt hàng nhựa trên thị trường cũng bắt đầu tăng theo.

Nhiều mặt hàng vốn rất ít bị tác động trực tiếp từ tỉ giá USD như rau củ quả, các loại thực phẩm tươi sống nhưng cũng như những lần trước, hiện tượng tăng giá “ăn theo” cũng đang diễn ra. Giá nhiều mặt hàng rau củ tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm ở TPHCM đã tăng 500 đồng- 1.000 đồng/kg, tùy loại (bông cải xanh 13.500 đồng/kg, cà chua 7.700 đồng/kg, cà rốt 11.700 đồng/kg…). Tại các chợ lẻ, giá rau, củ cũng được đẩy lên vài ba ngàn đồng/kg.

Áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia: Việc tăng tỉ giá USD vừa có mặt tốt nhưng cũng có nhiều tác động bất lợi.

Mặt tích cực là khi tỉ giá USD tăng sẽ hỗ trợ nhiều cho xuất khẩu, hạn chế nhập siêu và hạn chế đầu cơ ngoại tệ; bảo đảm dự trữ ngoại hối quốc gia, tỉ giá phản ánh đúng quan hệ cung – cầu… Còn tác động xấu là gây thêm áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng; niềm tin vào giá trị đồng tiền VN bị giảm sút; nợ công, nợ nước ngoài sẽ khó khăn hơn…

Cũng theo ông Trần Hoàng Ngân, trong tình hình hiện nay, cần quản lý cho được bài toán nhập siêu để ổn định vĩ mô, có chính sách nhập khẩu phù hợp; giảm chi phí vay vốn của DN; nâng cao năng lực sản xuất trong nước để cân bằng cán cân thương mại…

Theo xaluan.com

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc