Home » Kinh doanh » “Cơn sốc giá dầu” có dẫn đến khủng hoảng toàn cầu mới?
Giá dầu tăng vọt trong năm 2008 đã dẫn đến sự đổ vỡ hàng loạt trên thị trường tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Người ta lo ngại rằng lịch sử đang lặp lại.

oil

Nội chiến ở Lybia, Tổng thống Tunesia và Tổng thống Ai Cập từ chức, biểu tình ở Yemen và Bahrain kéo dài cả tuần… Thậm chí, tại Saudi Arabia – nước xuất khẩu dầu mỏ số 1 thế giới, những người phản đối cũng đã công bố sẽ tổ chức các cuộc biểu tình vào ngày 11/3 tới.

Cơn sốc dầu mỏ có xuất phát điểm từ các nước Arập đang đụng chạm trực tiếp đến túi tiền của những người đi xe máy trên toàn thế giới, khi giá dầu thô có lúc đã leo lên tới 119,79 USD/thùng trong tuần qua.

Giá dầu phi mã và các thị trường chứng khoán mất điểm nghiêm trọng chính là một thứ hỗn hợp nổ làm bùng lên một cuộc khủng hoảng toàn cầu mới. Không ít người lo ngại khả năng lặp lại tái tình hình của năm 2008. Năm đó, giá dầu có lúc đã leo lên đến 147 USD/thùng và chưa đầy 6 tháng sau, thế giới sa vào một cuộc suy thoái chưa từng có: các thị trường chứng khoán đổ vỡ, nhiều ngân hàng đứng trước nguy cơ phá sản.

Người ta lo ngại “cơn sốc giá dầu” hiện nay có thể làm tiêu tan đà phục hồi kinh tế toàn cầu vốn đã khá mong manh. Liệu sự hồi phục đôi chút trên các thị trường chứng khoán có bị tiêu tan? Liệu có xảy ra một làn sóng đổ vỡ ngân hàng nữa?

Kể từ mấy ngày nay, người ta lo ngại “dầu mỏ có thể thành kẻ hủy diệt tăng trưởng”. Bởi vì giá dầu đang tấn công ngưỡng 120 USD/thùng, ngưỡng đặc biệt nguy hiểm có thể dẫn đến một đợt suy thoái kinh tế toàn cầu nữa.
Trên thực tế, giá dầu vốn là một tác nhân quan trọng đến “sức khỏe” của nền kinh tế toàn cầu. Hiện thời, thế giới đã phải chi tới 4% tổng thu nhập của mình cho dầu mỏ, cao gấp đôi so với cách đây một năm rưỡi. Và đáng sợ hơn là nếu giá dầu tăng thêm 20 USD/thùng, thế giới sẽ phải mất thêm 1% tổng GDP nữa.

Chuyên gia Felix Neugarth của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) ước tính: “Giá dầu tăng 1% sẽ khiến cho kinh tế Đức mất đi nửa tỷ euro”. Tình hình ở Mỹ cũng không kém bi đát. Nếu giá dầu thế giới tăng thêm 1 USD, giá xăng dầu ở Mỹ tăng thêm trung bình 0,025 USD. Đối với người tiêu dùng Mỹ, điều này tương tự như việc chính phủ tăng đánh thuế thu nhập cá nhân tới 1,2 tỷ USD.

“Cơn sốc dầu lửa” còn tác hại nghiêm trọng hơn đến các nước đang phát triển. Các nước này hiện đang chật vật đối phó với giá lương thực và lạm phát leo cao, dẫn đến bất ổn xã hội. Bây giờ, giá dầu nhập khẩu tràn bờ sẽ khiến cho giá nhiên liệu (kéo theo lạm phát) leo cao hơn nữa, buộc các ngân hàng trung ương phải nâng lãi suất đồng nghĩa với bóp nghẹt tăng trưởng.

Có một điều may mắn là so với năm 2008, các nước sản xuất dầu hiện có công suất khai thác cao hơn nhiều. Trong khi năm 2008 các nước sản xuất dầu chỉ dư thừa công suất khai thác ít hơn 2 triệu thùng dầu/ngày, năm nay con số này đã lên tới 5 triệu thùng, nhiều gấp bội công suất khai thác của Lybia. Người ta cũng hy vọng giá dầu mỏ sẽ trở lại mức có thể chấp nhận được, một khi tình hình ở một số nước sản xuất dầu bình ổn trở lại.

Khốn nỗi “Thanh gươm Damocles” vẫn còn đang lơ lửng trên đầu các thị trường chứng khoán. Xét theo nhiều khía cạnh, tình trạng nợ công ngày càng trầm trọng đang khiến cho trái phiếu Mỹ không còn là “bến cảng an toàn” đối với các nhà đầu tư như trước.

Không phải là chuyện ngẫu nhiên, khi nhà phân tích Dambisa Moyo từng làm việc cho Goldman Sachs lại cho ra một cuốn sách kêu gọi nước Mỹ nên chấm dứt vay nợ tràn lan. Trong khi đó, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s lại hạ điểm tín dụng của Nhật Bản. Ngay cả khi tình hình Trung Cận Đông trở nên bình ổn và giá dầu lại hạ xuống, tương lai của kinh tế thế giới cũng như của các thị trường chứng khoán vẫn còn khá bấp bênh, mờ mịt.

Đối với các nhà đầu tư chứng khoán, có một điều rõ ràng là thời kỳ kiếm tiền dễ dàng đã trôi qua.

Minh Bích
(theo tamnhin, Welt.de)
Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc