Home » Xã hội » Đội quân ‘cái bang’ vào mùa làm ăn
Đầu năm, các đền chùa, miếu mạo ở xứ Nghệ tấp nập “đệ tử cái bang”. Sau câu chúc mừng năm mới, những người hành khất ăn mặc rách rưới liền ngửa mũ, nón, chai lọ trước mặt khách để xin tiền mừng tuổi hoặc xin lộc.


*Ảnh: ‘Cái bang’ đổ xô đến các chùa chiền

Đền Chợ Củi thuộc huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) được tiếng là linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ nên những ngày đầu năm, có hàng chục nghìn du khách đến vãn cảnh, hành lễ, xin lộc và cầu an. Ngay từ con đường nhỏ dẫn vào đền, bên cạnh các cửa hàng bày bán đồ lễ, cây lộc, đổi tiền lẻ, viết sớ… là rất nhiều người hành khất ngồi ngửa mũ, nón, chai lọ xin tiền.

Đa số là các cô cậu bé, hoặc cụ già hoàn toàn khỏe mạnh, nhà ở xung quanh đền, một số là người tàn tật, phải ngồi xe lăn. Hễ có khách vào, họ lại cầm mũ, nón, xoong, chậu tiến đến, miệng nói “chúc mừng năm mới, chúc anh (chị) bình an, mạnh khỏe…”, sau đó là điệp khúc xin tiền “mừng tuổi” hoặc “xin lộc” đầu năm. Trước lời ngon ngọt kiểu này, rất nhiều du khách đã móc tiền lẻ để cho.

Người ăn xin ngồi la liệt bên lối vào đền Chợ Củi (Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Ảnh: Nguyên Khoa.

Nằm cách đền Chợ Củi không xa, đền Hoàng Mười thuộc huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) cũng tấp nập đội quân hành khất hành nghề dọc đường vào. Những người này ăn mặc rách rưới với đủ già, trẻ, gái, trai nằm la liệt cạnh đường đi. Nhiều người khỏe mạnh mang theo con nhỏ và cố tạo vẻ đau khổ vì bệnh tật để xin tiền, xin lộc của du khách.

Ở thành phố Vinh, đội quân hành khất cũng hoạt động khá rầm rộ tại các khu di tích, danh thắng. Tại đền Hồng Sơn, khi có khách, những người hành khất nằm vật vã trước cổng để xin tiền. Khi vắng khách, họ tụ tập nói chuyện rôm rả, bình luận về những vị hào phóng và sẵn sàng chửi tục khi khách không cho tiền.

Sáng 11/2 (tức mùng 9 Tết), vừa bắt đầu bước vào đền Hồng Sơn để làm lễ, một du khách ở phường Bến Thủy rất khó chịu khi nghe được câu chuyện của hai người ăn xin với nội dung “lúc tối uống quá nhiều rượu nên sáng nay ra đền đi xin muộn quá”. Một số khác lại bất bình khi chứng kiến cảnh một phụ nữ ăn mặc rách rưới, đội mũ trùm nửa mặt, tay cầm ca để ăn xin, tay móc điện thoại ra gọi và cười nói…

Chị Nguyễn Thị Mai, một du khách từ Hà Nội về làm lễ ở đền Chợ Củi bức xúc: “Người ăn xin nhiều quá, mấy đứa này hoàn toàn khỏe mạnh nhưng không hiểu sao vẫn cứ đi xin. Chúng tôi chỉ thông cảm với những người thật sự hoàn cảnh, mất sức lao động và đặc biệt lên án những người ăn xin trá hình”.

Nhiều du khách hào phóng cho tiền người ăn xin. Ảnh: Nguyên Khoa.

Các ban quản lý khu di tích hiện rất lúng túng bởi lượng người hành khất quá nhiều trong khi lực lượng kiểm soát lại mỏng. Du khách đầu năm đông nghìn nghịt nên công tác đảm bảo an ninh, trộm cắp, chống cháy nổ…, được chú trọng hơn là việc đẩy đuổi người hành khất ra khỏi các khu di tích, các điểm tâm linh.

Ông Bùi Quang Phương, Phó phòng văn hóa thành phố Vinh, Trưởng ban quản lý khu di tích đền Hồng Sơn cho biết, hầu như ngày nào cơ quan chức năng cũng đẩy đuổi, ngăn chặn người ăn xin hành nghề trong khuôn viên đền. Nhưng đẩy ở nơi này họ lại chạy đến nơi khác, nhiều người còn trà trộn giả làm du khách để vào trong đền hành nghề.

“Việc cấm những người ăn xin hành nghề ở các điểm tâm linh hiện nay như bắt cóc bỏ đĩa, về lâu dài chính quyền địa phương những nơi có di tích cần ban hành các chính sách cụ thể và giải quyết tận gốc như đưa họ về quê hoặc đưa vào sống tập trung ở các cơ sở xã hội, đào tạo nghề cho họ, tuyệt đối ngăn cấm người ăn xin xuất hiện ở nơi công cộng… Đặc biệt du khách đi lễ ở các đền, chùa cũng nên tỉnh táo với những người hoàn toàn khỏe mạnh nhưng cố tình đóng kịch để đi ăn xin”, ông Phương kiến nghị.

Hà Nguyên Khoa

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc