Home » Nhịp sống trẻ » Giám đốc tuổi mèo và thành tích đáng nể
Học hết lớp 9, Nguyễn Hữu Năm phải nghỉ học vì nhà nghèo lại đông con, nhưng chàng trai đất Chương Mỹ (Hà Nội) đã xuất sắc giành nhiều giải thưởng sáng tạo trẻ và hiện là chủ công ty chuyên về chế tạo máy.

Tuổi Đinh Mão, Nguyễn Hữu Năm luôn thể hiện là “chú mèo” chăm chỉ. Ngay từ nhỏ, giúp đỡ bố mẹ việc đồng áng cũng như làm thêm mây tre đan, Năm luôn thắc mắc tại sao người nông dân phải bỏ nhiều sức lực. “Có cách nào để giảm bớt vất vả” là câu hỏi cậu học trò nghèo luôn trăn trở.

Thông minh, ham học, nhưng vì nhà đông con (tới 6 anh chị em) nên tới năm lớp 9 Năm phải nghỉ học để cùng bố mẹ lao động nuôi sống gia đình, phụ các em ăn học. Không được đến trường, Năm không thôi tìm tòi. Cái ước mơ giúp nông dân bớt khổ luôn âm ỉ trong cậu. Buông tay việc đồng áng, chàng trai làng lại lấy đồ hỏng trong nhà ra tháo, lắp, tìm hiểu cấu tạo, quy trình hoạt động của nó.

“Những lúc không có đồ cũ, mình lấy đồ dùng ra tháo lắp khiến cả nhà kêu ầm. Vậy là đành gom tiền, ra chợ trời mua đồ về mày mò tự học”, Năm kể.

Năm 2005, con robot đầu tay của Năm với tên gọi DN5 được gửi dự thi “Ý tưởng sáng tạo dành cho thanh thiếu niên toàn quốc lần thứ nhất”. Thật bất ngờ, robot với khả năng cẩu trục làm bằng phế liệu và các linh kiện điện tử mua ở chợ trời đã vượt qua 227 sáng chế giành giải nhất. Sản phẩm của Năm sau đó còn được lựa chọn tham dự triển lãm sáng tạo quốc tế tổ chức tại Ấn Độ.

Năm 2010, Năm được Thành Đoàn Hà Nội tuyên dương gương mặt trẻ thủ đô tiêu biểu. Ảnh: Hoàng Thùy.

Với thành tích này, Năm vinh dự nhận được bằng khen của Hội đồng Đội trung ương cùng Quỹ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC). “Vinh dự nhất là sau đó mình được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, Năm nói.

Giành giải thưởng là động lực tiếp thêm sức mạnh để Năm càng kiên trì, mày mò sáng tạo những ý tưởng mới. Năm 2006, cậu chế tạo robot có chức năng chống lật cho ôtô mang tên DC26. Được làm từ đầu video hỏng của hàng xóm, mấy mảnh gỗ thừa của gia đình, sản phẩm này đã được nhận giải khuyến khích.

Không dừng lại ở đó, Năm quan sát việc làm gỗ của những người thợ mộc ở quê, thấy họ phải vất vả dùng sức bào gỗ, vậy là cậu mày mò tìm cách giúp đỡ. Sau nhiều lần tháo lắp, năm 2006, chiếc máy bào gỗ ra đời. Người thợ mộc thay vì cặm cụi làm bằng tay đã được máy hỗ trợ từ bào đến xẻ gỗ. Cậu đã bán được 5 sản phẩm với giá 750.000 đồng mỗi chiếc.

Đầu năm 2007, nghĩ rằng công việc của mình cần phải “đưa vào quy củ”, cậu trai làng 19 tuổi thuyết phục gia đình cho vay vốn để mở xưởng cơ khí. Thương con, bố mẹ đã phải bán ruộng, thu được 28 triệu đồng giao cho Năm. “Cầm số tiền trong tay, vừa mừng, vừa tủi, tôi quyết tâm phải cố gắng để không phụ lòng bố mẹ”, Năm bùi ngùi.

Năm lấy tên mình đặt cho xưởng, một mặt xoay vốn, một mặt tập hợp thanh niên trong làng đào tạo cho họ thành thợ hàn, thợ lắp ráp, thợ tiện… Còn cậu tiếp tục nghiên cứu chiếc máy thái sắn giúp bà con nông dân. Sau hơn một năm lắp ráp, máy đã ra đời với công suất thái 2 tấn một giờ. Hai cơ sở chế biến nông phẩm đặt mua với giá 20 triệu đồng mỗi máy. Về sau, máy được cải tiến với công suất cao hơn.

Quen tay, quen nghề, Năm từng bước thiết kế máy đòi hỏi kỹ thuật cao như máy đục thủy lực, soi trục đứng… Và chỉ một năm sau khi ra đời, xưởng cơ khí của chàng trai quê Chương Mỹ đã sản xuất thành công hơn 40 loại máy cơ khí. So với máy móc có cùng chức năng nhập khẩu từ nước ngoài, sản phẩm của Năm có giá thành rẻ hơn nhiều lần.

Đầu năm nay, khi đã mở rộng được thị trường, Năm quyết định mở rộng xưởng, thành lập Công ty CTM (chế tạo máy). Cậu cũng đi học thêm đồ họa và tiếng Anh để có thể thiết kế sản phẩm trên máy tính.

Với những thành công của mình, Năm sở hữu rất nhiều bằng, giấy khen. Năm 2009, cậu được Ban chấp hành trung ương Đoàn trao tặng danh hiệu người thợ trẻ giỏi toàn quốc, được chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ tặng giấy khen và là một trong 10 gương mặt trẻ thủ đô tiêu biểu năm 2010.

Bật mí về bí quyết thành công, Năm chia sẻ: “Mình không được học nhiều nên thường đến các xưởng cơ khí xem họ sản xuất và vận hành máy móc, từ đó về mày mò làm theo. Mình nghĩ làm việc gì cũng cần đam mê và cố gắng”.

Hoàng Thùy

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc