Home » Xã hội » Hàng quán “chặt chém” sau Tết

Sau Tết, giá thực phẩm vẫn còn cao nhưng đã “hạ nhiệt” so với trước Tết, đặc biệt là các loại rau xanh. Nhiều quán ăn đã mở cửa từ mùng 1 Tết và tự động tăng giá gấp đôi gấp ba ngày thường.

Khảo sát nhanh trên thị trường cho thấy: Từ chiều ngày mùng 1 Tết đã lác đác có người “mở hàng” bán rau ở một số điểm bán nhỏ lẻ phục vụ khách hàng. Tuy nhiên bắt đầu từ mùng 3, mùng 4 Tết trở đi thì các chợ mới họat động nhộn nhịp hơn.

Hàng hóa bày bán không dồi dào như trước Tết, phổ biến vẫn là các loại rau xanh, thịt tươi sống. Sức mua chưa mạnh và nguồn cung cũng không quá nhiều nên mức giá về cơ bản vẫn ổn định ở mức cao, có một số mặt hàng đã hạ nhiệt.

Cụ thể: Giá cải ngọt có giá 10.000 -11.000 đồng/kg (trước Tết giá 12.000-13.000 đồng/kg, ngày giáp Tết lên tới 14.000 đồng/kg); giá cà chua loại 1 là 15.000 đồng/kg (trước Tết mức giá cà chua là 16.000 -18.000 đồng;kg); rau cần 8.000 đồng/bó, giảm 2.000 đến 3.000 đồng/bó so với thời điểm trước Tết.

Hàng quán chặt chém sau Tết
Sau Tết, giá các loại rau xanh đã bắt đầu “hạ nhiệt”. Các loại thịt tươi sống, hải sản vẫn duy trì ở mức cao. Nhiều hàng quán mở cửa sớm tha hồ chặt chém khách khi tự động tăng giá gấp đôi gấp 3 ngày thường (Ảnh: N.A)

Đối với các mặt hàng tươi sống, thịt lợn vẫn được tiêu thụ khá đều đặn nhưng sức mua không lớn bằng thịt bò, thịt gà, hải sản. Giá thịt mông, vai, thăn lợn là 110.000 đồng/kg tại chợ Gia Lâm; sườn thăn có giá 70.000 đồng/kg (giảm 5.000 đến 10.000 đồng/kg so với giá trước Tết).

Trong khi đó, giá thịt thăn bò vẫn giữ ở mức 235.000 đến 24.000 đồng/kg, thịt gà ta giá 130.000 đến 135.000 đồng/kg. Các loại hải sản, cá tươi cũng có mức giá cao (180.000 – 185.000 đồng/kg cá trắm đen), ngao giá 32.000 – 35.000 đồng/kg (tăng thêm từ 6.000-9.000 đồng/kg so với giá trước Tết). Những loại hải sản còn lại giá trung bình tăng thêm 5 đến 15%.

Nắm bắt được thói quen và tâm lý mua sắm của người tiêu dùng nên nhiều siêu thị đã mở cửa sớm nhằm phục vụ khách (siiêu thị BigC mở từ sáng mùng 3 Tết, Co.op mart mở từ mùng 3 Tết, Fivimart mở từ mùng 5 Tết).

Hàng bán trong siêu thị thường không tăng “phi mã” như ngoài chợ tự do nên khá nhiều người đã chọn mua hàng ở siêu thị. Ghi nhận ban đầu cho thấy giá trong siêu thị mềm hơn giá ngoài thị trường từ 5 đến 15%. Ngoài việc được mua hàng với giá mềm hơn, khách hàng còn có các cơ hội nhận được khuyến mãi lớn dịp đầu xuân (có siêu thị khuyến mãi tối đa tới 40% giá cả của hơn 1.000 mặt hàng sau Têt).

Đánh giá sơ bộ đến ngày 5/2 (tức mùng 3 Tết) của Bộ Công Thương cho thấy, sức mua trên thị trường dịp Tết nguyên đán 2011 tăng khoảng 20-25% so với năm 2010, không có tình trạng thiếu hàng hay sốt giá cục bộ. Sức mua tăng cao nhất ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, …

Trong khi giá thực phẩm, rau xanh có dấu hiệu hạ nhiệt so với trước Tết thì các hàng quán mở cửa từ mùng 1 Tết đến nay đã tự động tăng giá bán lên gấp đôi, gấp 3 ngày thường. Mức tăng này vẫn được duy trì đến những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết.

Cụ thể: Có những cửa hàng mở quán bán phở, bún từ đêm mùng 1 Tết đã đẩy giá bán lên 40.000 đồng/bát bún gà, bò (so với mức 20.000 đồng của ngày thường), lượng khách tuy không đông nhưng hầu như vẫn ra vào suốt đêm. Mức giá này vẫn được duy trì đến ngày mùng 5 âm lịch.

Thậm chí, quán bún cá nằm tại ngã tư Xã Đàn – Khâm Thiên đã tăng giá bán từ 15.000 đồng/bát lên 40.000 đồng/bát, bún cua tăng từ 12.000 đồng/bát lên 35.000 đồng/bát.

Chủ cửa hàng cho biết: “Giá thực phẩm tăng, vì phải “hi sinh” thời gian nghỉ ngơi để phục vụ khách nên đắt đỏ là chuyện khó tránh khỏi. Hầu hết khách hàng khi vào ăn cũng đều biết trước điều này nên không ai kêu ca gì”.

Trên các con phố ăn uống (như Đê La Thành), không khí mua bán đã tấp nập khi khách nhộn nhịp ra vào và giá cũng đắt hơn ngày thường (40.000 đồng/bát cháo thịt lợn băm, tăng gấp gần 2,5 lần). Tuy vậy, do đi chúc Tết nhiều nên khách ghé vào quán ăn uống không phải ít, trong đó có những trường hợp cả gia đình vào quán ăn như ngày thường.

theo vietnamnet

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc