Home » Xã hội » Ác mộng làm giàu từ nghề “cắt lộc trời”
Ác mộng làm giàu từ nghề

“Cắt lộc trời”

Người nuôi hươu lưu truyền rằng, lộc nhung hươu giống như của trời ban cho và khi ra tay “cắt lộc trời” đi, thì hậu quả khó lường. Thực hư những câu chuyện ấy chỉ là lời rỉ tai nhau bên ấm nước chè, nhưng một phần nào đó cũng ứng nghiệm.

Hươu rớt giá, người dân trắng tay. 10 năm sau, người dân tiếp tục quay trở lại nuôi mộng làm giàu từ hươu, nhưng lần này, những người nông dân nghèo lại mong ước được “đổi đời”, và nhiều người phất lên nhưng cũng có những kẻ nuốt hận.

Người nghèo thế chỗ “đại gia”

Nếu trước đây chỉ những hộ khá giả mới nuôi hươu thì nay con hươu đã trở thành vật nuôi xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế của người dân trên địa bàn huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Nhà ít thì nuôi vài con, nhà nhiều đến vài chục con. Toàn huyện hiện có khoảng 20 ngàn con hươu.

Thực tế lúc này, ở huyện Hương Sơn hầu như xã nào cũng có từ 30 – 40% số hộ dân nuôi hươu lấy lộc nhung. Thậm chí, có nhiều xã trên địa bàn huyện nuôi hươu gần 100%.

Theo tính toán của nhà nông, lộc nhung hươu độ vài năm trở lại đây, giá trị của hươu đã được coi trọng hơn, ngay như đầu những năm 2011, 1kg nhung hươu cũng có giá bình quân từ 10-12 triệu. Thấy giá trị lợi nhuận to lớn, người dân lại đổ xô quay về phong trào nuôi hươu như những năm đầu 90.

Một nhạc sĩ khi về thăm Hương Sơn, đi thăm những đàn hươu cũng phải thốt lên bằng hai từ: “ngạc nhiên”. Trở về sau chuyến công tác, nhạc sĩ này đã sáng tác bài hát: “Tình ca người nuôi hươu Hương Sơn”. Nói thế để thấy lên sự choáng ngợp của nhiều người khi tìm về vùng đất giáp biên giới Việt- Lào này trước sự xuất hiện ồ ạt của đàn hươu trong từng hộ gia đình.

Ác mộng làm giàu từ nghề

Nghề nuôi hươu mấy năm nay phát triển mạnh tại huyện Hương Sơn

Giờ nhắc đến chuyện nuôi hươu, làng Sơn Thủy, xã Hương Sơn có thể vỗ ngực tự hào là địa bàn nuôi thuộc diện nhiều nhất tỉnh. Phong trào nuôi hươu lấy lộc ở đây trong thời gian ngắn đã phát triển mạnh mẽ. Nhiều người làng là những lão nông chân lấm tay bùn, cơ hàn với đồng ruộng lúc này cũng mừng ra mặt nhờ thế chỗ “đại gia” trong việc nuôi hươu.

Hơn 15 năm trước, nhắc đến hươu thì làng Sơn Thủy chỉ biết tặc lưỡi trước cái giá quá cao mà lái buôn thời đấy rao bán về mỗi con hươu. Một con hươu đầu những năm 90, có thể nuôi sống cả gia đình trong khoảng 5 năm, bằng giá trị hàng chục con trâu, bò khiến bao người dân nghèo không bao giờ dám nghĩ đến tư tưởng sẽ sở hữu “báu vật” này.

Nhưng nay, mọi chuyện dường như đã khác, đặc biệt với cuộc thất bại của nhiều “đại gia” ôm quả đắng khi trót lỡ đầu tư vào hươu, và hươu mất giá, giờ người nông dân nghèo có thể thỏa ước nỗi niềm làm giàu từ hươu. Dường như nuôi hươu đang trở thành “mốt” của những người dân một nắng hai sương – một thứ “mốt” hái ra tiền.

Ác mộng làm giàu từ nghề

Giá nhung hươu trên thị trường thời gian gần đây đủ để người dân nghèo đầu tư vào việc nuôi hươu. Nhờ những cặp nhung hươu, nhiều hộ dân đã thoát nghèo

Ông Võ Trị, một trong những người trong làng thuộc diện nuôi hươu đầu tiên sau thời kỳ giá hươu suy thoái. Ông Trị nổi tiếng trong làng về cách nuôi hươu khá độc đáo. Người làng tự hỏi không biết ông học sách vở nào nhưng, cách bố trí chuồng trại của ông luôn thoáng mát về mùa hè, ấm vào mùa đông; Cách vệ sinh chuồng trại cũng được ông tuân thủ nghiêm ngặt, nhằm đảm bảo hươu nuôi không bị dịch bệnh. Chính vì vậy, đàn hươu của ông luôn sinh trưởng, khỏe mạnh. Mỗi năm, tiền lãi từ việc đầu tư tiền nuôi hươu cũng đem về cho gia đình ông hàng chục triệu đồng. Một con số quá lớn so với làm nông nghiệp.

Cũng trên địa bàn huyện Hương Sơn, người dân còn biết đến gia đình anh Phạm Đức Thuận, ngụ xóm 1, xã Sơn Giang, thu nhập mỗi năm từ bán hươu giống và lộc nhung hơn 150 triệu/ năm.

Chuyện nuôi hươu đến với anh cũng đầy tình cờ. Khi giá hươu tụt dốc, mấy năm sau anh mới bắt đầu tham gia đầu tư vào chăn nuôi. Năm 1998, anh chỉ nuôi vài con “cho vui”, nhưng khi lộc nhung hươu có giá trị, anh đầu tư mở rộng. Có thời điểm nhà anh từng có gần 40 con trong chuồng.

Anh nói vui rằng, nếu không có cú “trượt chân của giá hươu” thì giờ gia đình vẫn mãi mãi nghèo. Nay nhờ hươu, anh có thể sống sung túc, con cái ăn học đầy đủ và hơn hết, giấc mộng làm giàu từ hươu đã được anh khôi phục.

Nuôi hươu – cơn ác mộng làm giàu

Người giàu thất bại, nghề nuôi hươu được chuyển đổi cho người nghèo nhưng trên hành trình làm giàu ấy, giấc mộng của những nhà nông lại một lần nữa rơi vào bi kịch. Bi kịch không phải vì sự trượt giá thảm hại như 20 năm trước mà chính là sự cố hươu chết hàng loạt khiến bao người giờ mới thấm thía được hậu quả của việc “cắt lộc trời”.

Huyện Quỳnh Lưu dù trong thời điểm những năm 90 hay bây giờ vẫn được xếp vào địa bàn nuôi hươu nhiều nhất tỉnh Nghệ An. Thời kỳ “vàng son”, toàn huyện có hơn 1,2 vạn con hươu trong chuồng trại của hộ dân.

Sau thời kỳ sụp đổ theo chu kỳ của giá lộc nhung hươu, con hươu trên địa bàn không còn được chú trọng. Bởi nhẽ, giá một con hươu cái sinh sản lúc bấy giờ ít nhất 80 – 90 triệu đồng/con. Hươu đực trưởng thành từ 50 – 60 triệu đồng/con. Hươu con mới đẻ được 3 tháng được bán với giá tới trên dưới 40 triệu đồng/con cái; Con đực cũng 25- 30 triệu đồng/con.

Khi giá hươu tụt dốc không phanh giảm xuống chỉ còn 300-500 ngàn đồng/ con, người nuôi hươu chán nản, phá sản khiến đàn hươu trên địa bàn huyện cũng giảm theo.

Ác mộng làm giàu từ nghề

Thời điểm này, trước dịch bệnh hoành hành, người dân nghèo lại nuốt đắng vì giấc mộng làm giàu từ hươu

Từ năm 2005, khi giá lộc nhung có giá, cũng giống như người dân huyện Hương Sơn, người dân Quỳnh Lưu quay trở lại nghề nuôi hươu. Báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện này cho thấy, trên địa bàn xã lúc này cũng có khoảng gần 1 vạn con.

Hươu giờ không “sốt giá” như trước. Hươu đực trưởng thành chỉ 3 – 4 triệu đồng/con; Hươu cái trưởng thành đắt nhất cũng mới ở mức 15 – 20 triệu đồng/con.

Xã Quỳnh Yên đứng đầu huyện Quỳnh Lưu với hơn 70% số hộ dân nuôi, với gần 2000 con hươu, nai. Năm 2010, toàn xã thu hoạch được 5 – 6 tấn lộc hươu, mỗi năm toàn xã thu được trên dưới 5 tỷ đồng từ tiền bán lộc, chưa kể tiền bán con giống cho các địa phương khác.

Thế nhưng, ngay đầu những năm 2010, đàn hươu trên địa bàn huyện chết ồ ạt. Thống kê mới nhất từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hơn 500 con hươu bỗng nhiên lăn đùng ra chết, không rõ nguyên nhân.

Sự xuất hiện dịch đang lây lan khá mạnh làm cho những người nuôi hươu, nai ở Quỳnh Lưu hoang mang, lo lắng. Đặc biệt là đối với những người nông dân khi thấy nhung hươu được giá đã vay lãi Ngân hàng về đầu tư. Và giờ, thêm một lần nữa, trước dịch bệnh, hươu chết đang hoành hành, nhiều nhà nông thêm một lần nuốt đắng trước bài học của các “đại gia” trước đây từng trải qua.

Theo Bưu Điện Việt Nam

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc