Home » Kinh doanh » Cửa hiệu, nhà hàng chật vật tuyển nhân viên
Không yêu cầu cao về trình độ vậy mà nhiều cửa hàng hay những ki ốt chợ, chủ kinh doanh tại Hà Nội vẫn đau đầu với vấn đề tuyển dụng.

Riêng trên tuyến đường Phạm Ngọc Thạch – Chùa Bộc – Tây Sơn đã có tới hơn hai mươi cửa hiệu treo biển “tuyển nhân viên”. Vấn đề tương tự cũng diễn ra tại nhiều nhà hàng. Có những nơi cần tuyển tới 10 nhân viên gồm cả chạy bàn, trông xe lẫn nấu ăn….

Các cửa hàng ồ ạt tuyển nhân viên bán hàng. Ảnh: Xuân Ngọc

Chị Thúy Hạnh, chủ một shop thời trang trên phố Phạm Ngọc Thạch cho hay, trước chị cũng có một cô bé bán hàng rất mát tay. “Nhưng ra Tết, con bé nằng nặc đòi ở nhà lấy chồng, tăng lương thế nào cũng không lên. Nó kêu con gái có thời, lên Hà Nội làm, quá tuổi thì ế”, chị kể.

Khổ hơn chị Hạnh, anh Hùng, chủ quán ăn sang trọng trên đường Huỳnh Thúc Kháng đang đau đầu vì lo tuyển một lúc 5 nhân viên nữ chạy bàn. “Mấy cô ấy bỏ về khu công nghiệp làm hết rồi, kêu ở đó được đóng bảo hiểm”, anh Hùng than thở.

Theo tìm hiểu của VnExpress.net, hầu hết các chủ buôn bán nhỏ đều không yêu cầu cao về trình độ học vấn khi tuyển nhân viên. “Chỉ cần ưa nhìn, ăn nói hoạt bát là nhận. Học vấn không quan trọng, học hết lớp mấy cũng được, khéo léo và bán được hàng là tuyển”, chị Hạnh cho biết thêm.

Nhiều cửa hàng có nhu cầu tuyển nhân viên có trình độ tay nghề chuyên môn. Ảnh: Xuân Ngọc
Nhiều cửa hàng có nhu cầu tuyển nhân viên bán hàng. Ảnh: Xuân Ngọc

Do đặc thù công việc, nhiều nơi cũng đăng tuyển những nhân viên có tay nghề như biết sửa quần áo, biết chỉnh cỡ giày hay có kinh nghiệm làm bồi bàn. Các công việc như vậy thường có mức lương 3-3,5 triệu đồng mỗi tháng, cao hơn từ một triệu đến 1,5 triệu đồng so với những công việc bán hàng đơn thuần. Nếu làm bán thời gian thì người lao động có thu nhập bằng một nửa như vậy. Mức lương này sẽ tăng dần theo thâm niên và thành quả sản phẩm.

Song những công việc này vẫn chưa thu hút được nhiều lao động. Bước ra từ một cửa hàng có nhu cầu tuyển nhân viên, Hà My, sinh viên Đại học Sư phạm thất vọng cho biết, họ yêu cầu làm cả ngày nên cô không thể đảm đương nổi. “Chủ hàng nói nếu làm nửa ngày cũng phải từ 8 giờ đến 15 giờ hoặc từ 15 giờ đến 22 giờ. Thời gian vắt ngang giờ học như vậy nên mình đành thôi”, Hà My tâm sự.

Thêm vào đó, với nhiều người, đây chỉ là công việc “chống cháy”. Nhân viên của một ki ốt trong chợ Ngã Tư Sở chia sẻ chị ra trường, đang chờ xin việc nên làm tạm ở đây, kiếm tiền trụ lại ở Hà Nội. Khi nào xin được vào công ty nào đó, chị sẽ nghỉ. Đây cũng là lý do khiến nhiều cửa hàng liên tục tuyển và thay nhân viên.

Còn theo chị Hường, cựu nhân viên bán hàng với trên 5 năm kinh nghiệm cho hay, công việc bán hàng tuy không đòi hỏi bằng cấp nhưng không đơn giản. Chị Hường nói: “Từ cách nói làm sao cho lọt tai khách, cách treo quần áo khiến màu sắc các bộ tôn lên cho nhau để bắt mắt đến cách chào hỏi, thậm chí luôn mồm khen mà không bị kêu ‘dẻo miệng, xáo rỗng’ là cả một quá trình tích lũy. Những người mới vào nghề chưa quen thì khó làm lắm. Mà làm ‘thượng đế’ phật ý một lần thì có dải thảm đỏ, họ cũng chẳng thèm lui tới nữa”.

“Đó là chưa kể đến việc nếu không bán được hàng, chủ sẽ mặt nặng mày nhẹ, ra vào một câu, thậm chí còn bảo mình vía nặng, vô duyên. Áp lực như vậy nên nhiều người không trụ được với việc”, chị Hường cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo chị Thúy, chủ một cửa hàng bán giày dép, với những người không có bằng cấp thì bán hàng là công việc khá lý tưởng. “Làm lâu sẽ thành quen, so với mức lương đó, đi làm giúp việc hay bán dạo ngoài phố còn khổ hơn nhiều. Đây mưa nắng không lo, chịu khó học hỏi kinh nghiệm và chắt chiu thì cũng có cơ hội dành dụm vốn mở một cửa hàng nhỏ sau này cho mình”.

Xuân Ngọc

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc