Home » Chia sẻ, Nhịp sống trẻ » Lao đao thời bão giá

Tăng giá luôn là nỗi lo với đông đảo người dân đặc biệt là những người lao động ngoại tỉnh và sinh viên trọ xa nhà. Điện tăng, ga tăng, nước, thực phẩm, nhà trọ cũng ù ù tăng giá khiến không ít sinh viên “méo mặt” tính toán.

134coms
Bữa cơm sinh viên ngày càng “hẻo” thịt, cá vì bão giá.

Nhưng, “trong cái khó lại…ló cái khôn”-trong thời kỳ bão giá như hiện nay đã có không ít bạn trẻ “ló” ra những giải pháp tiết kiệm hiệu quả cho riêng mình.

Cắt giảm khẩu phần ăn
Trong thời kỳ bão giá như hiện nay“cắt giảm khẩu phần ăn” đã trở thành xu hướng của không ít sinh viên trọ xa nhà. Nhà tăng, điện nước tăng trong khi “lương” từ gia đình không tăng là bao khiến nhiều bạn đành “thắt lưng buộc bụng” tiết kiệm tối đa một cách có thể nhằm bù vào tiền nhà, điện nước hàng tháng.

Thanh Xuân, sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thuê trọ trong ngõ 175 Xuân Thủy cho biết: “Hơn tháng nay, tiền phòng trọ của em đã tăng từ 1.300 lên 1.500 nghìn đồng, tiền điện thì cũng tăng từ 4.000 lên 5.000/ số, nước thì hiện tại đã lên tới 90.000 đồng người/tháng. Trước mỗi tháng em chỉ mất tầm triệu rưỡi cho việc ăn ở nhưng bây giờ số tiền đấy là không thể. Ăn uống thì cái gì cũng đắt đỏ, trước đây mỗi ngày bọn em chỉ mất khoảng 50.000 nhưng ở thời điểm hiện tại cầm 50.000 ra chợ cứ như đi tay không. Thịt có lẽ là điều xa xỉ, chỉ thi thoảng mới dám mua, còn những thứ quà vặt thì cắt giảm hoàn toàn, tiết kiệm được tý nào hay tý đấy chứ cứ đà ăn tiêu như trước có lẽ “viêm màng túi” sớm thôi chị ạ”.

Cùng tâm trạng như Thanh Xuân, Phạm Thị Hương, sinh viên Đại học Điện Lực cũng luôn đau đầu về chuyện tiền nong, nhất là tháng này khi mẹ chỉ cấp cho cô nàng vỏn vẹn 1 triệu đồng: “Em chẳng biết phải tiêu thế nào cho hợp lý, chỉ với một triệu đồng mà bao nhiêu khoản cần chi, đồ ăn thức uống thì tăng vùn vụt, mỗi ngày ra chợ là mỗi ngày giật mình, không biết nên ăn gì cho hợp túi tiền. Ăn gì, uống gì cũng phải đắn đo, mệt người quá chị ạ” – Hương bùi ngùi tâm sự.

Còn Hoàng Quân, sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền lại nghe chừng có vẻ thê thảm hơn khi một tuần liền cậu đành “gặm” mỳ tôm cho qua bữa mà lý do là bà chủ tăng tiền nhà quá đột ngột.

Mua sắm tại chợ đầu mối

Sau tết, thực phẩm tăng giá ù ù, nhất là những ngày mưa thịt, cá rau, dưa lại càng tăng chóng mặt, sáng một giá, chiều một giá. Nhất là ở những sạp hàng bán lẻ, lợi dụng những ngày mưa, những ngày ít hàng lại càng tăng giá lên chóng mặt. Vì thế việc tìm đến các chợ đầu mối, siêu thị đã trở thành phương án tiết kiệm hiệu quả được nhiều sinh viên lựa chọn.

Bằng cách dậy sớm, ra các khu chợ đầu mối mua đồ ăn thay vì mua ở các cửa hàng nhiều bạn đã tiết kiệm được số tiền không nhỏ. Huyền Trang, sinh viên Đại học Luật Hà Nội khoe: Dạo này thực phẩm tăng giá, để tiết kiệm tiền ăn, buổi sáng cả xóm trọ mình rủ nhau ra chợ sinh viên mua đồ cho rẻ. Mua ở chợ này vừa rẻ, đồ ăn lại tươi nên cũng thích. Mấy ngày đầu mọi người cũng ngại vì phải dạy sớm nhưng bây giờ thì quen rồi. Hôm nào ngại đi thì đi mua nhiều nhiều một chút, thế là mai ở nhà ngủ bù. Chịu khó dậy sớm một tý nhưng cả tháng cũng tiết kiệm được vài trăm ngàn đấy chị ạ”.

Bích Thủy, sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội, thuê trọ ở ngõ 233 Xuân Thủy, lại có cách mua sắm kinh tế hơn khi đi chợ vào buổi trưa khi nền chợ thực phẩm Dịch Vọng sắp tàn. Thủy chia sẻ: “Năm nay, bọn mình học theo tín chỉ nên toàn học cả ngày nhưng được cái mỗi buổi chỉ học 3 tiết, thế nên cứ 10 giờ trưa là nghỉ rồi. Học xong mình và đứa bạn cùng phòng lại rẽ qua chợ Dịch Vọng mua đồ ăn, thức ăn buổi trưa tuy không được tươi lắm nhưng mà được cái rẻ. Chịu khó mua xa nhà một chút nhưng thường thì được rẻ hơn trong khu trọ 1/3 thậm chí có cái còn rẻ hơn một nửa ấy chứ”.

Còn Thúy Vân, sinh viên ĐH Dân lập Phương Đông lại tìm đến các siêu thị như một phương thức tiết kiệm tối ưu: Dạo này thực phẩm tăng giá nhanh, để tiết kiệm tiền mình hay “tăm te” các chương trình khuyến mại ở các siêu thị lắm mà Metro là lựa chọn số một. Mình là sinh viên không có thẻ vào cửa nhưng được cái lại ở với mấy chị đi làm. Thi thoảng có khuyến mại lớn lại theo các chị đi mua. Mua nhiều, lại mua ở siêu thị đầu mối nên cũng tiết kiệm được đôi chút”.

Xăng tăng, là nỗi lo lớn trong việc đi lại hàng ngày của không ít sinh viên. Để tiết kiệm tiền, không ít bạn đã quyết định lựa chọn những phương tiện siêu rẻ để đi lại thay việc đi xe máy đến trường hàng ngày.

Gần tháng nay, Anh Dũng, ĐH Công Đoàn đã quyết định đi xe bus thay vì đi xe máy đến trường như trước kia. Lý giải cho sự thay đổi chóng vánh này cậu cho biết: Sau tết tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền thực phẩm cái gì cũng tăng giá, gần đây xăng cũng tăng mạnh khiến túi tiền của hai anh em vơi đi nhiều. Để tiện cho việc đi lại, hai anh em quyết định chuyển từ Cổ Nhuế về gần trường ĐH Thương Mại để em gái đi học cho gần còn Dũng thì bắt xe bus đi học cũng tiện. “Chứ cứ đà bão giá như hiện nay, nuôi người còn lao đao chứ nuôi thêm “con xe” nữa thì vỡ nợ mất” – Dũng tâm sự.

Phạm Thị Lâm
Lớp báo in K28 A1,Học việnáo chí vàTuyên truyền

theo dantri


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc