Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Người phụ nữ tay trần chạm vào 1000 người âm
Một vụ tai nạn tàu hỏa tại quốc lộ 1A đi qua địa phận xã Tân Tiên (Duy Tiên, Hà Nam) khiến người xấu số chết không toàn vẹn thi thể. Thương phận người dưng phơi xác cả ngày mà không có người thân đến nhận, chị xin được vào khâm liệm.

Làm phúc cho người xấu số

“Đó cũng là lần đầu tiên tôi cầm lấy xác người. Lúc đầu sợ lắm! Về nhà nghĩ lại chẳng ăn uống được gì. Rửa tay không biết bao nhiêu lần bằng xà phòng mà vẫn có cảm giác ghê ghê. Nhưng sau này, tiếp xúc với tử thi nhiều, đâm ra quen”, chị Bùi Thị Bình, ở xã Tân Tiên nhớ lại câu chuyện cách đây đã gần 20 năm.

Cũng trong năm đó, mùa lũ lớn về, nước sông dâng cao, chị theo người dân địa phương đi vớt củi. Từ xa, một mảng đen trôi xuôi dòng nước, chị và nhiều người khác từ trên bờ nhảy ào xuống sông bơi ra đón củi vào bờ. Bỗng dưng, có tiếng người kêu thất thanh rồi mọi người vội bơi ngược trở lại. Nhìn kỹ, chị thấy một thi thể đang nổi lềnh phềnh lẫn trong đám củi. Không chút đắn đo, chị lấy que cời xác chết vào bờ, rồi tự tay mua vải khâm liệm cho người xấu số. Sau lần ấy, chị được người dân trong huyện biết đến nhiều hơn. Mỗi khi trên địa bàn có vụ tai nạn giao thông hay có xác người chết trôi nào, họ lại nghĩ đến chị.

Sau gần 20 năm theo nghề, chị Bình đã tiếp xúc với hàng nghìn "người cõi âm"


Chị Bình cho biết, trước đây anh em chị thi thoảng theo bố đi làm công việc bốc mộ, nhưng chị không bao giờ nghĩ mình sẽ theo nghiệp của cha bởi bốc mộ thường phải đi vào lúc đêm khuya. Tuy nhiên, từ sau mấy vụ vớt xác và khâm liệm người chết, chị có cảm giác mình có duyên với người cõi âm nên tập trung công sức cho công việc này.

Hôm chúng tôi đến gặp chị Bình, tình cờ gặp bà Nguyễn Thị Ngà ở phố Hàng Giấy, Hà Nội về nhờ chị đi bốc mộ giúp. Bà Ngà cho biết: “Tôi nghe tiếng chị Bình bốc mộ từ lâu, giờ có dịp bốc mộ cho mẹ chồng nên nhờ giúp. Khi sang mộ cho người quá cố phải chọn người có tiếng, có tâm một chút làm mới cẩn thận…”.

Chị Bình nhận lời bà Ngà. Chúng tôi theo chân chị ra nghĩa địa để tận mắt quan sát công việc khá “sởn gai ốc” này. Vừa đi, chị Bình tiết lộ bí quyết nghề nghiệp: “Nhiều ngôi mộ do chôn lâu nên dễ bị sai lệnh vị trí ban đầu, nếu không biết cách đào thì rất vất vả. Trung bình một ngôi mộ phải đào khoảng 2 khối đất đá, nhiều ngôi xây to và kiên cố có thể gấp nhiều lần”.

20 năm, gặp gỡ gần 1.000 người chết

“Làm nghề bốc mộ, nhặt xác chết mấy ai tính đến chuyện tiền nong. Công việc này làm phúc là chính. Các anh thấy đàn bà con gái mấy ai làm cái nghề này đâu. Có nhiều trường hợp mình làm giúp rồi mua đồ cúng cho họ luôn, phải có cái tâm trước đã. Nếu vì đồng tiền, giờ tôi đã nhà cao cửa rộng rồi”, chị Bình nói.

Thông thường, công việc đào mộ thường bắt đầu từ lúc 3 giờ chiều. Mỗi mộ thường phải đào trong khoảng 3 giờ đồng hồ. Bao giờ cũng thế, khi chị ngừng tay xẻng cũng là lúc ánh mặt trời bắt đầu lặn dần. Sau đó, chị về nghỉ ngơi và nửa đêm lại tiếp tục công việc.

“Việc bốc mộ phải diễn ra lúc nửa đêm nên phải đào đất trước, đêm chỉ việc bốc hài cốt. Đào đất khi trời còn ánh nắng thì hài cốt không được lộ thiên. Trước khi chuyển mộ phải cúng vái, cất sang mộ mới trước khi trời rạng”, chị Bình kể.

2h sáng, công việc bốc mộ tiếp tục được diễn ra. Chị Bình lấy tay khua đi những lớp đất còn dính trên quan tài rồi… mở. Mùi tử khí khiến thân nhân người quá cố còn không chịu nổi, tản ra xa. Duy chỉ có chị ở lại. Bằng động tác nhẹ nhàng, thận trọng, chị lần lượt đưa từng mẩu hài cốt vào chậu rửa sạch. Sau đó rửa bằng nước thơm, thường dùng nước mưa pha với trầm hương rồi xếp đúng thứ tự vào chiếc tiểu nhỏ, việc bốc mộ coi như đã xong.

Tính đến thời điểm hiện nay, chị Bình đã bốc gần 800 ngôi mộ, vớt hơn 100 xác chết trôi sông và khâm liệm cho gần 70 tử thi trong các vụ tai nạn giao thông. Nhiều người bốc mộ thường đeo găng tay, nhưng với chị Bình lại khác: dùng tay trần. “Làm cái nghề này đòi hỏi phải tỉ mỉ, cẩn thận, nếu đeo găng tay vào lúc “mò” xương dễ sót lại”, chị phân trần.

Những ngày lũ lớn, chị Bình thường phải trực chiến trên sông để… vớt xác. Có những năm công việc nhiều, chị gọi cả người anh trai từ Thái Nguyên về phụ một tay. Cần cù và nhiệt tình với công việc là thế nhưng những đồng tiền chị Bình kiếm được chỉ vừa đủ chi tiêu cho hai mẹ con. Hiện chị vẫn phải ở trong căn nhà cấp bốn cũ nát.

Theo vietnamnet


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc