Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Ông lão bán chuối kỳ lạ giữa Thủ đô

Mỗi ngày đạp xe gần trăm cây số, làm việc 12 – 13 tiếng một ngày, không ai có thể nghĩ một ông lão đã 83 tuổi lại có thể làm việc gấp mấy lần một người bình thường như vậy.

Ông lão kì lạ

Ngày mưa cũng như ngày nắng, ông lão xuất hiện thường xuyên trên nhiều tuyến phố của Thủ đô. Ông đã ngoài tám mươi, dáng gầy, lọt thỏm trong bộ quần áo nâu sồng cũ kĩ, hành trang đi kèm là chiếc nón lá cọ che mưa che nắng với chiếc xe đạp thồ rong ruổi khắp phố phường Hà Nội.

Người ta thấy kì lạ và thán phục sức khỏe phi thường của cụ, nhiều người dành cho cụ ánh mắt đầy thương cảm. “Cứ nhìn cụ đạp xe, nhiều lúc tôi cũng phát hoảng, chỉ sợ cụ va vào đâu… nhưng kể cũng lạ, ngần ấy tuổi rồi mà mỗi ngày cụ phải đạp đến gần trăm cây là ít”, chị Mai, một người bán hàng trên phố Khương Trung ái ngại.

Ông cụ kì lạ còn bởi đi bán chuối nhưng cụ không giống bất cứ một “dân buôn” nào. Dù phải chắt bóp từng đồng bạc lẻ, có nải chuối cụ chỉ bán 2.000-3.000 đồng nhưng tuyệt nhiên không lấy tiền thừa của khách. Nhiều người mua chuối, thấy cụ vất vả đều không muốn lấy lại tiền thừa nhưng cụ nhất quyết phải trả lại mới bán.

Nhiều người quen với bóng dáng của một ông lão gù, chuyên đi bán chuối dạo nhưng hỏi ông cụ tên là gì, nhà ở đâu thì ai cũng lắc đầu. Ông Hoan, một người khách quen của cụ trên phố Hạ Đình, cho biết: “Tôi sống ở đây đã ngót bốn chục năm, cũng không nhớ gặp cụ từ khi nào chỉ biết là cụ bán chuối ở đây lâu lắm rồi, nhưng tên cụ thì tôi chịu, mọi người có hỏi thì cụ cũng chỉ cười bảo ở xa thôi, cụ không nói”.

Hàng ngày, cụ xuất hiện từ rất sớm với hai rổ chuối chất đầy, tính ra phải gần một tạ. Đến gần chiều muộn, khi đã hết hàng, chiếc xe thồ đã nhẹ hơn thì cụ lại đi gom bã mía ở những quán nước, chất đầy hai rổ chở về, cụ bảo: “Cũng một công đi về nên chở bã về làm củi nấu cơm, để người ta cũng vứt đi, cái gì còn dùng được thì nên tận dụng từng chút một, đừng lãng phí”.

Xây nhà từ nghề bán chuối dạo

Theo chân ông lão bán chuối kì lạ, chúng tôi tìm được về thôn Bãi, xóm Trung Việt, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai. Trái với tưởng tượng của chúng tôi, nơi ở của cụ là một căn nhà xây khang trang, có nền lát đá hoa, phía trong, trần nhà và các cột trụ đều bằng gỗ được chạm khắc tinh xảo theo lối kiến trúc nhà cổ của Việt Nam.

Ngôi nhà khang trang của gia đình cụ Khánh.

Khi thấy chúng tôi, ông cụ rất bất ngờ, nhưng vẫn đón tiếp niềm nở. Ông cụ tên thật là Nguyễn Trung Khánh, năm nay đã 83 tuổi, người làng vẫn quen gọi ông là cụ Khánh Đạc theo tên anh con trai cả.

Cụ Khánh có cả thảy bốn người con, hai trai, hai gái, con cái cụ đều đã có gia đình. Anh con trai cả là sĩ quan quân đội đã về hưu hiện sinh sống tại Hà Nội. Cụ ở với người con trai thứ là anh Nguyễn Trung Điển, hai vợ chồng anh Điển cũng làm nghề bán chuối như cụ Khánh, cả gia đình chắt chiu mấy chục năm từ nghề bán chuối, đến năm 2008 thì xây cất được ngôi nhà hơn 400 triệu đồng.

Làng xóm ai cũng nể phục sự chăm chỉ dành dụm của gia đình cụ Khánh. “Cả làng tôi làm nghề bán chuối nhưng chẳng mấy nhà xây được ngôi nhà to đẹp như nhà cụ, gia đình bên ấy ai cũng chăm chỉ, người làng có mấy khi nhìn thấy cụ Khánh đâu, từ sáng tinh mơ cụ đã đi bán chuối, đến xẩm tối mới về”, bà Thoa, một người cùng làng thôn Bãi nói.

Bán chuối từ thời Pháp thuộc

Kể về cuộc đời bán chuối dạo của mình, cụ Khánh cho biết trước đây cụ từng làm thợ xẻ gỗ nhưng cứ khi nào có thời gian là lại đi bán chuối phụ giúp gia đình. Cụ biết đi bán từ những năm lên 10, thời dân ta còn phải tiêu tiền Đông Dương của người Pháp.

Cụ Khánh bên những nải chuối chín vàng chuẩn bị đem bán vào sáng mai.

Lúc còn tuổi đôi mươi, cụ thường trẩy chuối bằng quang gánh, đi bộ hơn chục cây số lên Hà Đông bán. Đến khi ngoại ngũ tuần, cụ bắt đầu đi xe đạp thồ, đèo chuối đem bán trên Hà Nội. Những ngày đầu cụ bảo: “Có hơn hai chục cây số mà tôi thấy xa lắm, nhưng riết cũng thành quen, bây giờ đi lại Hà Nội cứ như không”.

Mỗi ngày đi bán chuối, cụ thường phải dậy từ 3h sáng, nếu chỉ có chuối tiêu thì cụ thường bán rẻ, đắt nhất cũng chỉ 10.000 đồng một nải, cả vốn lẫn lãi cụ cũng bán được hơn 200.000 đồng một ngày. Ngày nào giáp Rằm, mùng một, cụ thường bán chuối ngự, chuối mắn thì được 400.000 đồng.

Con cháu thương cụ tuổi cao sức yếu, không muốn cho đi bán nhưng không ngăn được cụ, cứ bán xe đạp để cụ không đi nữa thì cụ lại sắm cái mới. Đối với cụ Khánh, nuôi con nuôi cháu là nghĩa vụ của người làm cha làm mẹ nhưng không có nghĩa là khi về già bắt con cháu phải phụng dưỡng lại mình,…”Tôi còn sức là còn làm, không thể bỏ gánh chuối đi được, con cháu đều có hiếu cả nhưng dù mình có tuổi rồi cũng không muốn làm chúng nó phải bận tâm. Tôi sẽ tiếp tục làm đến khi nào không còn sức để làm nữa…”, cụ Khánh cười nói.

Đất Việt ghi lại một ngày làm việc của “Ông lão bán chuối kì lạ”:

Giữa trời nắng như đổ lửa, ông cụ vẫn cần mẫn đi bán chuối.

(hai rổ chuối của ông cụ khi đã bán được hơn một nửa)

Ông luôn chọn những nải chuối đẹp nhất cho khách hàng của mình

Bác Hoan ở phố Hạ Đình là khách hàng thường xuyên của cụ.

Cụ luôn nhất quyết trả lại tiền thừa cho khách kể cả khi họ không muốn lấy lại.

Cụ mỉm cười hài lòng khi bán được hàng…

Và lại tiếp tục rong ruổi trên từng con phố.

Cuối buổi, khi bán hết hàng, cụ đi gom bã mía ở những quán nước …

…chất đầy hai rổ để chở về làm củi nấu cơm. Vừa gom cụ vừa cười bảo:

“Cái gì còn dùng được thì nên tận dụng từng chút một, đừng để lãng phí”.

Theo tin datviet.com


01 ý kiến dành cho “Ông lão bán chuối kỳ lạ giữa Thủ đô”

  1. Tùng 26/07/2010

    Thật nể phục sự cần mẫn không quản gian khó của cụ Khánh.

    Reply

Ý kiến bạn đọc