Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Viện phí mới và câu hỏi của người bệnh

Không nên lấy lý do “tăng viện phí cho bằng với khu vực” vì đó là cách làm cả vú lấp miệng em nên dư luận khó đồng tình.

Vô các số loại thuốc với những cái tên dài ngoằng khiến bệnh nhân rối tinh. (Ảnh chỉ có tính minh họa)

“Mua cám, bán vàng”

Lâu nay, hàng triệu người nghèo khi đau ốm phải đến bệnh viện đã phải chịu rất nhiều những vất vả, trớ trêu. Cái khổ thứ nhất là tiền mua thuốc chữa bệnh. Hầu hết bệnh nhân nghèo (công nhân, nông dân…) đều ít học nên khả năng tiếp xúc với các kiến thức mới là rất hạn chế. Nhất là những loại thuốc chữa bệnh mới, những cái tên tiếng la tinh dài loằng ngoằng thì họ lại càng không biết.

Chính vì thế, không ít bác sĩ- dược sĩ  tha hồ chặt chém bệnh nhân và người nhà của họ. Có loại thuốc được đẩy giá lên cao tới 10 lần, thậm chí hàng chục lần theo đúng cái “nguyên tắc” tàn nhẫn là “mua cám, bán vàng”. Ở Huế có ông bác sĩ (tiến sĩ y khoa hẳn hoi) vừa khám bệnh vừa bán thuốc. Thuốc của ông không bao giờ có nhãn, có tên mà trong mỗi bao nylon đều đề rõ: “Viên vàng ngày uống mấy lần, mỗi lần mấy viên”; “viên hồng uống ra sao”… Cách chữa bệnh đó buộc bệnh nhân chừng nào chưa hết bệnh thì vẫn phải quay lại ông BS kia để mua thuốc(!)?

Sự đối xử của nhân viên y tế với bệnh nhân là cả một câu chuyện buồn. Ở bệnh viện đa khoa tỉnh Ng. Vị y tá đem ra cái kim tiêm to đùng để tiêm cho ông già 70 tuổi. Người nhà hốt hoảng: “Có loại kim nào nhỏ hơn không bác sĩ'”? “Kim tiêm loại nào chẳng có”. “Dạ. ‘Bác sĩ’ cho cái kim nhỏ hơn, nhà em biết rồi ạ”. Vậy là phong bì được trao, kim tiêm nhỏ hơn có ngay lập tức.

Tất nhiên, không thể vơ đũa cả nắm vì vẫn còn những bác sĩ, hộ lý, y tá có lương tâm, ngày đêm chạy chữa cho bệnh nhân một cách tận tụy. Nhưng phải nói thẳng ra rằng số đó không nhiều. Tiêu cực trong ngành y tế hiện nay không phải chuyện mấy “con sâu” nữa rồi.

Những vấn nạn đó chưa được giải quyết thì lại đến chuyện tăng viện phí. Chuyện viện phí tăng là điều có thể hiểu được bởi nó phải theo quy luật giá cả thị trường. Nhưng tăng như thế nào, tăng kèm theo những chế tài nào, tăng bao nhiêu và sự đảm bảo về điều kiện phục vụ bệnh nhân có được bảo đảm hay không lại là chuyện hoàn toàn khác.

Những câu hỏi cần được trả lời

Để có được lộ trình hợp lý về tăng viện phí, Bộ Y tế cần trả lời thỏa đáng các câu hỏi của người dân chúng tôi.

Thứ nhất, tính ưu việt của xã hội thể hiện rõ ở hai lĩnh vực – giáo dục và y tế. Trong lĩnh vực y tế, một loại hình dịch vụ công – không lý gì các điều kiện phục vụ người dân lại không bằng các chế độ xã hội khác. Xin lấy Cu Ba ra làm ví dụ: Dù có khó khăn thế nào đi nữa thì một nền giáo dục và y tế miễn phí quả là thiên đường của đất nước còn nghèo này, mà không ai có thể phủ nhận.

Thứ hai, nếu như viện phí mới được ban hành, liệu ngành y tế có cam kết rõ ràng, cụ thể khi nào chấm dứt chuyện 2-3 bệnh nhân nằm một giường? Khi nào kiểm soát được giá thuốc theo nguyên tắc hạn chế đến mức thấp nhất sự thả nổi quản lý giá thuốc dẫn đến tăng giá “dã man” như lâu nay vẫn xảy ra? Điều kiện vệ sinh, dịch vụ của các bệnh viện sẽ được quy định như thế nào? Chẳng hạn, lấy theo tiêu chuẩn khách sạn thì “bệnh viện một sao” viện phí bao nhiêu? “Bệnh viện loại 4-5 sao” thì mức viện phí thế nào?…

Để có được lộ trình hợp lý về tăng viện phí, Bộ Y tế cần trả lời thỏa đáng các câu hỏi của người dân. (Ảnh minh họa)

Thứ ba, các chế tài (cam kết) giữa ngành y tế và chính quyền là phải có. Không thể để tiêu cực kéo dài bởi sự bắt chẹt người đau ốm, bị thương là sự thiếu đạo đức không thể chấp nhận. “Đã nghèo lại còn gặp eo” là câu nói cửa miệng của dân gian. Tại sao chúng ta không có các thanh tra nhân dân đủ quyền lực giám sát bệnh viện và ngăn chặn tiêu cực? “Thưởng hậu, phạt nặng” là nguyên tắc tối thượng để duy trì kỷ luật, đảm bảo cho môi trường làm việc lành mạnh (bất kể môi trường nào chứ không riêng gì bệnh viện).

Thứ tư, mức lương và mức sống chung của đại đa số người Việt Nam hiện nay thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Vì thế, không nên lấy lý do “tăng viện phí cho bằng với khu vực” vì đó là cách làm “cả vú lấp miệng em” nên dư luận khó đồng tình.

Thứ năm, tăng viện phí, tăng học phí rồi tăng giá điện…Tất cả đều dồn vào khoảng cuối năm nay đầu năm sau, có phải là một “giải pháp” phi kinh tế hay không? Cách làm đó diễn ra những năm gần đây luôn đẩy lạm phát lên cao, tức là gây khó khăn nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Thiếu các giải pháp đồng bộ, hạn chế về tầm nhìn, không tiên liệu đúng và đủ các hệ lụy xã hội – kinh tế là căn bệnh nan y của cách điều hành quản lý kinh tế- xã hội hiện nay. Rất mong Bộ Y tế cẩn trọng để tìm ra một công thức, một lộ trình xây dựng giá viện phí mới phù hợp.

Hà Thịnh

Theo TuanVietNam


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc