Home » Thể thao » Số trẻ em xin tị nạn tại Úc gia tăng
Hiện số lượng trẻ em xin tị nạn tại Úc đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay. Các chuyên gia di trú cho rằng những đứa trẻ xin tị nạn không có người thân đi kèm sẽ có rất ít khả năng bảo lãnh được cha mẹ sang Úc.

[title]

Những đứa trẻ Afghanistan trong các trại tị nạn ở Úc. (ABC)

Trong số 1051 trẻ đang sống ở các trại tị nạn của của Úc có 468 trẻ đi một mình. Kể từ tháng 11/2010 đến nay, số lượng trẻ không có người lớn đi kèm tới xin tị nạn tại Úc đã tăng thêm 40%. Chúng vượt biên bằng thuyền và hầu hết là nam thiếu niên dân tộc Hazaras đến từ Afghanistan.

Ông Philip Ruddock, cựu Bộ trưởng Di trú Úc, đã từng nói rằng có một số lượng đáng kể trẻ em được gia đình cho vượt biên một mình và chúng được kì vọng sẽ trở thành những đứa trẻ ‘mỏ neo’, tức là nếu chúng được chính phủ Úc cấp visa cho nhập cư thì sau đó chúng sẽ có thể xin bảo lãnh cho cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình sang Úc.

Tuy nhiên, những người ủng hộ người tị nạn cho rằng hiện vẫn chưa có các bằng chứng đáng tin cậy để làm sáng tỏ nhận định trên. Theo họ, nhiều đứa trẻ đã mất cha và một trong những nguyên nhân khiến chúng tìm đường sang Úc là vì ở một số đất nước như Afghanistan và Sri Lanka, nam thiếu niên là mục tiêu bị bức hại.

Chưa giải quyết triệt để

Vào tháng 10/2010, Thủ tướng Úc Julia Gillard và Bộ trưởng Di trú Chris Bowen hứa hẹn sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho những đứa trẻ xin tị nạn bằng cách đưa hơn 1000 trẻ ra khỏi trại tị nạn và cấp visa cho chúng được sinh sống tại Úc trước tháng 6/2011.

Tuy nhiên, các tài liệu mật của Bộ Di trú do Bộ phận Điều tra Trực tuyến thuộc Hãng Truyền thông Quốc gia Úc (ABC) thu thập được lại cho thấy mặc dù chính phủ của Thủ tướng Gillard đã hứa hẹn như vậy nhưng hiện vẫn còn rất nhiều trẻ đang phải ở trong các trại tị nạn. Cho đến cuối tháng 1/2011 vẫn còn 268 trẻ, trong đó có 140 trẻ không có cha mẹ đi kèm, tiếp tục bị giữ tại ‘trại xây dựng’ đang ngày càng quá tải trầm trọng trên Đảo Christmas. Đối với những đứa trẻ đơn độc sang Úc, chúng bị lưu giữ ở nhà nghỉ của Sân bay Darwin hoặc nhà trọ Asti trong thành phố. Cả hai nơi này đã bùng phát nạn bạo lực và đã bị Cơ quan Nhân quyền Úc lên án vào tháng 12/2010.

Cho đến nay, thời hạn ấn định trên đã sắp hết nhưng mới chỉ có 54 trẻ được đưa ra khỏi các trại tị nạn. Hiện Bộ Di trú đang phối hợp với Tổ chức Chữ Thập Đỏ nhằm thỏa thuận với các nhà thờ và các quỹ từ thiện để sắp xếp chỗ ở phù hợp cho số trẻ em xin tị nạn đạt mức kỷ lục hiện nay. Đây là một thách thức hết sức khó khăn với chính phủ Úc và những tài liệu mật cho thấy kế hoạch này vẫn còn rất nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, những nhân viên di trú cũng lên tiếng khuyến cáo rằng những đứa trẻ xin tị nạn không có cha mẹ đi kèm sẽ có nhiều khả năng tiếp tục bị lưu giữ ở những ở nơi đó.

Thư của Bộ Di trú cho biết những trường hợp trẻ vượt biên đơn độc ở độ tuổi 15 hiện đang được khuyến khích nộp đơn xin visa đoàn tụ với gia đình sẽ có nguy cơ thất bại tới 90% bởi thời gian xét duyệt kéo dài đồng nghĩa với việc chúng có thể bước sang tuổi 18 trước khi được cấp visa. Đến lúc đó, cha mẹ chúng sẽ không còn được coi là những thành viên gia đình ‘cấp thiết’ nữa và người nộp đơn cũng sẽ mất đi quyền bảo lãnh cha mẹ sang Úc dưới dạng visa ‘gia đình ly tán’. Trước đây, những người nộp đơn xin loại visa này có nhiều cơ hội thành công hơn.

Khó khăn nơi đất khách

Saheed Hussain Zaheedi đã một mình tới xin tị nạn tại Úc khi mới 16 tuổi. Giờ đây, khi đã bước sang tuổi 27, anh cho biết mình thà chết còn hơn là phải quay lại với những trải nghiệm không mấy tốt đẹp trước đây.

“Nếu tôi biết sẽ phải đối mặt với những khó khăn như thế nào khi rời khỏi gia đình thì tôi thà chết ở quê hương chứ không bao giờ rời xa người thân”, Saheed Hussain Zaheedi chia sẻ.

Saheed Hussain Zaheedi cũng cho rằng hoàn cảnh của những đứa trẻ một mình di cư tới Úc hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn như trước.

Theo bà Marion Le, một nhân viên di trú, việc thiếu sự hỗ trợ của gia đình có thể tạo ra một thế hệ trẻ em bị ruồng bỏ mới khá nguy hiểm.

Bà nhận định: “Khi cho phép những đứa trẻ này được nhập cư, hòa nhập vào cộng đồng ở Úc và nói với chúng rằng chúng phải tự thân vận động thì nước Úc có nguy cơ sẽ phải đối mặt với một số vấn đề đã từng xảy ra trước đây đối với những đứa trẻ người Việt Nam và Campuchia. Chúng lang thang trên phố và lập ra những băng đảng tội phạm. Đó không hoàn toàn là lỗi của chúng mà nguyên nhân là vì chúng không thể tìm được sự hỗ trợ cần thiết từ phía gia đình khi sinh sống trong cộng đồng ở Úc”.

Bộ Di trú và Quốc tịch cho biết cho đến nay vẫn chưa có một số liệu cụ thể nào về số lượng đơn xin visa đoàn tụ gia đình bị từ chối của những đứa trẻ không có cha mẹ đi kèm.

Nguồn Increase in children seeking asylum

Chuyên đề:

01 ý kiến dành cho “Số trẻ em xin tị nạn tại Úc gia tăng”

  1. khổ thân những đứa bé này

    Reply

Ý kiến bạn đọc