Home » Kinh doanh » Chợ đầu mối hút khách mua lẻ
Nhiều bà nội chợ chọn đi chợ đầu mối, vốn chỉ bán buôn, để mua mớ rau muống, nửa quả dưa hấu cho đến từng lạng thịt… nhằm tiết kiệm chi tiêu.

5h30 sáng, chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) đã đông nghẹt người, cả người mua buôn lẫn mua lẻ. Bác Thành, hành nghề bơm xe ở đây cho biết, từ lâu chợ này đã kinh doanh cả hai hình thức, nhưng người mua lẻ ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là hơn một tháng nay.

“Tôi bơm xe ở đây gần chục năm, thấy ngày trước hầu như toàn dân xe thồ, xe máy đến chở vài yến hàng. Bây giờ, ngày càng nhiều người đi bộ, xe đạp mua vài túi đồ rồi về”, bác Thành nói.

Tương tự, chợ rau Ngã Tư Sở (Đống Đa, Hà Nội) cũng đông đúc người mua lẻ từ sáng sớm. Đến đây có những người đã về hưu, công nhân, sinh viên đến cán bộ công chức nhà nước. Có khi họ chỉ đến để mua mớ rau muống, cân dưa chuột hay bó bí xanh…

Nhiều người dân dậy sớm đi mua thực phẩm tại các chợ đầu mối. Ảnh: Xuân Ngọc
Ngày càng nhiều người dân dậy sớm đi mua thực phẩm tại các chợ đầu mối. Ảnh: Xuân Ngọc

Chị Mai, công nhân xây dựng gần chợ Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy) cho hay, với đồng tiền công ít ỏi của người lao động chân tay thì giá tại các chợ đầu mối sẽ giúp tiết kiệm tiền hơn mua ở chợ lẻ. Thêm nữa, công việc của chị từ 8 giờ sáng đến 7 giớ tối, trưa chỉ được nghỉ một tiếng nên tranh thủ dậy sớm đi mua thức ăn nấu tập thể cho cả ngày.

“Mua đồ ăn tại các chợ đầu mối, nấu tập thể là kinh tế nhất. Xóm trọ có 5 nhà, phân công nhau dạy sớm, đi chợ, nấu ăn, mỗi bữa cũng rẻ được gần 5 chục nghìn, cả tháng, mỗi người cũng tiết kiệm được 200.000-300.000 đồng”, chị Mai nhẩm tính.

Đứng chọn một mớ rau muống ở chợ đầu mối phía Nam, chị Hương (Minh Khai) chia sẻ, từ hồi giá cả leo thang, nghe báo đài nói nhiều về chuyện đi chợ đầu mối giá rẻ nên chị cũng thử đi. Từ dạo đó thành quen, chị dậy sớm ra đây mua thức ăn về cho gia đình. Theo chị Hương, giá ở chợ đầu mối rẻ hơn khá nhiều so với các chợ cóc. Tùy loại thịt lợn, bò hay gà mà rẻ hơn 10.000-15.000 mỗi cân, rau cũng rẻ hơn vài nghìn đồng.

Chợ đầu mối còn là điểm đến quen thuộc của nhiều người có thói quen tập thể dục buổi sáng. Bác Vĩnh (Lạc Trung) cùng một nhóm người cao tuổi thường xuyên đến đây để mua thức ăn. Bác chia sẻ: “Có tuổi cũng không ngủ được mấy, trời lại ấm rồi nên các cụ trong xóm rủ nhau sáng dậy từ 5 giờ, đi bộ ra đây, vừa tập thể dục, vừa mua thức ăn luôn”.

Khách mua mớ rau, cân cà chua hay vài lạng thịt, tiểu thương chợ đầu mối đều vui vẻ bán. Ảnh: Xuân Ngọc
Ở các chợ đầu mối, khách mua lẻ từ mớ rau, cân cà chua đến vài lạng thịt. Ảnh: Xuân Ngọc

Trái ngược hoàn toàn với việc bán buôn được vài triệu đồng mỗi lượt, bán lẻ chỉ được vài nghìn đồng trao tay nhưng tiểu thương tại các chợ đầu mối vẫn khá vui vẻ. Bác Hạnh, bán rau tại chợ Ngã Tư Sở cho biết mua nhiều hay ít đều bán. “Giá mua buôn, mua cả xe hay vài yến hàng thì đương nhiên thấp hơn đôi chút so với bán lẻ. Nhưng giá bán lẻ tại đây cũng rẻ hơn nhiều các chợ cóc rồi”, bác Hạnh nói.

Chú Lâm, một tiểu thương tại chợ đầu mối phía Nam thông tin, khách đến đây mua lạng thịt hay vài quả cà chua, vài củ tỏi… thì người bán vẫn niềm nở. Thông thường, dân mua buôn thường tập trung lúc 4-5 giờ sáng, khách mua lẻ lại đi chợ từ 5 rưỡi, 6 giờ nên không có ảnh đông đúc quá mức. Chợ họp đến tận 10 giờ sáng nên cần thu hút càng nhiều khách mua lẻ càng tốt, bởi sau 7 giờ sáng, hầu như các chủ hàng toàn đón khách lẻ.

Theo khảo sát của VnExpress.net, giá các loại rau củ tại các chợ đầu mối rẻ hơn ở chợ cóc từ 10-30% tùy loại. Tính theo đơn giá mỗi cân, tại chợ đầu mối, bắp cải, cải thảo giá 3.000 đồng, khoai tây 12.000 đồng, cà chua 9.000 đồng, dưa chuột 10.000 đồng, dưa hấu 15.000 đồng, xoài Thái 34.000 đồng…

Thịt gà bán cả con làm sẵn từ 70.000-90.000 đồng một kg, thịt lợn giá 90.000 -120.000 đồng tùy loại, thịt bò giá từ 90.000-150.000 đồng, ốc từ 13.000-33.000 tùy kích cỡ…

Tuy nhiên, theo một số người thường xuyên đi chợ đầu mối cho biết, do số lượng các chợ đầu mối ở Hà Nội còn khá ít nên chỉ tiện lợi cho người dân khu vực quanh đó. Thêm nữa, người mua hàng thường khó được chọn thoải mái như tại các chợ dân sinh.

“Quãng đường đến các chợ đầu mối khoảng 3 km đổ lại thì đi bộ hay xe đạp được, đi xe máy cũng không tốn quá nhiều tiền xăng. Chứ xa hơn, mua thức ăn rẻ hơn được vài đồng cũng không đủ tiền xăng”, bác Mai (Mai Động), một người hay đi chợ đầu mối bộc bạch.

Xuân Ngọc – Nhật Linh

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc