Home » Kinh doanh » EVN khất nợ với các ‘ông lớn’
Sau khi PetroVietnam và Vinacomin thi nhau công bố các khoản nợ của ngành điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng thẳng thắn thừa nhận, thời điểm này chưa có khả năng trả nợ các “ông lớn”.

Theo tính toán của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) và Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), số tiền EVN đang nợ các “ông lớn” này lên tới 6.600 tỷ đồng. Mới đây, Điện lực Hiệp Phước (một đơn vị bán điện cho EVN) cho biết sẽ cắt điện vì EVN không thanh toán khoản nợ 36 triệu đôla (khoảng 756 tỷ đồng).

Ảnh; Hoàng hà
Tiền nợ ngành dầu khí, than và các hợp đồng mua điện giá cao của EVN đã lên tới khoảng 8.000 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Hà.

Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN thừa nhận, Tập đoàn này đang gánh những khoản nợ khổng lồ. Tiền nợ ngành dầu khí, than và các hợp đồng mua điện giá cao đã lên tới 8.000 tỷ đồng. Ngoài những khoản nợ lớn, EVN còn đang chịu lỗ vì số tiền chênh lệch tỷ giá tính đến 31/12/2010 là 17.000 tỷ đồng. Ông Tri cho hay, lẽ ra tất cả khoản chênh lệch tỷ giá phải được hạch toán vào chi phí sán xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, theo ông Tri, nếu tính ngay tiền lỗ chênh lệch tỷ giá vào giá thành thì giá điện sẽ đội lên rất cao. “Chúng tôi trình Chính phủ từ 2008 đến năm 2010, cho phép EVN chỉ trích những khoản nợ đến hạn trả vào giá thành. Còn các khoản chênh lệch tỷ giá hoặc nợ chưa đến hạn thì vẫn để treo”, ông Tri nói.

Ông Tri khẳng định, trong lúc khó khăn, EVN đã thống nhất với PetroVietnam và Vinacomin sẽ ưu tiên trả nợ các hợp đồng nước ngoài hoặc mua bán nhiên liệu để đảm bảo cho các nhà máy mà EVN đang mua điện đủ chi phí vận hành. “Riêng các khoản lợi nhuận và chi phí cố định của các đơn vị sẽ được EVN trả sau có kèm theo cả lãi. Hoàn cảnh của EVN như thế thì các đơn vị phải thống nhất thôi. Nếu có tiền chúng tôi sẽ trả ngay”, ông Tri khẳng định.

Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo của Tập đoàn Vinacomin cho hay, đến thời điểm này, EVN và Vinacomin vẫn chưa thống nhất được phương án giải quyết khoản nợ nêu trên.

Ông này cho biết, mặc dù EVN là “con nợ” lớn, song ngành than vẫn thể hiện thiện chí bằng việc tiếp tục bán điện, bán than cho EVN. Theo tính toán cùa ông này, với phươnh án giá điện cũ thì chắc chắn EVN lỗ. Nhưng theo phương án tăng giá 15,28% từ tháng 3 thì khó có thể khẳng định ngành điện vẫn khó khăn. Do đó, số tiền nợ mà EVN đang gánh nhất định phải trả trong năm nay.

“Trong năm nay, ngành điện phải trả hết số nợ trên vì chính chúng tôi cũng đang rất khó khăn. Để đảm bảo hoạt động ổn định, các đơn vị cho EVN vay đã phải vay ngân hàng và phải trả lãi suất hằng tháng”, ông này chia sẻ.

Trước thế giằng co giữa các bên, ngày 19/4, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã chính thức có ý kiến về khoản nợ mà EVN đang phải gánh. Bộ trưởng chỉ đạo, EVN phải ưu tiên trả nợ cho điện lực Hiệp Phước như đã thỏa thuận. Cục điều tiết điện lực phải khẩn trương phối hợp với Vụ năng lượng tổ chức cuộc họp do lãnh đạo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính chủ trì để các tập đoàn EVN, PetroVietnam, Vinacomin báo cáo tài chính để hai bộ xem xét.

Hoàng Lan

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc