Home » Kinh doanh » EVN đầu tư sai quy định trên 45.000 tỷ đồng
evnĐây là một trong nhiều sai phạm của EVN mà Thanh tra Chính phủ mới công bố.

Thanh tra Chính phủ (TTCP) mới có thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số đơn vị thành viên.

EVN đầu tư ngoài ngành chưa hiệu quả

Về nội dung liên quan đến EVN, theo TTCP, công ty mẹ EVN đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp (DN) số tiền gần 122.000 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ có gần 77.000 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ trên 45.048 tỷ đồng là chưa thực hiện đúng quy định; đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán số tiền hơn 1.997 tỷ đồng vượt tỷ lệ quy định; việc đầu tư vốn ra ngoài DN chưa mang lại hiệu quả kinh tế.

Năm 2011, hệ số giữa nợ phải trả và vốn điều lệ của công ty mẹ EVN là gần 2,8 lần, hệ số giữa nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của công ty mẹ EVN là trên 3,2 lần. Công ty mẹ EVN chưa cân đối được nguồn vốn để trả các khoản nợ quá hạn thanh toán, các chỉ số trên tương đối cao gây khó khăn cho công ty trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay trong những năm tiếp theo. 

Công ty mẹ EVN hướng dẫn hạch toán chuyển nguồn vốn không đúng tại 11 dự án, làm tăng chi phí cho sản xuất điện trong năm 2011 tại 11 dự án gần 224 tỷ đồng. 

Công ty mẹ EVN chưa xây dựng được quy định về việc trả lương, phụ cấp, tiền thưởng và chế độ khác cho người đại diện; phê duyệt định biên lao động chưa chính xác, còn có sự chênh lệch lớn giữa lao động kế hoạch và lao động thực tế sử dụng nhưng chậm sửa đổi. Từ năm 2005 đến tháng 12/2012, EVN triển khai 20/42 dự án chậm tiến độ dẫn đến việc thiếu hụt sản lượng điện và tăng chi phí đầu tư cho dự án.

Điều hành giá điện không phù hợp quy định 

Liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành, TTCP chỉ rõ Bộ Công Thương chưa ban hành khung giá phát điện và khung giá bán buôn điện. Việc thực hiện điều hành, quản lý thị trường điện của Bộ Công Thương, EVN có thể phù hợp với tình hình thực tế hiện nay nhưng không phù hợp với các quy định hiện hành.

Theo TTCP, Bộ Công Thương phê duyệt chi phí “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa” nhưng thực tế là nhà biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có các cơ sở hạ tầng đi kèm như bể bơi, sân tennis… phục vụ mục đích sinh hoạt cho cán bộ nhân viên với tổng số tiền gần 600 tỷ đồng vào chi phí đầu tư của 6 dự án nguồn điện, là chưa đúng quy định. 

Bộ Công Thương cũng đã xác định chi phí sản xuất điện của các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN lớn hơn giá bán lẻ điện bình quân năm 2011 (nhà máy thủy điện Đồng Nai, Sông Tranh, Đại Ninh và Tuyên Quang). 

Bộ Công Thương và Bộ Tài chính chưa có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc EVN không thực hiện khoanh khoản nợ tiền điện với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mà phát hành trái phiếu DN có bảo lãnh của Chính phủ để trả nợ PVN, là chưa bảo đảm cơ sở về mặt pháp lý. Bộ LĐTB-XH thẩm định tiền lương của Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc của EVN trong năm 2010 trên 3 tỷ đồng chưa đúng với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Kiến nghị kiểm điểm Bộ Tài chính và Bộ Công Thương 

TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương kiểm điểm rút kinh nghiệm về một số tồn tại, khuyết điểm nêu trên. Cụ thể, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Xây dựng rà soát khoản chi phí xây dựng khu nhà ở, nhà quản lý vận hành của ngành điện (trong đó có 6 dự án nguồn điện nêu trong kết luận thanh tra) cũng như đối với các nhà máy, khu công nghiệp khác, có hướng dẫn cụ thể và phù hợp, báo cáo Thủ tướng trong tháng 2-2014…

Bộ Công Thương cần khẩn trương ban hành khung giá phát điện và khung giá bán buôn điện. Chỉ đạo EVN đề xuất biện pháp xử lý dứt điểm các khoản công nợ khi bàn giao của các đơn vị thành viên. Xem xét đề xuất giá bán lẻ điện đối với các DN sản xuất sắt thép, xi măng và giá bán buôn điện cho các tổ chức dịch vụ bán lẻ điện năng ngoài EVN nhằm bảo đảm lợi ích DN kinh doanh điện với các DN kinh doanh sắt thép, xi măng. 

TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng giao EVN thực hiện lộ trình thoái vốn đối với các khoản đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính của công ty mẹ EVN và các đơn vị thành viên, cân nhắc tính toán hiệu quả việc thực hiện lộ trình thoái vốn, không sơ hở để một số đối tượng lợi dụng; hạch toán đúng quy định pháp luật đối với 11 dự án đã hoàn thành và đang hoạt động…. 

EVN cũng phải đề xuất xử lý số tiền trên 107 tỷ đồng (gần 1,9 tỷ đồng là chi phí cho dự án 90 Lý Thường Kiệt nhưng EVN HCM lại hạch toán vào giá thành điện không đúng quy định, gần 97 tỷ đồng do chi vượt định mức tiêu hao hợp lý và trên 5,4 tỷ đồng do EVN SPC dừng đầu tư 7 dự án gây lãng phí vốn đầu tư…). EVN cũng cần tổ chức kiểm điểm và chỉ đạo xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến những vi phạm mà kết luận thanh tra đã chỉ ra…/. 

PV/VOV

 

 

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc