Home » Kinh doanh » EVN: “Lỗ 6.500 tỷ không có gì là bí ẩn”
”Chỉ cần một phép tính đơn giản để so sánh giá bán điện đầu ra khoảng 1.000 đồng/kWh so với giá dầu khoảng 15.000 đồng/lít thì sẽ biết ngay lỗ lãi bao nhiêu”.

Báo cáo của Bộ Công Thương cuối tháng 10 vừa qua cho thấy, do phải chạy dầu để phát điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã lỗ khoảng 6.500 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm nay.

Sau khi thông tin này được công bố, có nhiều ý kiến khác nhau về con số lỗ trên của EVN, trong đó có cả sự hoài nghi về thực chất của việc lỗ trên có hoàn toàn là do “chạy dầu phát điện”?

Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy, ông Đặng Hoàng An, Phó tổng giám đốc EVN cho rằng, chỉ cần một phép tính đơn giản để so sánh giá bán điện đầu ra khoảng 1.000 đồng/kWh so với giá dầu khoảng 15.000 đồng/lít (sản xuất được gần 5kWh điện) thì sẽ biết ngay lỗ lãi bao nhiêu.

Ông An nói:

Năm nay có nhiều thiên tai ảnh hưởng lớn đến thủy điện nên chúng tôi bị hụt gần 7 tỷ kWh từ thủy điện. Do đó, trong nửa đầu năm nay, việc chạy dầu để phát điện là yêu cầu bất khả kháng đối với EVN, vì nếu không sẽ không thể đảm bảo đủ điện cho sinh hoạt, nói gì đến sản xuất, công nghiệp..

Trong khi đó, giá điện khởi điểm hiện nay vẫn chỉ là 550 đồng/kWh, không đủ mua mớ rau thì thử hỏi làm sao ngành điện có lãi. Hiện các bộ ngành liên quan đang xây dựng phương án tăng giá điện nhưng việc này cũng phải được tính toán kỹ lưỡng, phải dựa trên kịch bản sang năm vì còn phải tính cho cả nền kinh tế.

Lỗ 3.000 đồng/kWh nếu chạy dầu

Ông có thể phân tích rõ hơn về con số lỗ 6.500 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm?

Khoản lỗ đó hoàn toàn là do chạy dầu để phát điện, trong đó hai loại dầu được sử dụng chủ yếu là dầu FO và dầu DO. Hiện giá của các loại dầu này trung bình khoảng hơn 15.000 đồng/lít và một kg dầu cho ra chưa được 5 kWh điện.

Do đó, tùy vào từng loại máy phát cụ thể, giá thành điện từ chạy dầu nói chung sẽ dao động từ 3.300 đồng – 4.300/kWh, trong khi giá bán ra chỉ là 1.050 đồng/kWh. Nếu chạy dầu DO hết thì lỗ đến 3.000 đồng/kWh.

Nhưng có ý kiến cho rằng, khoản lỗ này không phải do chạy dầu hoàn toàn bởi EVN dù sao cũng là doanh nghiệp và hơn nữa lỗ lãi lại được hạch toán từng tháng, quý?

Bài toán lỗ lãi của một doanh nghiệp đơn giải chỉ cân bằng thu chi. Nếu thu không đủ bù chi thì chắc chắn sẽ bị lỗ. Đây không có gì là bí ẩn cả.

Nhưng với khả năng cân đối lỗ lãi vào những tháng cuối năm nhờ vào thủy điện thì EVN có cho 6.500 tỷ là một khoản lỗ lớn không?

Tất nhiên đây là một con số khá lớn, nhưng từ đầu năm nay do thiên tai khiến chúng tôi hụt 6,8 tỷ kWh thủy điện thì chắc chắn phải lỗ rồi. Nếu thay bằng nguồn đắt gấp 4 lần nó thì không doanh nghiệp nào có thể chịu nổi.

Có thông tin cho rằng, trong mấy tháng đầu năm ngay sau khi có số lỗ ban đầu, EVN đã không huy động một số nhà máy điện chạy dầu để tránh lỗ lớn?

Việc chạy dầu để phát điện là thực hiện theo sự chỉ đạo của Thủ tướng khi thủy điện bị thiếu hụt, nên dù giá cao mấy cũng phải chạy, phải mua.

Ngay từ quí 4/2009, chúng tôi đã phải chạy dầu rồi chứ không phải chỉ năm nay. Trong năm 2009, EVN cũng đã phát sinh chi phí tới 2.000 tỷ đồng do phải huy động nguồn đắt tiền.

Bên cạnh đó, tôi khẳng định rằng, thực tế hàng chục năm qua, chưa bao giờ chúng tôi có lãi trong mùa khô. Nếu đối chiều các số liệu trong tháng 4/2010 sẽ thấy EVN đã huy động một sản lượng điện không hề nhỏ, khoảng 400 triệu kWh điện chạy dầu FO, 57 triệu kWh điện từ dầu DO.

Trong tháng 5 vừa qua, dù giá điện chạy dầu đắt gấp 4 – 5 lần giá EVN đang bán ra cho xã hội, nhưng chúng tôi cũng đã huy động điện chạy dầu FO tới 1,86 tỉ kWh, tăng 249% so với cùng kỳ 2009, huy động được điện 330 triệu kWh điện chạy dầu DO, tăng 290%, diesel cũng tăng 115,9% so với cùng kỳ năm trước…

Lỗ vẫn tiếp tục chạy dầu

Vậy còn thông tin EVN đã từng khống chế sản lượng thủy điện hồi đầu năm thì sao, thưa ông?

Việc này là nhằm đảm bảo an toàn cho nhà máy điện trong điều kiện quá thiếu nước, đồng thời, còn phải điều tiết nước cho các mục tiêu quan trọng khác như sinh hoạt, tưới tiêu…

Chẳng hạn, hồi tháng 9 – 10/2009, chúng tôi bằng mọi giá cũng phải ưu tiên nước sông để đảm bảo việc vận chuyển thiết bị nặng theo đường thủy cho thủy điện Sơn La.

Chúng tôi đã tính toán kỹ, khi khống chế sản lượng điện như vậy, sẽ đảm bảo mực nước trong hồ thủy điện tụt dần dần đến hết mùa khô, xuống đến mực nước chết là vừa. Mùa mưa bắt đầu sẽ bù đắp lại.

Ở mực nước chết, nguyên tắc là không thể chạy máy thủy điện. Còn nếu để hồ thủy điện cạn quá mực nước chết, sẽ đồng nghĩa là mất công suất điện, nguồn thủy điện bị “treo”. Như vậy là vô cùng nguy hiểm cho hệ thống điện quốc gia. Do đó, lượng nước tích trữ được hiện nay buộc phải chia ra để dùng.

Vậy nếu sang năm tiếp tục thiếu điện thì EVN có tính chuyện chạy dầu để phát điện tiếp không?

Trên thực tế thì năm nào cũng phải có tính đến cơ cấu chạy dầu để phát điện. Nhưng nguyên tắc là phải huy động hết công suất thủy điện mới được báo cáo là thiếu điện. Vì EVN là tập đoàn kinh tế nhà nước nên chúng tôi phải làm theo chỉ đạo của Chính phủ. Tất cả các chi phí, lỗ lãi của EVN đều được báo cáo lên Chính phủ để có biện pháp tháo gỡ.

Lợi nhuận tối đa chỉ 3%

Có thông tin cho rằng, để giảm khoản lỗ do chạy dầu, sang năm giá điện sẽ tăng tới 32%?

Hiện đang có các phương án đề xuất khác nhau để xây dựng biểu giá điện cho năm tới. Còn tăng cụ thể bao nhiêu thì còn phải rà soát lại rất nhiều số liệu để cân đối năng lượng của cả năm.

Với EVN, chúng tôi phải cân đối được nguồn đắt tiền bao nhiêu, rẻ bao nhiêu, nhập khẩu bao nhiêu, cộng với chi phí khác thì ra giá điện.

Giá bao nhiêu sẽ phụ thuộc rất nhiều vào bức tranh năng lượng đầu nguồn của bên phát điện. Chẳng hạn như năm vừa rồi cân đối đề án giá điện tính 31 tỷ kWh thủy điện, nhưng thực tế thì chỉ được 26 tỷ kWh nên chi phí không đủ bù được.

Tôi cũng xin lưu ý rằng, giá năng lượng và giá điện hiện hành chưa phản ánh đúng vào giá trị kinh tế của 1KJ và 1 kWh điện năng sản xuất ra, đang còn phần nào bao cấp.

Bên cạnh đó, biểu giá bán lẻ điện được điều chỉnh theo tần suất từ 1 -5 năm chưa phản ánh kịp thời những biến động của các yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá, cơ cấu nguồn điện giữa các lần điều chỉnh… do đó sức ép tài chính lên EVN với tư cách là doanh nghiệp mua điện duy nhất và bán lại cho nền kinh tế là rất lớn.

Mặc dù chúng tôi đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên, tăng năng suất lao động từ 7-12%/năm… nhưng lợi nhuận hàng năm của EVN chỉ đạt từ 1 -3%/năm, thậm chí có năm còn thấp hơn, nên không đủ tích lũy để tái đầu tư.

Đặc biệt, vào những năm gặp thiên tai lớn như năm 2010 này thì doanh nghiệp kinh doanh không thể bù được chi phí và lỗ rất lớn. Các chủ đầu tư các nhà máy điện khác cũng than phiền là lợi nhuận quá thấp.

Từ năm 1997 đến nay, không có nhà đầu tư nước ngoài nào đầu tư vào ngành điện chỉ vì giá điện quá thấp. Chỉ có một số dự án BOT gần đây có tiến bộ do nhà đầu tư nhận thấy chủ trương sẽ thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường. Các nhà đầu tư khác chủ yếu thực hiện các dự án điện có quy mô nhỏ, trừ một số tập đoàn lớn thực hiện theo nhiệm vụ Chính phủ giao.

Theo Từ Nguyên

Vneconomy

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc