Home » Xã hội » Những lần chữa nhà nghiêng của ‘thần đèn’ đất Bắc
Dựng thẳng ngôi nhà nghiêng gấp 8 lần so với tháp Pisa, chỉnh nhà sắp sập có thể làm đứt hệ thống viễn thông của thành phố Hòa Bình và di chuyển nhà 3.000 tấn là những lần “tác nghiệp” đáng nhớ của ông Đỗ Quốc Khánh.

Gương mặt hiền khô, lúc nào cũng như đang suy nghĩ, thần đèn Đỗ Quốc Khánh cho biết, 20 năm làm nghề, cứu chữa cho hàng trăm ngôi nhà từ việc chữa lún, chỉnh nghiêng, chống nứt, nâng móng, di dời…, và có nhiều lần ấn tượng mạnh khiến ông không thể nào quên được.

Năm 2005, đứng trước ngôi nhà nghiêng ở quốc lộ số 6, thị trấn Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, ông thấy sợ hãi. Ngôi nhà ba tầng, khi thả dọi từ tầng ba xuống mặt đất là 3,1 m, tính theo góc nghiêng là 29 độ, gấp gần 8 lần độ nghiêng của tháp Pisa (Italia).

“Lúc đến nhờ tôi họ nói dối rằng nhà chỉ nghiêng vài chục phân. Khi đến hiện trường thấy độ nghiêng khủng khiếp quá tôi cũng rùng mình, đứng bần thần một lúc mới định tâm lại được”, ông Khánh kể.

Không chỉ có độ nghiêng lớn, đằng sau ngôi nhà là cả hệ thống cáp quang của thành phố Hòa Bình. Nếu nhà đổ hệ thống này sẽ tê liệt, thiệt hại vô cùng lớn. Áp lực đối với thần đèn vì thế càng nhiều.

Thần đèn Đỗ Quốc Khánh chỉ huy ở công trường. Ảnh: Tuấn Anh.

“Mặc dù choáng với độ nghiêng nhưng tôi có lòng tin mình sẽ thành công”, thần đèn nói và cho biết đã thăm khám, ra giá chỉnh nghiêng cho ngôi nhà là 140 triệu đồng, chỉ kém phá bỏ làm mới 20 triệu đồng, nhưng chủ nhà vẫn tay bắt mặt mừng.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ông Khánh đã nâng bổng phía sau ngôi nhà lên 1,5 m, phía trước 0,4 m, sau đó thay thế chân cột bê tông cốt thép bằng cọc nhồi bê tông cốt thép đường kính 800 mm để vừa chống lún và phòng ngừa trôi trượt.

“Công việc hoàn thành hơn cả mong đợi sau hai tháng thi công. Đó là sự cổ vũ, động viên lớn cho cả kỹ sư và thợ của nhóm xử lý lún nghiêng chúng tôi”, ông Khánh chia sẻ.

Một công trình ấn tượng nữa của thần đèn là việc cứu chữa ngôi nhà 7 tầng, cao 28 m, nặng 1.200 tấn số 289 phố Trần Phú, thị xã Hà Giang (tỉnh Hà Giang). Năm 2003, công trình đang ở giai đoạn hoàn thiện thì bị lún 60 cm, nghiêng 1,2 m. 6 chân cột bị sập vỡ khiến cho ngôi nhà ở tư thế “ngồi bệt” và “ngửa mặt” lên trời. Chủ nhà cầu cứu khắp nơi đều nhận được câu trả lời “không cứu được”, UBND tỉnh Hà Giang đã ra quyết định phá dỡ ngôi nhà.

Người ta đưa ra phương án nổ mìn cho nhà sập, nhưng nhà lại nằm gần trụ sở công an tỉnh nên cách này bị loại bỏ. Phương án tháo dỡ được đưa ra nhưng ngay lập tức cũng bị loại vì nhà quá cao, quá trình đập sẽ gây rung chuyển xung quanh.

“Chủ nhà tìm đến tôi khi vô phương cứu chữa. Chúng tôi cũng mất rất nhiều thời gian để thuyết phục tỉnh thu hồi lệnh phá dỡ”, ông Khánh chia sẻ.

Thần đèn đã nâng bổng toàn bộ ngôi nhà lên 70 cm rồi thay móng cọc đơn bằng móng cọc nhồi và cọc bê tông ống thép, đồng thời thay 6 cột tầng hầm. Những vết rạn nứt trên tường được bơm keo dán chắc.

Thần đèn (ngoài cùng bên phải) mơ ước được di dời một ngôi nhà lên đỉnh núi.

Công trình di dời nhà 3.000 tấn ở khu Công nghệ cao Phú Cát (Hà Tây) năm 2008 cũng đánh dấu những ngày mất ăn mất ngủ của thần đèn Đỗ Quốc Khánh. Với giám đốc công ty xử lý lún nghiêng, đó là những ngày đáng nhớ nhất trong hai thập niên điều khiển nhà của ông.

Tòa nhà đã được di dời, nhưng chỉ khoảng 30 m thì không thể tiếp tục vì gặp rắc rối, ông Khánh nhận làm tiếp và kỷ lục về việc di dời nhà nặng nhất Việt Nam năm 2008 được xác lập. Tòa nhà nặng 3.000 tấn, cao 2 tầng, rộng 25 m, dài 65 m đã được lùi sâu vào bên trong 50 m so với vị trí cũ.

Ông Khánh phân tích, các đồng nghiệp làm trước đã xử lý theo tư duy hệ thống (hay tư duy kéo) nhưng với ngôi nhà nặng thì không thể kéo bằng cơ học, bằng tời, xích mà phải dùng công nghệ thủy lực. Mặt khác họ cho rằng cần một điểm tựa nhưng theo tư duy năng lượng mà ông được học thì không cần điểm tựa vẫn có thể di chuyển.

Với cách suy nghĩ đó, thần đèn đã di dời ngôi nhà bằng cách đẩy mà không dùng điểm tựa. Khi ngôi nhà đứng trọng lượng 3.000 tấn, nhưng khi lăn sẽ giảm đi chỉ còn 1/10 số đó. Như vậy, ông chỉ cần chế tạo con lăn vài trăm tấn để ngôi nhà trượt bên trên, để nó tựa vào chính nó.

Ông cho thợ luồn đường ray dưới chân tòa nhà và đẩy nó đi. “Chỉ trong 35 ngày chúng tôi đã hoàn thành việc di dời công trình. Thành công ngoài mong đợi khiến tất thảy đều sung sướng”, ông Khánh hào hứng.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, giờ đi ngoài đường, thần đèn xứ Bắc chỉ cần nhìn ngôi nhà là biết tình trạng của nó như thế nào: vững chắc, bị nghiêng, bị lún, hay bị nứt… Ông ước ao một ngày nào đó nhận được hợp đồng di dời nhà lên đỉnh núi để tiếp tục những trải nghiệm mới trong sự nghiệp.

Thần đèn Đỗ Quốc Khánh chưa từng được đào tạo về xây dựng. Ông có 10 năm học về máy, điều khiển học và được cấp bằng Hệ thống tự động hóa ở Cộng hòa Czech. Năm 1984, ông vào làm việc ở Viện Khoa học Công nghệ. Một năm sau ông là một trong ba người chữa công trình lún nghiêng đầu tiên của Việt Nam (khách sạn La Thành).

Năm 1993, nhận lời mời của Trung tâm nền móng ĐH Xây dựng, ông đã về đây làm việc trong 8 năm. Năm 2003, ông thành lập Công ty Xử lý lún nghiêng Việt Nam và được mệnh danh là “thần đèn đất Bắc” vì đã “điều khiển” nhiều căn nhà bị lún, nghiêng… thành công.

Hoàng Thùy

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc