Home » Thế giới » 24 giờ đầu tiên trong khủng hoảng hạt nhân Fukushima
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I (Daiichi) đã bị hư hại ngay trong 24 giờ sống còn đầu tiên. Điều này được tiết lộ khi Nhật Bản công bố tập tài liệu được coi là nhật ký khủng hoảng hạt nhân.

The Wall Street Journal đã cày xới lượng tài liệu khổng lồ đó và tái hiện lại những gì xảy ra sau thảm họa động đất sóng thần.

Khi trận động đất mạnh cấp 9 xảy ra lúc 2h46 chiều ngày 11/3, nhiều quan chức quản lý nhà máy điện Fukushima Daiichi đang trong một cuộc họp với các lãnh đạo cấp cao của các cơ quan liên quan. Kazuma Yokota, một quan chức của Cơ quan An toàn Công nghiệp và Hạt nhân Nhật Bản (NISA) nhớ lại rằng tất cả đã hốt hoảng khi mặt đất rung chuyển. Các tập hồ sơ, tài liệu rơi vương vãi trên sàn. Tường và trần của các căn phòng rạn nứt, tạo ra một lớp bụi màu trắng bao phủ khắp nơi.

Điện mất ngay sau đó. Nhưng tình trạng khẩn cấp khi ấy dường như vẫn trong tầm kiểm soát. Ba lò phản ứng đang hoạt động của nhà máy Fukushima Daiichi chuyển sang trạng thái ngừng tự động. Sau đó, các máy phát điện dự trữ chạy bằng diezel bắt đầu hoạt động, cấp điện cho những ngọn đèn khẩn cấp và cả những chuông báo động chói tai. Khoảng gần một giờ đồng hồ sau, cơn sóng thần dữ dội cao hơn 15 m ập tới và nuốt trọn cả nhà máy, khiến các máy phát điện khẩn cấp không thể tiếp tục hoạt động được nữa.

Teruaki Kobayashi, giám đốc phụ trách các thiết bị hạt nhân của Tepco tại Tokyo, nhớ lại rằng nhà máy Fukushima Daiichi đã gọi tới lúc 3h37 chiều, để thông báo “bị mất điện”. Một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của Nhật Bản đã không có điện. “Tại sao điều này xảy ra”, ông Kobayahi lúc đó đã nghĩ như vậy. Mất điện hoàn toàn là một điều tưởng như chỉ xảy ở những thảm họa tồi tệ trong tưởng tượng.

Thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản hôm 11/3. Đồ họa: USGS
Thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản hôm 11/3. Đồ họa: USGS

Suy nghĩ tiếp theo của ông là nhà máy Fukushima Daiichi vẫn còn khoảng 8 tiếng để phát điện trở lại trước khi mọi chuyện trở nên thực sự tồi tệ. Ông cũng boăn khoăn về việc những ắc quy dự phòng của nhà máy, những chiếc phao cuối cùng để bấu víu, sẽ hoạt động được bao lâu, đủ để làm mát các thanh nhiên liệu trong lò phản ứng và cấp điện cho các thiết bị quan trọng.

Theo các tài liệu vừa được công bố tuần này, các kỹ sư của Tepco tin rằng cơn sóng thần đã phá hỏng hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, các ắc quy dự phòng. Nhưng họ đã không biết điều này ngay khi thảm họa kép vừa xảy ra. Họ nghĩ rằng các ắc quy dự phòng vẫn hoạt động bình thường giúp họ có 8 tiếng để khôi phục việc phát điện.

Vào 3h42 chiều, thông tin nhà máy Fukushima Daiichi mất điện nhanh chóng được chuyển tới văn phòng Thủ tướng Naoto Kan ở Tokyo, nơi được coi là bộ chỉ huy công tác đối phó khẩn cấp đối với thảm họa kép. Theo những nhân chứng kể lại, khi nghe được thông tin ấy, Thủ tướng Kan nói: “Nhà máy điện hạt nhân mới chính là rắc rối thực sự.”

Khi trời tối dần tại nhà máy Fukushima Daiichi, các kỹ sư đã sử dụng ắc quy lấy từ những chiếc xe không bị nước cuốn trôi, để tạo nguồn phát điện tạm thời nhằm cố gắng tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra ở bên trong các lò phản ứng. Vào lúc 9h21 tối, họ cuối cùng cũng nhận thức được vấn đề thực sự: mực nước trong lò phản ứng số 1 đã giảm nhiều đến nỗi những thanh nhiên liệu đang lộ dần ra.

Nếu không có hệ thống làm mát, nước sẽ bị bay hơi, tạo nên áp suất nguy hiểm bên trong lò phản ứng. Khi nước bay hơi quá nhiều, các thanh nhiên liệu lộ dần ra và bắt đầu tan chảy, đồng thời có phản ứng với không khí, làm thoát ra các nguyên tố phóng xạ và sản sinh ra khí hydro có thể gây nổ.

Khoảng 11 giờ đêm, chiếc xe tải đầu tiên mang bộ cấp điện tới được nhà máy Fukushima Daiichi, dấy lên niềm vui trong văn phòng của Thủ tướng Kan ở Tokyo.

Nhưng họ đã ăn mừng quá sớm. Các công nhân của Tepco không thể gắn các máy phát điện vào những bộ chuyển mạch đã bị phá hủy ở nhà máy. Một vài dây cáp điện thậm chí quá ngắn để có thể nối tới những phần khác của nhà máy. Những cảnh báo sóng thần sau đó buộc các công nhân phải rút lên những khu vực cao hơn, khiến công việc khắc phục sự cố bị gián đoạn. Các tài liệu của Tepco cho thấy, trong suốt 24 giờ quyết định đầu tiên, chỉ một máy phát điện được kết nối thành công.

Khoảng nửa đêm, áp suất trong bể chứa lò phản ứng số 1 đã vượt 50% mức tối đa theo thiết kế. Mức độ phóng xạ cũng cao đến nỗi Chủ tịch Tepco Masataka Shimizu phải yêu cầu các công nhân rút khỏi nhà máy. Theo giới chức Nhật, cả Tepco và chính phủ Nhật khi đó đều hiểu rõ rằng một biện pháp quan trọng cần phải được tiến hành ngay, đó là thoát khí trong lò phản ứng trước khi bể chứa bị nứt gãy vì áp suất quá lớn.

Nhà máy Fukushima
Bức không ảnh chụp nhà máy Fukushima hôm 18/3, đúng một tuần sau sự cố. Ảnh: AFP

Nhưng đó đồng thời cũng là một việc làm liều lĩnh. Khí thoát ra từ các lò phản ứng có thể bị nhiễm xạ và đe dọa những cộng đồng dân cư gần đó. Tuy nhiên, nếu không làm thoát khí, nguy cơ về sự hủy hoại thảm khốc tại các bể chứa là rất lớn. Thủ tướng Kan và Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Kinh tế Nhật Banri Kaieda cuối cùng quyết định cho thoát khí tại các bể chứa vào khoảng 1h30 sáng ngày 12/3.

Khoảng 2h45 sáng, Tepco thông báo với NISA rằng áp suất tại bể chứa lò phản ứng số 1 dường như đã gấp đôi mức tối đa theo thiết kế. Khi đó, các ống thông khí tại bể chứa này vẫn chưa được mở. Từ văn phòng thủ tướng, Bộ trưởng Kaieda mất hàng giờ liền để thúc giục các quan chức Tepco kiểm tra tiến triển của công tác khắc phục sự cố. Khoảng 6h50 sáng, ông chính thức ra lệnh cho Tepco mở ống thông khí tại bể chứa, tuy nhiên vẫn không có gì thay đổi.

Tepco tuần này thừa nhận rằng cho tới sáng ngày 12/3, thanh nhiên liệu hạt nhân ở lò phản ứng số 1 đã tan chảy thành một lớp dày phía dưới đáy bể chứa lò phản ứng.

Chính phủ cho rằng Tepco đã mất quá nhiều thời gian để quyết định việc mở ống thông khí, vì công ty này lo ngại việc để phóng xạ thoát ra ngoài sẽ làm tăng mức độ nghiêm trọng của thảm họa. Tepco vẫn hy vọng có thể kiểm soát được thảm họa mà không cần mở ống thông khí, bởi việc để thoát các chất phóng xạ ra không khí sẽ ngay lập tức đưa sự cố ở Fukushima trở thành một trong những thảm họa tồi tệ nhất trên thế giới, cùng với thảm họa Chernobyl ở Ukraina 25 năm trước.

Trong những cuộc họp báo và điều trần trước quốc hội sau đó, Chủ tịch Tepco Shimizu cho rằng có sự chậm trễ trong khắc phục sự cố là vì những lo ngại đối với việc sơ tán người dân và những vấn đề kỹ thuật.

Rạng sáng ngày 12/3, Thủ tướng Kan đã đích thân bay tới Daiichi để động viên các quan chức Tepco, trên chiếc trực thăng quân sự Super Puma 10 chỗ cùng với vài người tháp tùng. Trong một căn phòng nhỏ với với hai dãy bàn, Thủ tướng Kan ngồi cạnh Sakae Muto, giám đốc hạt nhân của Tepco, và Masao Yoshida, giám đốc nhà máy.

Theo những nhân chứng khi đó kể lại, Thủ tướng Kan đã tranh luận với ông Muto, khi ông này cho rằng việc thiếu điện của nhà máy đồng nghĩa với việc không thể mở ống thông khí trong vòng ít nhất là 4 giờ tiếp theo. Ông Muto cũng cho biết Tepco khi ấy đang cân nhắc đưa các công nhân vào mở van bằng tay, nhưng mức độ phóng xạ gần lò phản ứng cao tới mức các quan chức nhà máy không chắc các cấp dưới của mình muốn làm điều đó.

“Chúng tôi cần một giờ nữa để đưa ra quyết định. Thật khó khăn để có thể tập hợp đủ người dám làm công việc đó”, ông Muto nói. Nhưng Thủ tướng Kan không đồng ý với điều này. Ông nói: “Không còn thời gian để lưỡng lự nữa, hay làm việc đó thật nhanh, bằng bất cứ cách nào mà các ông có thể.”

Không lâu sau cuộc họp kể trên, Thủ tướng Kan rời Fukushima Daiichi. Khoảng 8h18 sáng 12/3, tức là khoảng 7 giờ sau khi các kỹ sư nhà máy lần đầu cho ông Kan và các quan chức biết rằng họ muốn mở ống thông khí ở lò phản ứng số 1, Tepco thông báo với văn phòng thủ tướng rằng công ty này sẽ bắt đầu mở van điều áp an toàn trong chưa đầy một giờ đồng hồ tiếp theo.

Mô tả lò phản ứng số 1 và việc mở van điều áp. Đồ họa: WTJ
Mô tả lò phản ứng số 1 và việc mở van điều áp. Đồ họa: WTJ

Tuy nhiên, bình thường họ có thể vận hành chốt an toàn của buồng điều khiển, bằng các động cơ điện hoặc bằng khí nén, nhưng những hệ thống này khi ấy không hoạt động. Bởi vậy, các công nhân buộc phải bất chấp mức phóng xạ cao ở bên trong lò phản ứng, để trực tiếp mở các van điều áp an toàn. Họ mất 4 giờ đồng hồ để tìm cách mở chiếc van khí, và chỉ thành công nhờ một máy nén khí cầm tay.

Với chiếc van động cơ, chỉ có một lựa chọn duy nhất là quay để nó mở ra bằng tay. Giám đốc nhà máy Fukushima Daiichi quyết định ông là người có trách nhiệm mở nó đầu tiên. Trong bộ đồ bảo hộ toàn thân cùng với mặt nạ và một bình oxy, ông bắt đầu nhiệm vụ của mình. Khi trở ra, vị giám đốc này bị nhiễm lượng phóng xạ là 106,3 mSv, tức là gấp đôi mức mà Nhật Bản bình thường cho phép các công nhân làm việc ở môi trường phóng xạ trong một năm, và gấp hơn 100 lần mức phơi nhiễm mỗi năm của một người bình thường.

Phan Lê

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc