Home » Kinh doanh » Dùng đèn khò cũng phát hiện được vàng “độn” Vonfram
Thị trường vàng những ngày gần đây xôn xao chuyện vàng giả, vàng pha trộn Vonfram, làm dư luận hoang mang. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, chỉ cần một phép thử đơn giản là có thể phát hiện ngay vàng giả nên người tiêu dùng vẫn có thể yên tâm khi mua bán, trao đổi vàng.

Vì sao “độn” Vonfram?

TS Nguyễn Đắc Lư, nguyên cán bộ Viện Địa chất cho rằng, trong vàng tự nhiên cũng có thể có chất Vonfram cùng một số hợp chất khác như sắt, đồng, bạc… Tỷ lệ này chỉ chiếm một định lượng nhất định, từ đó quy định đến phẩm chất vàng là bao nhiêu phần trăm, tất nhiên đây không phải là vàng 9999. Trường hợp sử dụng chất Vonfram độn vào vàng nhằm mục đích lừa đảo là rất hiếm, tuy nhiên không thể loại trừ chất “độn” này bên cạnh các kim loại khác như đồng, bạc hoặc chì. Cách làm có thể là độn các chất kim loại này vào giữa sau đó bọc vàng phía ngoài hoặc pha lẫn các chất này trong quá trình làm vàng, tôi vàng, rồi sau đó mới bọc vàng bên ngoài để khó phát hiện. Những cách làm này khiến vàng bị giảm phẩm chất nhưng người mua khó phát hiện bằng mắt thường.

Dùng đèn khò làm nóng chảy lớp vàng bên ngoài sẽ lộ ra nhân là chất liệu khác, có màu khác.
Dùng đèn khò làm nóng chảy lớp vàng bên ngoài sẽ lộ ra nhân là chất liệu khác, có màu khác.

GS Phan Trường Thị, viện trưởng Viện Đá quý – Trang sức cũng cho biết, vàng giả được sản xuất trên cơ sở lợi dụng nhược điểm của máy thử vàng bằng phương pháp vật lý là chiếu tia X-quang vào bề mặt vàng để xác định vàng thật/giả. Tuy nhiên, tia X-quang chỉ chiếu được sâu xuống dưới bề mặt vàng khoảng 4 phần nghìn millimet. Do đó, người ta đúc lõi vàng có pha trộn các loại hợp kim khác và chỉ phủ lên bề mặt lớp vàng thật, chất lượng 9999, với độ dày vừa đủ để “đánh lừa” máy chiếu X-quang thử vàng. Cách này cũng có thể đánh lừa cả mắt người tiêu dùng vì màu sắc bên ngoài chính là màu vàng thật nên không gây nghi ngờ gì.

Nhiều cách phát hiện

Nói như vậy không phải là không còn cách nào khác để thử vàng. Nếu như quan tâm đến tỷ trọng, chúng ta có thể nhận thấy dễ dàng sự khác biệt nhờ máy đo tỷ trọng. GS Phan Trường Thị khẳng định, tỷ trọng của vàng và Vonfram hay bất kỳ hợp kim nào khác đều không giống nhau, nên dùng phép đo tỷ trọng là có thể phát hiện được ngay vàng thật hay giả. Một cách làm đơn giản nữa là dùng đèn khò. Đây là phương pháp thử rất bình thường mà hầu hết các tiệm vàng đều có thể đáp ứng được. Khi dùng đèn khò làm nóng chảy lớp vàng bên ngoài sẽ lộ ra nhân là chất liệu khác, có màu khác.

Theo TS Phạm Đức Thắng, phó viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu, việc phát hiện vàng bị lẫn chất Vonfram rất dễ dàng nếu căn cứ trên nhiệt độ nóng chảy. Nhiệt độ nóng chảy của vàng là 1.064oC, trong khi đó chất Vonfram lại cứng hơn, có nhiệt độ nóng chảy trên 2.000oC. Đặc biệt, khi đốt cháy và cho chất oxy hóa vào, Vonfram sẽ hóa thành xỉ. Ngoài ra, có thể phát hiện nhanh cũng như không làm mất kết cấu của vàng bằng cách “bắn” quang phổ. Khi sử dụng máy này, vàng sẽ được phân tích dựa trên nguyên lý bốc hơi phát ra các bước quang phổ riêng nếu có lẫn các chất kim loại khác trong đó. Dựa vào bảng phân tích này sẽ cho ra cấu tạo vàng như thế nào ứng với các chất có trong đó.

GS Phan Trường Thị khuyên rằng, người dân không nên quan trọng hóa thông tin vàng “độn” Vonfram, dẫn đến tâm lý hoang mang, lo ngại khi mua bán, giao dịch bằng vàng. Vàng giả đã tồn tại trên thị trường thế giới từ lâu nay nhưng vẫn không thể “thoát” khỏi các phép thử này. Tốt nhất để đảm bảo an toàn khi mua bán vàng, hãy chú ý sử dụng những kỹ thuật thử hợp lý và nếu còn nghi ngờ có thể nhờ đến các trung tâm kiểm định uy tín với máy móc, thiết bị hiện đại.

Khánh Hiền

Theo Bee

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc