Home » Kinh doanh » Du thuyền hồ Tây cẩn trọng hơn sau tai nạn Dìn Ký
Tập trung áo phao ở vị trí thuận tiện, bổ sung thông báo vị trí đặt đồ cứu hộ… là cách các chủ du thuyền hồ Tây (Hà Nội) cấp tập làm nhằm trấn an hành khách sau vụ chìm tàu ở Bình Dương.

Hồ Tây là địa điểm nổi tiếng và hiếm hoi ở Hà Nội có kinh doanh dịch vụ du thuyền. Nơi đây có khoảng chục tàu thuyền được cấp phép hoạt động, song chỉ có vài chiếc nhận chở khách du ngoạn cảnh hồ. Theo tiết lộ của quản lý hai du thuyền Potomac và Tây Long, mấy ngày nay, các cơ quan chức năng liên tục đi kiểm tra độ an toàn của thuyền sau vụ chìm tàu tại Bình Dương.

Cũng vì thế, từ khoảng một tuần nay, phao, áo phao cứu hộ đã được mang lên để ở gầm bàn ăn và gắn ở hành lang thuyền thay vì tập trung dưới hầm như trước kia.

Ông Phan Vượng, Giám đốc điều hành du thuyền Potomac (sức chứa khoảng gần 300 khách) cho hay, từ sau vụ chìm tàu Dìn Ký, ngoài việc đem áo phao lên tàu ông cũng yêu cầu các nhân viên dán thêm thông báo vị trí đặt đồ cứu hộ cho khách biết.

Việc kinh doanh du thuyền trên hồ Tây cũng bị ảnh hưởng sau vụ chìm tàu ở Bình Dương. Ảnh: Tuệ Minh
Việc kinh doanh du thuyền trên hồ Tây cũng bị ảnh hưởng sau vụ chìm tàu ở Bình Dương. Ảnh: Tuệ Minh

Tuy nhiên, theo ông, làm vậy chỉ để an tâm hơn vì nguy cơ bị lật tàu tại hồ Tây gần như không có. Nguyên do là hồ Tây nước khá nông, dòng chảy lại không quá mạnh như ở sông. Mặt khác, du thuyền được thiết kế khá hiện đại: Thuyền không có đáy nhọn mà phần đáy tiếp xúc với mặt nước rỗng, phao nổi thiết kế song song hai bên. “Do đó, độ thăng bằng của thuyền rất tốt, khách lên thuyền sẽ ít bị cảm giác nao nao say sóng chưa nói đến chuyện thuyền bị lật”, ông nói.

Cũng theo ông Vượng, lịch đặt thuyền trong hai ngày cuối tuần sát ngày Quốc tế thiếu nhi vẫn kín. Tuy nhiên, ôngVượng cũng xác nhận gần đây, khách hàng đến thuê thuyền đã bắt đầu có xu hướng quan tâm đến độ an toàn. Trong 10 khách đến xem thuyền đã có 7-8 người hỏi phao cứu hộ.

Theo ghi nhận của VnExpress.net, những ngày giữa tuần, hầu như không có hoặc có rất ít người đặt thuê du thuyền. Lý giải điều này, ông Vượng cho hay thời gian này không phải cao điểm mùa cưới hỏi, lễ hội… nên lượng khách cũng kém đi so với trước.

Theo ông, những đơn vị có nhu cầu đặt du thuyền để tổ chức tiệc đang có xu hướng chọn ban ngày thay vì tối muộn như trước kia.

Chị Ngọc Anh, vị khách đến thuê du thuyền cho biết, cơ quan chị tổ chức liên hoan nhân dịp Quốc tế thiếu nhi. “Định đi Đà Nẵng nhưng vì được nghỉ chỉ hai ngày mà số lượng trẻ con trong đoàn quá nhiều, nên mọi người đến Hồ Tây đặt tiệc ăn chơi cũng coi như đi biển”, chị nói.

Bên cạnh giá dịch vụ, tính an toàn vẫn là yếu tố được khách hàng này quan tâm hàng đầu. “Hôm ấy sẽ có rất đông trẻ con đi, chẳng may xảy ra sự cố gì cũng khó ăn nói với mọi người”, chị này phân tích. Do đó, ngay cả khi đã phần nào an tâm sau khi nghe chủ thuyền giải thích, chị vẫn phải hỏi ý kiến số đông mới dám đưa ra quyết định. Đây cũng là lý do chị Ngọc Anh chỉ để lại địa chỉ email cho người quản lý tàu để nhận bảng báo giá và chưa dám chắc chắn có thuê hay không.

Đại diện tàu Tây Long với sức chứa khoảng 200 người cho biết, toàn bộ áo phao đã được đem lên để ở gầm bàn. Người quản lý này chia sẻ, thực tế, nguy cơ xảy ra tai nạn gần như không có nhưng vẫn phải chuẩn bị kỹ càng để khách an tâm. Theo cam kết của đại diện thuyền Tây Long, vào những hôm có mưa to, gió to, tuyệt đối thuyền không nhận chở khách.

Giá dịch vụ thuê du thuyền năm nay không giảm đi so với trước sự cố tàu Dìn Ký. Trái lại, phí chạy thuyền, đồ ăn còn cao hơn so với trước do mặt bằng tăng giá chung.

Giám đốc điều hành du thuyền Potomac cho hay phí thuê thuyền chạy là 3 triệu đồng một giờ chưa gồm thuế. Hiện tại, nếu khách sử dụng từ hai giờ trở lên sẽ được hưởng ưu đãi 50% giá, chỉ 3 triệu đồng cho hai giờ. Với những dịch vụ khác như tổ chức ca nhạc, xiếc, tấu hài, biểu diễn ảo thuật… giá phục vụ là 8 triệu đồng một giờ. Nhà thuyền cũng nhận đặt tiệc. Tiệc ngồi chia theo mâm, dao động 1,3-3,2 triệu đồng một mâm chưa có đồ uống.

Còn theo đại diện thuyền Tây Long, mỗi giờ thuê, khách được tính giá 2 triệu đồng một tầng chưa gồm thuế VAT, cả hai tầng là 3,5 triệu đồng. Mức giá này đắt hơn khoảng 400.000 đồng so với trước vì chi phí xăng dầu đều tăng. Với tiệc, giá dao động từ hơn 800.000 đồng đến khoảng hơn 2 triệu đồng một mâm.

Ông Nguyễn Phúc Quang, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ thông tin, có khoảng 10 thuyền bao gồm cả nhà nổi và du thuyền được cấp phép kinh doanh trên khu vực hồ. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có một số trong số này còn nhận chở khách du ngoạn hồ Tây. Cũng theo Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, công tác di dời, tập trung các phương tiện này về khu vực đầm Bẩy (phường Nhật Tân, Hà Nội) đang được triển khai gấp rút.

UBND TP Hà Nội vừa có công văn yêu cầu Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp với UBND quận Tây Hồ, Ban quản lý hồ Tây kiểm tra (định kỳ và đột xuất) về trang thiết bị và các điều kiện đảm bảo an toàn đối với hoạt động kinh doanh, dịch vụ của phương tiện thủy ở hồ Tây.

Theo đó, tạm dừng hoạt động hoặc thu hồi giấy phép sẽ là biện pháp xử lý đối với các phương tiện không đảm bảo an toàn.

Tuệ Minh

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc