Home » Xã hội » Ngăn ngừa trẻ em chết đuối tại Việt Nam và Châu Á

Chết đuối là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ trong độ tuổi từ 1-4 ở nhiều quốc gia, ví dụ như Việt Nam, Bangladesh và Campuchia, thiệt mạng nhiều nhất.

Mặc dù Việt Nam là quốc gia có hàng ngàn cây số đường biển và đầy dẫy sông ngòi, kinh rạch nhưng nguyên nhân khiến đa số trẻ em nước này chết là vì không biết bơi. (Kerry Staight, ABC TV, Landline)

[title]

Mỗi năm hàng trăm ngàn trẻ trên khắp thế giới bị chết đuối, đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi từ 1-4 ở Châu Á.

Mới đây Hội nghị Ngăn ngừa Chết đuối Thế giới được tổ chức tại Việt Nam để đối phó với vấn nạn hàng đầu gây ra cái chết của trẻ em trong khu vực Châu Á.

Hội nghị đã nêu lên những nỗ lực mà cộng đồng quốc tế thực hiện để chống lại nạn này.

Tại hội nghị, Bác sĩ Steve Beerman, Chủ tịch Liên đoàn Cứu hộ Quốc tế công bố nhiều số liệu khiến mọi người kinh ngạc. Ông cho hay 80% trẻ em trên thế giới chết đuối là những em sống trong khu vực Châu Á. Ông cũng cho biết chỉ riêng trong vùng Châu Á mỗi năm hơn 300 ngàn người, trong đó đa số là trẻ em, chết đuối.

Ông Pete Peterson Chủ tịch Liên minh vì sự An toàn của Trẻ em, cho hay quan điểm của con người đối với dòng nước và các khu vực ao hồ, sông suối cần phải thay đổi.

Việc thay đổi này phải khởi đầu bằng việc thực hiện các chương trình dạy bơi lội. Theo ông Peterson, qua việc dạy bơi cho trẻ, các em sẽ biết cách sống còn khi đối mặt với nước. Ngoài ra, một khi đã biết bơi, các em còn có thể tự cứu mình và cứu người khác đồng thời trở thành hướng dẫn viên bơi lội.

Hiệp hội Cứu hộ Hoàng gia Úc (The Royal Life saving Society of Australia) đang đi đầu trong việc hỗ trợ các quốc gia khác nhằm giảm thiểu nạn trẻ em tử vong vì chết đuối.

Hiệp hội Cứu hộ Hoàng gia Úc đang thiết lập các hồ bơi tại Bangladesh lẫn hồ bơi dã chiến ở Việt Nam để giúp người dân hai nước này nâng cao kỹ năng mang đến sự an toàn trong nước.

Bangladesh: thiết lập hàng ngàn hồ bơi

Ông Justin Scarr, Chủ tịch Hiệp hội Cứu hộ Hoàng gia Úc cho hay Hiệp hội đang giúp đỡ Bangladesh để nước này đối phó với nạn chết đuối bằng cách tiến hành nhiều chương trình huấn luyện bơi lội, thiết lập hàng ngàn hồ bơi đồng thời thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu nạn chết đuối.

Ông cũng cho biết những cuộc khảo sát cho thấy các nỗ lực nhằm ngăn ngừa nạn chết đuối tại Bangladesh rất có hiệu quả.

Ông Justin Scarr cho rằng sự hỗ trợ của chính phủ Úc đã khiến nhiều dự án hết sức quan trọng được thực hiện.

Theo ông, chương trình giúp đỡ Bangladesh được thực hiện chủ yếu thông qua Chương trình viện trợ quốc tế AusAid, của chính phủ Úc.

Ngoài ra, nhờ vào nhiều chương trình cũng như cơ quan viện trợ khác, Hiệp hội Cứu hộ Hoàng gia Úc đã thực hiện được nhiều việc kể từ hai năm vừa qua.

Trong số các điều đã thực hiện có việc tổ chức các hội nghị và hội thảo tại Manila (Philippines), Bangladesh, thực hiện nhiều cuộc khảo cứu từ nhiều người ở nhiều lứa tuổi khác nhau để tìm hiểu về vấn đề chết đuối.

Việt Nam: mở nhiều chương trình dạy bơi

Trong khi đó, Việt Nam nhận thức sâu sắc vấn đề chết đuối, nguyên nhân chủ yếu hàng đầu khiến trẻ em nước này thiệt mạng.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, thuộc Cục Bảo vệ, Chăm sóc Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho hay nhiều phụ huynh thiếu kiến thức để cứu sống con mình.

Ông cho rằng cần phải thiết lập các cơ chế giúp trẻ được an toàn ở trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Theo ông An, chính quyền Việt Nam đang nỗ lực rất nhiều để thành lập các chương trình dạy bơi.

Bác sĩ An cho hay mọi trẻ em cần phải biết bơi và Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều chương trình dạy bơi và cứu cấp trẻ em.

Ông An cho biết Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang đang phát triển một chương trình cấp quốc gia để ngăn ngừa nạn trẻ em chết đuối.

Theo ông, Bộ vẫn đang chuẩn bị và sẽ đúc kết dự thảo tài chính vào tháng Tám để đệ trình lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông hy vọng thủ tướng sẽ phê chuẩn kế hoạch vào tháng 11 năm nay.

Bác sĩ An cho hay sự trợ giúp liên tục là điều hết sức quan trọng và ông lập lại lời kêu gọi quen thuộc là giới hạn tài trợ là thách đố lớn nhất mà họ đối mặt.

Bác sĩ An cho biết chính phủ Việt Nam tài trợ có giới hạn cho việc huấn luyện, cung cấp giáo viên, xây dựng các hồ bơi, các khóa huấn luyện bơi lội.

Theo ông đây là lý do tại sao Việt Nam cần được quốc tế hỗ trợ thêm nữa, chẳng hạn như sự giúp đỡ của Hiệp hội Cứu hộ Hoàng gia Úc và các tổ chức quốc tế khác.

Theo bayvut

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc