Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Tạp vụ lái tàu Dìn Ký vì tài công chính… hết ca

Không chuyên môn, không nghiệp vụ, lại là một nhân viên tạp vụ trong khu du lịch xanh Dìn Ký nhưng Lê Văn Đức vẫn được phép cầm vôlăng để điều khiển tàu. Hậu quả của việc làm thiếu trách nhiệm ấy đã lấy đi 16 mạng người.

Ngay sau khi chiếc du thuyền Dìn Ký bị lật làm 16 người thiệt mạng, cơ quan công an tỉnh Bình Dương đã bắt khẩn cấp lái tàu Lê Văn Đức và Lao Văn Quang (nhân viên quản lý tàu) để điều tra về hành vi “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sau đó, ngày 24/5, Thượng tá Nguyễn Hoàng Thao, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương xác nhận đã gia hạn tạm giữ lần thứ hai (thêm 3 ngày) đối với 2 nhân viên của Công ty du lịch xanh Dìn Ký. Đồng thời, Cơ quan Công an tỉnh cũng đã mời ông Đinh Văn Quân (quản lý chung của nhà hàng Dìn Ký) tới làm việc.

Khi nhân viên tạp vụ…làm tài công, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng

Khi nhân viên tạp vụ…làm tài công, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng

Qua quá trình điều tra, Cơ quan Công an tỉnh phát hiện Lê Văn Đức không có giấy phép điều khiển tàu thủy, hơn nữa trong Công ty du lịch xanh Dìn Ký Đức chỉ là một nhân viên… tạp vụ. Tuy vậy tối 20/5, sau khi tài công chính của Công ty đã hết ca trực, Đinh Văn Quân – người quản lý chiếc du thuyền vẫn điều Đức làm tài công điều khiển tàu để rồi gây ra hậu quả nghiêm trọng khiến 16 người thiệt mạng.

Thượng tá Nguyễn Hoàng Thao, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cũng cho biết thêm: “Chúng tôi đã gửi toàn bộ hồ sơ sang Viện KSND tỉnh và đang chờ phía cơ quan này phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Đức và Quân. Chúng tôi đang tiến hành điều tra và tiến hành các bước tố tụng theo quy trình của pháp luật”.

Ngoài việc tài công là chỉ là nhân viên tạp vụ, chiếc du thuyền tử thần mang số hiệu BD – 0394 có nhiều vi phạm khác về yếu tố an toàn kỹ thuật. Cụ thể, chiếc du thuyền của công ty du lịch xanh Dìn Ký đã hết hạn đăng kiểm vào ngày 28/1/2011 thế nhưng vẫn được hoạt động trong suốt thời gian qua.

Ngoài ra, thời điểm xảy ra vụ chìm tàu vào đêm 20/5, phần đáy của con tàu đã bị thủng một lỗ lớn. Tại thời điểm đó cũng đã xảy ra mưa gió nên rất có thể nước theo đó tràn vào khoang tàu khiến chiếc du thuyền bị nghiêng rồi chìm. Người tạp vụ mang “mác” tài công đã không biết cách xử lý tình huống khiến 16 người thiệt mạng.

Bên cạnh đó, “do không đảm bảo an toàn về quy định làm du lịch như, lòng sông sâu, nước chảy xiết nên khu vực con tàu bị chìm cũng không được cấp phép để làm dịch vụ này” – ông Phan Văn Duy, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy Nội địa khu vực III cho biết thêm.

Trong một diễn biến khác, chiều 24/5, ông Trần Văn Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ký văn bản chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên toàn địa bàn tỉnh. Trong văn bản này có nói rõ, trọng tâm mà các cơ quan cần chú ý xử lý là phương tiện, người điều khiển phương tiện, các bến thủy nội địa, các bến khách ngang sông….

Cùng ngày, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương đã ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm nhiều cơ quan đơn vị ở địa phương nhằm thanh, kiểm tra các bến cảng, bến du lịch, khu du lịch sông nước dọc trên sông Sài Gòn, đoạn chảy qua địa phận tỉnh Bình Dương… Nếu có vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Sáng 25/5, tại trụ sở Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương diễn ra cuộc họp nội bộ nhằm xác định nguyên nhân, trách nhiệm của vụ lật du thuyền Dìn Ký. Tuy nhiên, sau khi kết thúc cuộc họp, mọi thông tin chính liên quan đến nguyên nhân vụ chìm tàu và trách nhiệm vẫn chưa được xác định.

Ông Cao Kim Phụng, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa – Bộ Giao thông Vận tải (khu vực phía Nam) cho biết, tất cả mọi vấn đề có liên quan đến vụ chìm tàu đều đang được điều tra.

Ông Phụng còn cho biết thêm “Việc thực hiện và xử lý không thuộc về đoàn mà chủ yếu chúng tôi đến họp để ghi nhận biên bản ban đầu của vụ chìm tàu. Mang kết quả cuộc họp về trình lên lãnh đạo Bộ GTVT, xin ý kiến chỉ đạo rồi sẽ xử lí rõ ràng. Sai phạm ngành nào, ngành đó phải chịu trách nhiệm”.

Chiều 25/5, ông Trần Văn Quý, Đội phó Đội Thanh tra giao thông thủy TP – Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành thuộc Sở GTVT TP.HCM cho biết, việc kiểm tra các tàu nhà hàng nổi, các phương tiện giao thông thủy sẽ được kéo dài liên tục từ nay tới hết tháng 7 tới.
Cụ thể, từ nay đến cuối tháng 5, lực lượng Thanh tra giao thông thủy thuộc Sở GTVT TP sẽ liên tục kiểm tra các tàu thuyền hoạt động trên sông Sài Gòn, đặc biệt là các tàu nhà hàng du lịch.
Trong 2 tháng kế tiếp (tháng 6 và 7) đoàn kiểm tra liên ngành, gồm 3 cục: Đường thủy nội địa, đăng kiểm và cảnh sát giao thông đường thủy, sẽ kiểm tra đồng loạt tất cả các phương tiện thủy và nhà hàng nổi trên sông Sài Gòn.
Trong khi đó, ông Ngô Đình Quang – Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa – Sở GTVT TP.HCM cho hay, sắp tới ngoài những đợt kiểm tra thường xuyên của Cảng vụ đường thủy nội địa, Cảng vụ sẽ phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành, gồm: Chi cục Đăng kiểm số 6 – Cục đăng kiểm Việt Nam, Cảng vụ hàng hải, CSGT đường thủy và thanh tra Sở GTVT, mở đợt tổng kiểm tra về tình trạng an toàn của tất cả các phương tiện đường thủy hoạt động tại TP.HCM.
Theo thống kê từ Cảng vụ Đường thủy nội địa TP, hiện trên sông Sài Gòn thuộc địa phận TPHCM có 9 thuyền du lịch nổi đăng ký hoạt động.
Hà Tuấn
theo bee
Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc