Home » Thế giới » Trung Quốc chưa thể soán ngôi Mỹ trên thị trường tiền tệ
Mặc dù có chiến lược ‘quốc tế hóa’ đồng Nhân dân Tệ để nó trở thành đồng tiền dự trữ phổ biến trong tương lai nhưng Trung Quốc sẽ còn rất lâu mới có thể thách thức được vị trí của Mỹ trên thị trường tiền tệ thế giới.

[title]

Sẽ còn rất lâu đồng Nhân dân Tệ của Trung Quốc mới có thể soán ngôi được đồng đô-la Mỹ trên thị trường tiền tệ thế giới. (ABC)

Thay đổi nội tại của thị trường tiền tệ Úc

Hiện nay, tỉ giá hối đoái giữa đồng đô-la Úc (AUD) và đồng Nhân dân Tệ (NDT) vào khoảng 1/6,8.

Trên thực tế, trong năm 2010, AUD đã tăng giá mạnh hơn so với NDT. Nguyên nhân là do Úc và nhiều nước khác trên thế giới vẫn sử dụng đô-la Mỹ (USD) làm đồng tiền dự trữ chủ yếu cho dù kinh tế Mỹ có đi xuống trong thời gian qua.

Điều này đồng nghĩa với việc những tờ bạc in mực xanh lá cây (quen gọi là ‘Tiền xanh’ – Greenback) do Bộ Tài chính Mỹ ấn hành từ thời Tổng thống Lincoln vẫn được coi như loại tiền tệ dự trữ phổ biến nhất trong các giao dịch thương mại trên thế giới, điển hình là Úc. Trong bối cảnh Úc xuất khẩu rất nhiều tài nguyên sang Trung Quốc như hiện nay thì ‘Tiền xanh’ vẫn được các doanh nghiệp Úc ưa chuộng trong các giao dịch với đối tác Trung Quốc.

Tuy nhiên, thị trường tiền tệ hiện nay đang có sự chuyển dịch trong nội tại. Cách đây tròn một năm, Trung Quốc bãi bỏ một phần chính sách cố định tỉ giá hối đoái giữa NDT và USD vốn đã gây ra sự hạn chế giá cả cũng như sự lưu thông của NDT trên thị trường thế giới trong một thời gian dài.

Đây là một phần nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm quốc tế hóa NDT cũng như khuyến khích các công ty nước ngoài thiết lập các tài khoản giao dịch thương mại bằng NDT với đối tác Trung Quốc thay vì ‘Tiền xanh’.

Theo dự đoán của ông Paulo Maia – Giám đốc điều hành Ngân hàng HSBC tại Úc Úc, cho đến năm 2015, hơn 1/3 các giao dịch thương mại với tổng trị giá khoảng 2 nghìn tỷ đô-la/năm của các nền kinh tế mới nổi sẽ được thực hiện bằng đồng NDT. Lúc đó, NDT sẽ trở thành loại tiền tệ phổ biến thứ ba trên thế giới.

Thị trường tiền tệ Úc cũng không nằm ngoài xu hướng chung. Những bằng chứng về sự chuyển dịch trong nội tại thị trường tiền tệ quốc tế đã xuất hiện vào đầu tháng 6/2011 khi Rio Tinto – Tập đoàn Khai khoáng đứng hàng thứ ba trên thế giới của Úc cho biết họ đang tiến hành xem xét việc thực hiện các giao dịch quặng sắt bằng NDT thay vì USD.

Ông Sam Walsh – Giám đốc phụ trách bộ phận Khai khoáng Quặng sắt của Rio Tinto cho biết tập đoàn này buộc phải làm vậy trong bối cảnh họ có quá nhiều đối tác Trung Quốc.

Nhận định về xu hướng dịch chuyển này, ông Paulo Maria cho biết: “Từ trước đến nay, Ngân hàng HSBC đã thực hiện rất nhiều giao dịch bằng NDT nhưng chưa có giao dịch mua, bán tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, đây là một sự thay đổi rất tích cực đồng thời là tín hiệu tốt cho thấy số lượng các giao dịch bằng NDTsẽ ngày càng gia tăng ở Úc”.

Trước sự quan tâm của các doanh nghiệp Úc đối với sự tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc, vào đầu tháng 6/2011, HSBC đã tung ra rất nhiều sản phẩm và dịch vụ tài chính nhằm tận dụng cơ hội này. Theo đó, khách hàng có thể mở tài khoản thanh toán hoặc tiền gửi định kì bằng NDT tại các chi nhánh ngân hàng HSBC ở Úc.

“HSBC đã giúp một số khách hàng có nhu cầu thương lượng các điều khoản xuất nhập khẩu trong và ngoài Trung Quốc bằng đồng NDT trong việc thực hiện các giao dịch bằng loại tiền tệ này. Họ đã có được sự thương lượng rất tốt khi họ được đề nghị sử dụng NDT để giao dịch và tránh được những rủi ro của tỉ giá hối đoái”, ông Paulo Maria nói.

USD vẫn là đồng tiền dự trữ phổ biến nhất

Nhận định về vai trò của đồng NDT trong tương lai, ông Paulo Maria cho biết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, đồng NDT cần có thời gian để có thể trở nên phổ biến. Mặc dù vậy, theo tôi, các nước phương Tây sẽ vẫn luôn coi đồng đô-la Mỹ là đơn vị tiền tệ dự trữ. Tuy nhiên, với sự lớn mạnh và tầm quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng NDT sẽ trở thành đồng tiền dự trữ chính trên thế giới trong tương lai”.

Ông cũng nhận định chính quyền Bắc Kinh sẽ tiếp tục để cho giá trị của đồng NDT được xác lập dựa trên quan hệ thị trường và xét về dài hạn thì đây là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng phát triển, người dân nước này ngày càng trở nên năng động và hội nhập hơn vào thế giới.

Tuy nhiên, theo ông Roland Randall, chuyên gia phân tích chiến lược cao cấp của Trung tâm chứng khoán TD Securities (Singapore) thì mặc dù trong tương lai, đồng NDT của Trung Quốc sẽ có cơ hội được trao đổi một cách tự do trên các thị trường nhưng sẽ còn rất lâu nó mới có thể ‘soán ngôi’ được USD để trở thành đơn vị tiền dự trữ phổ biến nhất thế giới.

Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc cũng sẽ chưa thể thúc đẩy quá trình ‘quốc tế hóa’ đồng NDT một cách nhanh chóng vì nếu không thì NDT sẽ sự tăng giá mạnh mẽ,phản ánh sự tăng trưởng kinh tế của nước này. Điều đó sẽ ảnh hưởng tới ngành công nghiệp sản xuất và có thể khiến cho nhiều người lao động trong khu vực này bị mất việc bởi giá thành xuất khẩu ngày càng trở nên đắt đỏ hơn. Đây cũng là một kinh nghiệm mà nước Úc đã từng trải qua trong thời kì đồng đô-la Úc tăng giá mạnh.

“Một trong những yếu tố khiến cho ngành xuất khẩu có được lợi thế cạnh tranh là đồng nội tệ được giữ ở giá thấp. Vì vậy, nếu Trung Quốc để cho đồng NDT tăng giá nhanh chóng thì nó có thể gây ra những xáo trộn cho khu vực sản xuất cũng như những bất ổn về mặt xã hội cho nước này”, ông Randall kết luận.

Theo bayvut


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc