Home » Xã hội » Mùa khô hạn ở Tây Nguyên

Một người đang chăn bò trên cánh đồng khô hạn tại Gia Lai hôm 12/3/2013 AFP photo/Hoang Dinh Nam

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk, lượng mưa trong năm ngoái diễn biến bất thường và chỉ đạt khoảng 70% so với các năm trước. Thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị thiếu nước sạch nặng nhất ở Tây Nguyên. Tại Gia Lai, toàn tỉnh có hơn 1.500 ha cây trồng bị hạn hán. Mực nước ở nhiều sông, suối, hồ chứa đang xuống rất thấp, thậm chí có nơi đã bị khô kiệt. Hạ nguồn con sông Ba ở Gia Lai nước cạn trơ đáy. Các tỉnh bắc Tây Nguyên nhiều nơi đã trải qua gần 5 tháng không có mưa.

Do mưa ít

Theo ông Phạm Vũ Tuấn, Trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, tình hình khô hạn ở khu vực này, so với những năm trước đây là như sau:

Đối với Tây Nguyên, năm nào cũng vậy, mùa khô sẽ xuất phát từ tháng 11 của năm trước đến tháng 5 của năm sau.

Riêng trong năm 2013, mùa mưa của năm trước kết thúc sớm hơn so với chu kỳ. Tức là thường thì khoảng tháng 11, mùa mưa mới kết thúc; nhưng trong năm 2012, mùa mưa ở Tây Nguyên lại dứt vào tháng 10. Trong năm qua, lượng mưa ở Tây Nguyên có nơi thì đạt sấp sĩ, có nơi lại thấp hơn từ 30 – 40%. Từ tháng 11/2012 – tháng 3/2013, một số nơi có mưa trái mùa nhưng ở diện hẹp. Chính vì thế, phát sinh tình trạng khô hạn.

Lượng mưa trái mùa năm nay ít, ở diện hẹp nên so với năm trước, năm nay có tình trạng khô hạn hơn. Nhưng so với năm 2008, tình trạng khô hạn năm nay vẫn chưa gay gắt bằng.

Hiện tại, hiện tượng El Nino đang yếu và đã chuyển sang trạng thái trung gian giữa El Nino (thường xuất hiện nắng nóng và hạn hán) và La Nina (thường xuất hiện mưa nhiều và có gió lốc). Về tác động từ hiện tượng thời tiết El Nino đến tình trạng khô hạn gay gắt ở khu vực Tây Nguyên, theo ông Bùi Đức Long, Trưởng phòng thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương là như sau:

Thực tế cho thấy, nguyên nhân từ hiện tượng thời tiết El Nino biến đổi khí hậu cũng có một phần. Còn phần quan trọng là ở khu vực Tây Nguyên, mùa mưa có thiếu hụt lượng nước so với mức trung bình nhiều năm. Sang đến mùa khô này, phần lớn các khu vực ấy lượng mưa cũng không nhiều so với trung bình cùng thời kỳ. Khu vực Tây Nguyên trong thời gian qua lại thường nắng nóng. Dòng chảy ở khu vực Tây Nguyên lại ít hơn trung bình nhiều năm, khoảng độ từ 30 – 50%.

Ảnh hưởng của hiện tượng El Nino là có phân tích, nhưng ở đây còn có những tác động khác nữa. Còn nguyên nhân hạn hán năm nay liên quan đến hiện tượng El Nino thì cần nghiên cứu thêm, chưa thể có kết luận đây là nguyên nhân chính gây ra khô hạn.

El Nino là hiện tượng ấm lên bất thường của vùng biển nhiệt đới phía đông Thái Bình dương, thường gắn với một quá trình biến đổi lớn trong khí quyển. Theo tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên Hiệp quốc cho biết, khả năng xảy ra hiện tượng khí hậu bất thường El Nino trong nửa đầu năm nay là rất thấp.

Nước chứa trong các hồ, đập không nhiều, lượng nước chỉ đạt khoảng hơn 60% dung tích thiết kế. Năm 2012, khu vực Tây Nguyên hầu như không có lũ. Năm nay, sự tương phản giữa hai mùa mưa và khô ngày càng lớn còn do hiện tượng các khu rừng già liên tục bị tàn phá, dẫn đến các mạch nước ngầm khu vực này bị suy kiệt. Theo ông Phạm Vũ Tuấn, nguyên nhân khiến vùng Tây Nguyên xuất hiện tình trạng khô hạn có vẻ gay gắt như hiện nay là như sau:

Tình trạng khô hạn ở Tây Nguyên năm nào cũng vậy. Nếu lượng mưa của năm đó thấp hơn trung bình của nhiều năm và kết thúc sớm thì dứt khoát sẽ ảnh hưởng đến mùa khô của năm sau.

Nguyên nhân thứ hai là, Tây Nguyên bây giờ trồng cây công nghiệp rất nhiều. Nếu đảm bảo được diện tích tưới tiêu cây trồng có quy hoạch thì sẽ không có vấn đề gì. Nhưng diện tích trồng nhiều mà không được quy hoạch, phát sinh vấn đề thiếu nước là chắc chắn.

Nước ngầm suy giảm

Một nông dân đang gọt khoai mì trên rẫy mì khô hạn tại Gia Lai ôm 12/3/2013. AFP

Tây Nguyên là vùng đất bazan rộng lớn nhất Việt Nam, loại đất này thường dễ hấp thụ nước. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, việc khai thác quá mức nguồn nước cho canh tác cây công nghiệp ở khu vực này đã gây nên sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa nước mặt và nước ngầm. Lượng nước ngầm thiếu hụt, nước dự trữ tại các sông suối và hồ đập cạn kiệt nên nhiều trạm bơm thủy lợi đang ngừng hoạt động. Để cứu lúa và hoa màu cho người dân, công ty Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông phải nối đường ống bơm ra tận giữa lòng sông.

Dự báo về thời điểm mùa mưa đến trong năm nay, theo ông Phạm Vũ Tuấn, tại khu vực Tây Nguyên sẽ là như sau:

Theo chúng tôi đang theo dõi các hình thế Synop (một mô hình dự báo thời tiết) và các kinh nghiệm trong dự báo, chúng tôi dự báo rằng: trong năm 2013, vào tháng tư sẽ có một số trận mưa. Vào khoảng cuối tháng tư, từ ngày 20 – 25 tháng tư thì lượng mưa sẽ ở diện rộng hơn. Lúc đó, tình trạng khô hạn của khu vực Tây Nguyên sẽ được cứu vãn. Vào đầu tháng năm, sẽ bắt đầu vào hẳn mùa mưa.

Hồi đầu năm nay, theo báo cáo của một tổ chức quốc tế nghiên cứu về môi trường (DARA International), tại Việt Nam mỗi năm biến đổi khí hậu ước tính đã làm thiệt hại 15 tỷ USD, tương đương với 5% GDP.

Với diễn biến khí hậu theo chiều hướng xấu đối với ngành nông nghiệp như vậy, theo ông Bùi Đức Long, khu vực Tây Nguyên cần có những chuẩn bị thích ứng hơn:

Về biện pháp phòng tránh khô hạn ở khu vực Tây Nguyên, thứ nhất phải xây dựng các hồ chứa nước để tích nước cho mùa khô. Thứ hai là, phải cơ cấu lại diện tích cây trồng dùng nhiều nước cho hợp lý. Chứ năm nào khô hạn cũng xảy ra ở khu vực Tây Nguyên cả.

Còn các biện pháp trước mắt cần phải thực hiện là cho mở cống xả đáy các hồ thủy lợi lớn còn nước để điều tiết nước về hạ lưu. Đồng thời cần hỗ trợ những hộ dân có đất sình để đào ao lấy nước tưới cho các hộ lân cận. Tăng cường phổ biến các biện pháp trữ nước, thực hiện sử dụng nước hợp lý.

Giữa các loại thiên tai, thiệt hại về vật chất do hạn hán gây ra đứng thứ ba sau lũ lụt và bão. Cả Tây Nguyên đang dồn sức chống hạn, cứu cây trồng. Nếu không có những biện pháp khắc phục khô hạn kịp thời và hiệu quả; sự phát triển về kinh tế – xã hội của toàn khu vực cao nguyên Trung phần tất yếu sẽ bị ảnh hưởng.

Nhân Khánh

Theo rfa


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc