Home » Cổ truyền, Văn hóa » “Lấy dễ đãi người, ước chế người” – Câu chuyện về lòng khoan dung (Phần 2)
Cổ ngữ có câu: “Cổ chi quân tử, kì trách kỉ dã trọng dĩ chu, kì đãi nhân dã khinh dĩ ước”, có ý là quân tử thời xưa yêu cầu bản thân rất nghiêm ngặt về mọi phương diện, như vậy mới có thể kịp thời sửa đổi, không ngừng tiến lên, đối với người khác khoan dung bình dị, làm người khác vui là thiện. Khoan dung chính là một loại trí huệ, là bao dung trong khi kiên trì giữ vững đạo nghĩa, là quan tâm yêu mến và có trách nhiệm với người khác, cần phải có tấm lòng phóng khoáng và tâm thiện với người khác. Tử Cống, một học trò của Khổng Tử từng hỏi Khổng Tử rằng: “Có chữ nào có thể trở thành nguyên tắc được tôn thờ cả đời không? ” Khổng Tử nói: “Đó đại khái là chữ “Thứ” (tha thứ). “Thứ” có nghĩa là khoan dung. Cổ nhân chú trọng tu thân, luôn luôn xem xét, cảnh tỉnh bản thân, có thể dùng lòng khoan dung bao dung những thiếu sót của người khác, không chỉ giúp bản thân tích đức, mà còn có thể cảm hóa, khiến người khác hướng thiện. Dưới đây là một vài câu chuyện được ghi chép lại trong sách cổ.

(Tiếp theo Phần 1)

Quách Tử Nghi khoan hồng đại nghĩa

Quách Tử Nghi đời Đường nổi danh một đời chinh chiến. Trong suốt thời gian bình định “Loạn An Sử” và chống quân xâm lược ngoại lai xâm chiếm, ông đã nhiều lần lập được kỳ công, nhưng trước nay ông không hề ỷ công cậy thế kiêu ngạo, luôn trung dũng ái quốc, khoan dung nhân hậu với mọi người. Do vậy ông rất có uy tín trong triều. Sau khi loạn An Sử bùng phát, Đường Túc Tông đề bạt Quách Tử Nghi làm Thượng thư bộ binh, thống soái toàn quân. Quách Tử Nghi kinh qua trăm đắng ngàn cay, cuối cùng cũng dẫn quân thu phục lại hai kinh thành Lạc Dương và Trường An. Đường Túc Tông nói với ông rằng: “Quốc gia dù là của ta, kỳ thực đều do khanh gây dựng.”

Sau này, Đường lĩnh quân Bộc Cố Hoài Ân tạo phản triều đình, thống lĩnh quân phương Bắc và chiêu mộ 100.000 quân Hồi Hột, Thổ Phiên tiến sát vào kinh thành. Ngay khi nước sôi lửa bỏng cần dùng người tài đánh địch, triều đình khôi phục và phong thêm cho Quách Tử Nghi làm Thái úy cùng một loạt các chức danh cả hư lẫn thực như Quan giám sát, Trung thư lệnh vùng Phân Ninh, Kinh Nguyên, Hà Tây và phương Bắc. Quách Tử Nghi trước nay không hề lấy việc đánh thắng quân giặc làm con đường thăng quan phát tài, ông nhất quyết yêu cầu từ chối chức Thái úy, chỉ giữ lại mỗi chức Quan giám sát. Ông tâu lên rằng từ khi binh đao loạn lạc đến nay, chuyện phá hoại kỷ cương, so bì cao thấp với người đương thời, tranh quyền đoạt thế đã trở thành trào lưu thời thượng, ông chỉ hy vọng trong triều luôn giữ lễ nghĩa nhường nhịn, nay sẽ bắt đầu thực thi từ ông. Do Quách Tử Nghi từng thống lĩnh quân Phương Bắc nên quân Phương Bắc vô cùng kính mến Quách Tử Nghi. Khi Quách Tử Nghi dùng thân phận là Tiết độ sứ phương Bắc tới đó, quân Phương Bắc ùn ùn rời khỏi trướng của Bộc Cố Hoài Ân về lại dưới trướng của Quách Tử Nghi. Quân Hồi Hột, Thổ Phiên thấy vậy không đánh mà lui. Bộc Cố Hoài Ân đành phải dẫn 300 thân tín tháo chạy đến Linh Vũ (nay là Linh Vũ, Ninh Hạ) lánh nạn. Quách Tử Nghi thắng trận trở về. Ông vẫn nhất quyết khước từ quan tước, triều đình không cho phép, ông phải xin được khước từ tới vài lần mới khước từ được chức Thái úy.

Thời Đường Đại Tông, Bộc Cố Hoài Ân lại dẫn 300.000 quân Hồi Hột, Thổ Phiên, Đảng Tướng tiến thẳng vào Trường An, khiến cả kinh thành thất kinh. Đường Đại Tông lập tức triệu Quách Tử Nghi từ Hà Trung về đóng đồn tại thành Lạc Dương, phía Bắc Trường An, chống lại quân phiến loạn. Quách Tử Nghi thống lĩnh 10.000 quân Đường vừa tới Lạc Dương, liền bị hơn 100.000 quân Hồi Hột, Thổ Phiên bao vây trùng trùng điệp điệp, tình thế vô cùng khẩn cấp. Trong thời khắc then chốt này, Bộc Cố Hoài Ân chết vì bạo bệnh. Quách Tử Nghi thấy tình hình như vậy liền đơn thân độc mã đến gặp tướng quân Hồi Hột, nói lý với tướng quân, thuyết phục y liên minh cùng quân Đường, đại phá quân Thổ Phiên tại Linh Vũ, khiến đại quân đang phục kích quân Đường trên khắp các ngả đường nghe hơi mà mất vía, đua nhau bỏ trốn. Lúc đó mọi người đều vô cùng kính phục Quách Tử Nghi, đến cả quân Hồi Hột, Thổ Phiên cũng tán dương ông là bậc thánh nhân, vì ông đã từng ban ơn cho rất nhiều người.

Quách Tử Nghi lấy mình làm gương, yêu quý bảo vệ bách tính. Lúc đó, bao năm chiến tranh loạn lạc liên miên khiến cuộc sống của bách tính vô cùng khốn khó. Nhằm giảm bớt gánh nặng cho bách tính, ông đích thân dẫn quân làm ruộng. Thời bình khi quan quân được nghỉ ngơi, ông cùng quân lính vừa luyện tập vừa tham gia canh tác nông nghiệp. Đến khi xảy ra chiến tranh loạn lạc, hoa màu nơi ông ở khắp nơi đều bội thu.

Lã Mông Chính độ lượng khí chất hơn người

Tể tướng thời Tống Lã Mông Chính là người chính trực, độ lượng, khí chất hơn người, làm quan thanh liêm, gặp chuyện dám nói, thiện đãi mọi người, danh vọng lẫy lừng. Ông rất khiêm nhường kính tín Thần Phật, ngày ngày tụng kinh lễ Phật. Ông đã viết “Khuyến Thế Ca” (Bài ca khuyên thế nhân) khuyên người đời hướng thiện: kính Thiên an phận, làm nhiều việc thiện tích Đức.

Lã Mông Chính xuất thân bần hàn, thời trẻ thi đỗ trạng nguyên, sau đảm nhận chức tể tướng. Khi mới nhận chức tể tướng, lần đầu tiên lên thiết triều, văn võ bá quan thi nhau thăm hỏi. Lúc đó có một quan viên đứng sau chỉ Lã Mông Chính mà nói với người khác rằng: “Tiểu tử này mà cũng xứng đáng làm tể tướng tham dự chuyện triều chính sao?” Lã Mông Chính giả như không nghe thấy, vẫn bước qua đó cười cười nói nói với đồng sự. Đồng sự của ông thì để bụng chuyện đó, đều vô cùng bất bình thay cho ông, thi nhau đòi truy cứu họ tên và chức vụ viên quan đó. Lã Mông Chính vội vã ngăn mọi người lại: “Chỉ cần biết danh tính ông ta, thì cả đời sẽ không quên được, chi bằng không biết lại tốt hơn.” Đồng nghiệp đều bội phục sự độ lượng của ông. Lã Mông Chính trước nay không hề ghi nhớ sai lầm của người khác, các quan viên đều muốn cận kề ông.

Ông biết người, lấy thiện đãi người, luôn vui vẻ giúp người. Ví như ông thấy Phú Bật, con trai của tân khách là Phú Ngôn thông minh hiếu học, ông kinh ngạc thốt lên: “Đứa trẻ này lớn lên công danh sự nghiệp còn vượt xa ta ngàn lần”. Biết gia cảnh Phú Ngôn nghèo khó, Lã Mông Chính bèn trợ giúp tiền bạc cho Phú Bật cùng được ăn học với mấy người con của mình. Quả nhiên sau này Phú Bật trở thành hiền tướng nổi tiếng trong lịch sử.

Lã Mông Chính làm tể tướng trong triều, là bậc tiền bối rất độ lượng với thuộc hạ, chú trọng khen thưởng đề bạt người chậm tiến, ông không hề tâng bốc, lấy lòng trước hoàng thượng. Có lần, Tống Thái Tông để cho Lã Mông Chính lựa chọn một người tài năng, có khả năng gánh vác trọng trách đi sứ nước Liêu, Lã Mông Chính thấy có viên quan họ Trần tích cực nhất, liền đệ trình tên ông ta lên. Tống Thái Tông lại không đồng ý. Ngày hôm sau, Tống Thái Tông lại hỏi đã chọn được người chưa? Lã Mông Chính lại trình lên tên người này, Tống Thái Tông vẫn không đồng ý. Hỏi đến lần thứ ba, ông vẫn trình tên y, khiến Tống Thái Tông vô cùng tức giận, quăng văn thư của ông xuống đất, phẫn nộ mà rằng: “Sao khanh lại cố chấp như vậy!” Quần thần lúc đó đều nín thở không dám nói một lời. Tống Thái Tông đùng đùng bước xuống triều, còn quay đầu lại mà rằng: “Khí chất của Lã Mông Chính ta thật không bì kịp! Vậy hãy làm theo ý khanh!” Viên quan này đi sứ sang nước Liêu, quả nhiên hoàn thành xuất sắc sứ mệnh được giao. (Theo “Tống Sử”)

Trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc, nghiêm khắc với mình, độ lượng với người là một trong những chuẩn mực quy tắc đạo đức trong tu dưỡng cá nhân và đối đãi với người khác của người quân tử. Người quân tử tự yêu cầu bản thân kiên định giữ gìn chính đạo, hướng nội tu thân, hướng ngoại thu phục được lòng người, gắng hết sức mình tạo điều kiện cho người khác, tận tình giúp đỡ người khác, thể hiện sự tôn trọng và quan tâm yêu mến với người khác. Khoan dung là một cảnh giới vô tư, tràn đầy tình nhân ái. Nhìn lại Trung Quốc ngày nay, những mỹ đức của dân tộc Trung Hoa chúng ta đã bị phá hủy hoàn toàn trong hơn sáu mươi năm Trung Cộng thống trị Trung Quốc. Thay vào đó là triết học tranh đấu trong văn hóa đảng, coi cái ác là tài ba, khiến mối quan hệ giữa người với người ngày nay không còn chút tín nhiệm, không còn sự khoan dung, nhường nhịn, đạo đức trượt dốc đến tận cùng. Chỉ có thể bắt đầu từ bản thân mỗi người chúng ta tự mình quy chính và khôi phục lại văn hóa truyền thống, trừ bỏ văn hóa đảng của tà đảng mới có thể có một tiến trình quang vinh, mỹ hảo.

Tịnh Viễn

theo minhhue.net


01 ý kiến dành cho ““Lấy dễ đãi người, ước chế người” – Câu chuyện về lòng khoan dung (Phần 2)”

  1. BÙI THỊ HỒNG HẢO 01/08/2013

    Bài viết này rất hay, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc!!
    Con người chugns ta trong thời đại ngày nay nên cố gắng học hỏi những bậc hiền tài mà có tấm lòng bao dung nhu trong câu chuyện trên.

    Reply

Ý kiến bạn đọc