Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Phó Chủ tịch nước trăn trở về những tồn tại trong giáo dục
Phó Chủ tịch nước chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại trong giáo dục đào tạo và gợi mở những giải pháp để tháo gỡ…

Chia sẻ nhiều trăn trở đối với ngành giáo dục nước nhà tại Hội nghị bàn tròn về đổi mới giáo dục do MTTQ Việt Nam tổ chức, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến vấn đề đào tạo nhân cách, đạo đức con người cho học sinh.

Đào tạo nhân cách ngay từ bậc tiểu học

Phó Chủ tịch nước cho rằng, trước khi đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn tốt thì phải đào tạo ra những con người có nhân cách. Chính nhân cách con người sẽ chi phối toàn bộ quá trình sau này của họ “Nhân cách của con người Việt Nam hình thành từ chính bậc tiểu học. Chúng tôi đã đi khảo sát vấn đề đạo đức trong nhà trường và kết quả thu được là việc đào tạo giáo dục đạo đức cho học sinh không được coi trọng. Ngay môn học đạo đức công dân cũng bị coi nhẹ vì cho rằng đây không phải là môn thi cử”.

 

GS.TS Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước

“Bậc tiểu học là nơi hình thành nhân cách, phải tập trung dạy người cùng với dạy chữ. Khẩu hiệu “Tiên học lễ – Hậu học văn” là để dậy người. Việc bấy lâu nay nhiều nhà trường thay bằng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực, mỗi thấy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức sáng tạo”, cái này rất hay, tôi hoan nghênh nhưng việc “Tiên học lễ – Hậu học văn” thì không thể thay đổi được, nên phải giữ lại điều này ở bậc tiểu học”- Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch nước, trong thời gian qua, Bộ Giáo dục Đào tạo cũng đã có nhiều cố gắng trong việc giảng dạy đạo đức, cải thiện những tồn tại trong thực tế, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc. Như vậy, “sản phẩm” đào tạo phải thay đổi, giáo dục đào tạo phải thay đổi. Các bậc học phải tìm ra khiếm khuyết ở chỗ nào để tìm cách khắc phục, phải chỉ thẳng ra chứ không thể nói chung chung.

Đa số sinh viên ra trường không làm được việc

Phó Chủ tịch cũng trăn trở việc hiện nay, đa số sinh viên ra trường không làm được việc, đào tạo rất tốn kém. Vậy rõ ràng cần phải thay đổi “sản phẩm” đào tạo là tạo ra những con người có đức, ra trường là phải biết làm việc ngay.

“Tôi nhất trí với các Giáo sư là chúng ta phải xuất phát từ mục tiêu của mỗi cấp học để có phương pháp đào tạo cho đúng. Phương pháp dạy môn Giáo dục công dân hiện nay cũng chỉ mới là độc thoại, tuần này 1 tiết nói về vấn đề này, tuần sau 1 tiết lại vẫn bài hôm trước. Mặc dù nhiều nhà trường cũng có cố gắng, nhưng cách sắp xếp tiết học, bố trí giáo viên hiện nay rõ ràng không hiệu quả. Chính vì vậy phương pháp đào tạo, giảng dạy phải thay đổi. Nếu chúng ta cứ độc thoại, không có phòng thí nghiệm, không có môi trường, không có các cuộc đi thực tế… thì sẽ tạo ra mẫu người như hiện nay. Ngay các cháu ở bậc tiểu học cũng không muốn ngồi mãi một chỗ, học mà chơi, chơi mà học. Ngay cả bậc giáo dục Đại học hiện nay cũng có nhiều trường, giáo viên đứng lớp chỉ biết độc thoại nhiều vì nhiều thầy không biết dùng máy vi tính, không thành thạo các thao tác trên máy… Dạy như thế thì làm sao mà đổi mới giáo dục được”- Phó Chủ tịch nước trăn trở.

Còn đối với các trường dạy nghề hiện nay, theo Phó Chủ tịch nước “thử hỏi rằng có bao nhiêu trường được trang bị máy móc hiện đại, phù hợp với tình hình thực tế, nghề ra nghề, trường ra trường, lớp ra lớp. Ngay như việc quản lý các trường này cũng đang gặp khó vì nhà trường có thứ gì thì dạy cho học sinh thứ đó, chứ không có sự nghiên cứu, mày mò mang tính khoa học. Đã đến lúc chúng ta phải rà soát lại thật cụ thể từng lĩnh vực, phù hợp với từng lứa tuổi, từng ngành nghề”.

Việc giảng dạy đã thực sự vì chất lượng giáo dục?

Phó Chủ tịch nước cũng nêu thực trạng nội dung giảng dạy hiện nay còn quá nhiều, đôi khi đưa vào giảng dạy những nội dung không cần thiết “Điều này là một thực tế khi tôi còn là Hiệu trưởng trường Đại học Thương mại, tôi đã rất khó khăn trong trong việc sắp xếp môn học. Chẳng hạn có môn học không cần dạy cho sinh viên, nhưng vì nhà trường có đội ngũ các thầy dạy môn học này nên phải sắp xếp để họ được giảng dạy. Bản thân tôi cũng thấy có lỗi khi thực hiện việc này. Và nhiều trường vẫn có tình trạng này nhưng không biết giải quyết như thế nào. Làm như vậy là vì “miếng cơm manh áo” của người thầy, chứ không phải vì chất lượng giáo dục, vì học sinh. Nhưng để xử lý việc này cũng rất khó, phải cần có cơ chế của Nhà nước trong việc sắp xếp lại đội ngũ người thầy”.

Phó Chủ tịch nước cũng chia sẻ nhiều trăn trở trong việc đánh giá chất lượng đào tạo hiện nay. Chất lượng là tổng hòa các yếu tố từ nhân cách, đạo đức cho đến chuyên môn. Nhưng bây giờ có hiện tượng học sinh học 12 năm nhưng chỉ thi 5-6 môn là đánh giá học lực tốt hay không tốt, hoặc ở bậc Đại học, Cao đẳng, đầu vào quá khắt khe, nhưng đầu ra lại quá lỏng. Mà theo Phó Chủ tịch nước “Hiện, chúng ta đẩy ra thị trường, đẩy ra xã hội một loạt “sản phẩm” không đạt chất lượng. Chính việc buông lỏng ở khâu quản lý, ở khâu thi cử, kể cả buông lỏng chất lượng người thầy đã gây ra hệ lụy đó”.

 

Phó Chủ tịch nước: “Thi tốt nghiệp và thi Đại học cách nhau gần quá, gây khổ cực cho người học, cho nhà trường, cho gia đình, cho địa phương”

Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học? 

“Bây giờ chúng ta phải tập trung đánh giá những khâu như vậy. Tôi mạnh dạn nói với Bộ GD &ĐT nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Tôi sợ nếu chúng ta cứ làm thế này thì có nhiều trường đỗ đến 95%, 96% thậm chí là 100%. Được duy nhất 1 năm khi chúng ta thắt chặt trong thi cử thì có trường chỉ đỗ 14%, có trường 20%, có lớp đỗ 0%. Nếu thặt chặt mãi thì có làm được không? Nhưng nếu thặt chặt được thì ta phải thắt chặt cả khâu giảng dạy, khâu quản lý. Nếu không quản lý được thì phải tổ chức thi. Tôi nghiên cứu thấy thi tốt nghiệp và thi Đại học cách nhau gần quá, gây khổ cực cho người học, cho nhà trường, cho gia đình, cho địa phương”.

Phó Chủ tịch nước cho rằng, đã đến lúc phải xây dựng tiêu chí, chuẩn đánh giá cho rõ ràng cụ thể về chất lượng đào tạo, không nói chung chung. “Bộ GD-ĐT trong thời gian vừa qua cũng có nhiều cố gắng nhưng ở đây là một quá trình tồn đọng 20-25 năm nay. Nên chúng ta phải đặt lên bàn để tháo gỡ. Phải có chỉ tiêu, chất lượng, bộ tiêu chí để đánh giá”.

Về cơ chế chính sách cho giáo dục, Phó Chủ tịch nước đề nghị Bộ GD-ĐT phải có tổng kết kỹ về hiệu quả của các trường tư thục và dân lập trong thời gian vừa qua để có cách nhìn đúng đắn, để có chế độ và cơ chế phù hợp, động viên được hệ thống này. 

Phó Chủ tịch nước cũng trăn trở về vấn đề chính sách đối với nhà giáo, bởi nói về chất lượng giáo dục đào tạo trước tiên phải nói đến chất lượng của đội ngũ thầy giáo. Đội ngũ thầy giáo như hiện nay có sự chênh lệch giữa những người day Toán, Lý, Hóa, Sinh với những người dạy các môn xã hội. “Vậy cần phải nghiên cứu chính sách chung đối với thầy giáo như thế nào cho phù hợp ngoài chính sách Bộ GD-ĐT đưa ra, kể cả chế độ đào tạo bồi dưỡng”. 

Phó Chủ tịch nước cũng nêu ra một vấn đề không thuộc hệ thống giáo dục đào tạo nhưng có tác động lớn đến hệ thống giáo dục, đó là cách tuyển dụng vào các cơ quan Nhà nước. Hiện nay chúng ta hơi nặng về bằng cấp, chưa coi trọng khả năng thực tiễn hoặc khả năng thuyết trình… Vì cách tuyển dụng như vậy đã tác động trở lại đối với người học “Vấn đề giáo dục đào tạo sống cùng với từng gia đình, từng con người và một mình Bộ GD-ĐT không làm được mà phải có sự chung tay góp sức của toàn xã hội, trong đó có từng gia đình”- Phó Chủ tịch nước nói./.

Minh Hòa/VOV

Chuyên đề:

01 ý kiến dành cho “Phó Chủ tịch nước trăn trở về những tồn tại trong giáo dục”

  1. buôn dưa 03/08/2013

    Giả tạo!?

    Reply