Home » Kinh doanh » BĐS đổ vỡ, cho cả học trò mua nhà để cứu vãn
Trước nguy cơ đổ vỡ của thị trường BĐS, trong dự thảo Luật nhà ở mới của Bộ Xây dựng đã mở rộng thêm một đối tượng được phép thuê, mua nhà ở xã hội là học sinh, sinh viên. Trong khi đó, các doanh nghiệp tập trung vào phân khúc nhà ở thương mại cũng đang đẩy mạnh chia nhỏ căn hộ để cứu chính mình.

>> BĐS sụp đổ, truy đại gia dự án VN khắp thế giới

Cho học sinh, sinh viên thuê, mua nhà ở xã hội

Theo dự thảo Luật nhà ở mới của Bộ Xây dựng trình Quốc hội đã đề xuất cụ thể 9 đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội và các điều kiện chi tiết cho các đối tượng này.

Trước đó, theo Nghị định 34/2013 của Chính phủ, có 8 đối tượng được thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước. Bao gồm: Người có công với cách mạng; Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; Sĩ quan, hạ sỹ quan chuyên nghiệp, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân và những người làm công tác cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước;

Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp tập trung; Người thu nhập thấp, hộ nghèo tại khu vực đô thị; Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ; Các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quyết định thu hồi đất của Nhà nước; Các đối tượng có khó khăn về nhà ở theo quy định của Chính phủ.

hoc sinh

Trước nguy cơ đổ vỡ của thị trường BĐS, trong dự thảo Luật nhà ở mới của Bộ Xây dựng đã cho phép cả học sinh mua NOXH.

Và đối tượng thứ 9 được bổ sung là học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề (không phân biệt công lập hoặc dân lập).

Các đối tượng thuộc diện được thuê, mua nhà ở xã hội phải có đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội.

Đối với người thu nhập thấp thì phải không thuộc diện nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp thuê mua nhà ở xã hội thì ngoài các điều kiện quy định trên, người thuê mua còn phải có khả năng thanh toán lần đầu bằng 20% giá trị của nhà ở thuê mua.

Trong khi đó,nhiều dự án vẫn đang tiếp tục xin chuyển sang nhà ở xã hội để giải cứu thị trường. Trường hợp mới nhất là đại gia Lê Thanh Thản – Giám đốc công ty Xây dựng số 1 Lai Châu đã làm thủ tục xin Bộ Xây dựng cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại tại VP 6 Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội sang nhà ở xã hội. Việc cho hay không đang chờ bộ quyết.

Đại gia nhà ở thương mại thi nhau chia nhỏ căn hộ vì vẫn trận

Đứng trước nguy cơ đổ vỡ của thị trường BĐS và buộc phải tự tìm cách cứu mình, các đại gia nhà ở thương mại vang tiếng một thời đã phải tính đến nước xin chia nhỏ căn hộ với hy vọng bán được hàng

Điển hình là Công ty Quốc Cường Gia Lai, sau một thời gian dài “sa lầy”‘ đã chính thức xin chuyển đổi từ căn hộ lớn sang căn hộ nhỏ và chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Theo đó, tại khu đô thị mới Nam Sài Gòn (Khu Nam), QCGL có chung vốn trong một dự án chung cư 300 căn. Trong đó, QCGL góp 95% vốn vào dự án này, hiện đã đổ vào khoảng 700 tỷ đồng.

Do tình hình thị trường BĐS quá khó khăn, không bán được hàng, QCGL đã xin chuyển đổi toàn bộ 300 căn hộ trong dự án này từ diện tích 120 m2 thành 60 m2; loại căn hộ 140 m2 chuyển thành 70 m2, từ 300 căn hộ lớn được chia thành 492 căn hộ nhỏ.

Hay một đại gia khác là Tập đoàn Novaland mới đây cũng tiến hành giảm giá, xây dựng nhiều căn hộ với các loại diện tích khác nhau.

Cụ thể, với dự án Sunrise City Q.7 gần 500.000 m2 xây dựng, có 3 giai đoạn khác nhau. Giai đoạn 1, Novaland xây dựng các căn hộ với diện tích lớn, trên 1000 m2. Tuy nhiên đến giai đoạn 3, cũng là giai đoạn áp dụng giảm giá thì các căn hộ chỉ vào khoảng 56 m2, 70 m2 và 90 m2.

Vào cuối tháng 7/2013, CTCP Xây dựng số 1 (Vinaconex 1) cũng xin phép UBND TP Hà Nội được chia nhỏ diện tích căn hộ Tòa nhà C2 thuộc dự án Khu văn phòng và nhà ở cao cấp Vinaconex 1 tại đường Khuất Duy Tiến, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội để bán ra thị trường.

Chưa biết phương án này có thành công hay không, nhưng theo các chuyên gia kinh tế thì phương án chia nhỏ căn hộ để bán là giải pháp tình thế, có khi lợi bất cập hại bởi nó không đảm bảo chất lượng và sự phát triển bền vững.

BĐS sụp đổ, truy đại gia dự án Việt Nam khắp thế giới

Nằm trong xu hướng đổ vỡ chung của thị trường BĐS, chủ đầu tư nước ngoài cũng không thể trụ được tại thị trường Việt Nam và ôm tiền bỏ trốn.

Mới đây, AP có bài viết xoay quanh dự án Tricon Towers, tại khu đô thị Bắc An Khánh, Hà Nội, của công ty đầu tư Minh Việt mà báo giới trong nước đã đề cập nhiều những tháng qua, sau khi chủ đầu tư là ông Edward Chi ôm tiền bỏ trốn.

dai gia

Vị đại gia đã ôm tiền biến mất để lại dự án phần hầm và móng bỏ hoang, sắt thép đã hoen gỉ.

Edward Chi từng hứa hẹn với các nhà đầu tư rằng dự án xây dựng các căn hộ hào nhoáng của họ vẫn đang đi đúng hướng ngay cả khi BĐS đang bắt đầu có dấu hiệu đổ vỡ. Doanh nhân này thậm chí còn “hùng hồn” tuyên bố ông sẵn sàng bán các BĐS của mình tại California để hoàn trả tiền cho khách hàng, nếu việc xây dựng dự án bị trì hoãn.

Thế nhưng, thực chất vị giám đốc này không hề đứng tên trong căn hộ dự định sẽ bán tại Mỹ và sau lời hứa đó thì cũng không ai nhìn thấy bóng dáng ‘đại gia’ đâu. Bên cạnh đó, Edward Chi còn tiếp thị và nhận tiền đặt cọc cho một dự án thứ hai nhìn ra vịnh Hạ Long, một điểm du lịch ở phía Bắc. Nhưng việc xây dựng dự án này lại chưa hề được tiến hành.

Hiện có ít nhất 128 nhà đầu tư giận dữ đang săn lùng ông chủ này. Nhiều người trong số này đã vay mượn hoặc lấy tiền tiền kiệm ra góp vốn tới 150.000 USD (hơn 3,1 tỉ đồng). Tuy nhiên, công an cho biết Chi đã rời Việt Nam và không thể liên lạc được.

Không biết GDP chạy đi đâu

“Thú thật, tôi thấy các con số thống kê nó thế nào ấy, tôi không dám tin. Nợ xấu đố ai biết chính xác ra sao, tôi không dám tin con số nào vì hôm nay nói thế này mai lại nói thế khác… Nếu cứ căn cứ vào những con số này để phân tích thì đi đến đâu?” – Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phát biểu tại phiên thảo luận về phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 – 2015.

Trong khi đó, TS Lưu Bích Hồ – nguyên Viện trưởng Viện chiến lược chính sách thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại tỏ ra hoài nghi các con số.

Còn Trưởng Ban Kinh tế TW Vương Đình Huệ đặt câu hỏi: “GDP tỉnh nào cũng tăng cao mà chỉ tiêu cả nước chỉ 5,5% thì không biết GDP chạy đi đâu?”.

Do vậy, ông Huệ đề nghị cần nghiên cứu việc phối hợp điều hành kinh tế giữa trung ương và địa phương.

Duyên Duyên

Theo baodatviet

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc